Du lịch khe suối hút khách về miền Tây Nghệ An trong kỳ nghỉ lễ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Những du khách ưa khám phá, ưa du lịch mạo hiểm đã lựa chọn các điểm đến là những vùng núi hoang sơ, những khe suối tự nhiên, những hồ đập nuôi trồng thuỷ sản... để trải nghiệm trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5.
Rất nhiều du khách tìm về suối Nậm Khiên, xã Lưu Kiền (Tương Dương). Ảnh: CSCC

Rất nhiều du khách tìm về suối Nậm Khiên, xã Lưu Kiền (Tương Dương). Ảnh: CSCC

Là địa phương có hệ thống khe suối dày đặc nên Tương Dương có nguồn lợi thuỷ sản phong phú, đa dạng, đặc biệt là cá mát - một đặc sản hiếm có. Những năm qua, nhờ được khoanh nuôi, bảo vệ tốt, nên cá sinh trưởng và phát triển nhanh, đem lại nguồn lợi lớn cho người dân.

Ngoài tạo nguồn lợi về khai thác thì gần đây, những mô hình du lịch cộng đồng sinh thái đã manh nha hình thành, mở ra sinh kế mới cho đồng bào vùng cao.

Điển hình như ở xã Lưu Kiền, gần đây đã hình thành điểm du lịch sinh thái bản Xóong Con, suối Nậm Khiên thu hút hàng nghìn lượt du khách khắp nơi đổ về, cao điểm từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm.

Du khách trải nghiệm bắt cá suối ở Nga My (Tương Dương). Ảnh: Đình Tuân

Du khách trải nghiệm bắt cá suối ở Nga My (Tương Dương). Ảnh: Đình Tuân

Đi cùng với đó là hàng loạt các dịch vụ: trải nghiệm bắt cá mát bằng tay, bằng lưới trên khe suối; thưởng thức ẩm thực của bà con dân bản… đem lại nguồn thu đáng kể cho người dân.

Ở Thái Hoà, một chủ trang trại đã tận dụng dòng suối khe Tọ, thả xuống đó gần 2 tấn cá vàng các loại, tạo dựng cảnh quan để làm du lịch. Cùng với nguồn cá suối tự nhiên, cá vàng được nuôi thả, cảnh sắc tự nhiên đẹp, yên bình, những năm gần đây, khe Tọ trở thành điểm đến hấp dẫn của hàng nghìn du khách.

Với giá vé vào khe dao động từ 20.00-40.000 đồng/lượt, kèm với đó là các dịch vụ đi kèm đã đem lại thu nhập không nhỏ, đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Thưởng thức đặc sản cá mát ngay bên suối. Ảnh: Thanh Phúc

Thưởng thức đặc sản cá mát ngay bên suối. Ảnh: Thanh Phúc

Anh Phạm Thế Minh, chủ cơ sở này cho biết: “Trong 2 ngày đầu của kỳ nghỉ lễ, riêng suối cá vàng khe Tọ đã đón khoảng 1.700-2.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm.

Riêng ngày 30/4, khách đặt vé trước lên đến cả nghìn người nhưng để đảm bảo môi trường sinh thái của suối, đảm bảo phục vụ du khách tốt nhất nên phải từ chối bớt khách. Hiện nay, rất nhiều người ưa chuộng dịch vụ này, đến ngắm cảnh, tắm suối, chụp ảnh, cắm trại và mang theo đồ ăn để tổ chức tiệc ngoài trời ”.

Thác Liếp (xã Thanh Sơn, Thanh Chương) cũng là điểm du lịch khe suối hút khách trong dịp lễ năm nay. Mặc dù thời tiết không thuận lợi, vẫn rất nhiều đoàn khách tìm đến thác Liếp trong những ngày nghỉ lễ.

Suối cá vàng khe Tọ (Nghĩa Đàn) với khung cảnh nên thơ thu hút khách kỳ nghỉ lễ. Ảnh: Thanh Phúc

Suối cá vàng khe Tọ (Nghĩa Đàn) với khung cảnh nên thơ thu hút khách kỳ nghỉ lễ. Ảnh: Thanh Phúc

Hầu hết là khách ở Vinh, ở Hà Nội về quê, tìm đến thác Liếp để tắm, check-in và thưởng thức các món ăn của đồng bào dân tộc Thái bản địa như xôi, cá giàng, tôm sông, cá khe, canh ột…

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hà - một du khách đến từ thành phố Vinh cho biết: “Nhóm tôi có 10 người, đến từ các nơi khác nhau. Kỳ nghỉ lễ năm nay, chúng tôi chọn thác Liếp làm điểm đến đầu tiên trên hành trình phượt phủi, tiếp theo sẽ là một số khe suối ở Con Cuông, Tương Dương và Quế Phong. Chúng tôi rất thích không khí trong lành, cảnh vật hoang sơ và đặc biệt là những món ăn dân dã của người dân bản địa”.

Ngày cao điểm, nơi đây đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan, check-in. Ảnh: NVCC

Ngày cao điểm, nơi đây đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan, check-in. Ảnh: NVCC

Hiện nay, mô hình du lịch trải nghiệm khe suối đang phát triển ở các huyện miền núi như: Thanh Chương với thác Cối, thác Mưa, thác Liếp; Anh Sơn có Cao Vều; Con Cuông có suối nước mọc, thác Khe Kèm; Tân Kỳ có thác Hồng Sơn, hang Mó, thác Khe Vình, khe Sanh…

Ngoài ra, các đập thuỷ lợi như: Phà Lài (Con Cuông), hồ Vực Mấu (Quỳnh Lưu), đập Vệ Vừng (Yên Thành)… cũng là lựa chọn của nhiều người trong kỳ nghỉ lễ năm nay.

Có thể nói, đây là hướng đi mới, tạo thêm thu nhập cho người dân các xã vùng cao, khai thác được tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Đồng thời, qua đó, phát huy, bảo tồn được các giá trị văn hoá, nét đặc sắc trong ẩm thực và cảnh sắc của các dân tộc, các bản làng, gắn với bảo tồn đa dạng sinh học.

Thác Liếp (Thanh Sơn, Thanh Chương) cũng là địa danh thu hút sự quan tâm của những người ưa khám phá. Ảnh: CSCC

Thác Liếp (Thanh Sơn, Thanh Chương) cũng là địa danh thu hút sự quan tâm của những người ưa khám phá. Ảnh: CSCC

Tuy nhiên, để khai thác tiềm năng đó thì cần có quy hoạch cụ thể, có chính sách thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, giao thông và chiến lược quảng bá phù hợp. Đặc biệt, việc phát triển các dịch vụ du lịch phải đảm bảo hài hoà giữa việc quản lý tài nguyên thiên nhiên với các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học gắn với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội một cách bền vững.

Tin mới