Nghi Long: Cởi "nút thắt" tư duy để phát triển kinh tế

(Baonghean) - Trên tinh thần Nghị quyết số 13 của BCH Đảng bộ huyện Nghi Lộc khoá XXV về “Khắc phục tư tưởng bảo thủ trì trệ trong phát triển kinh tế ở huyện Nghi Lộc”, Đảng bộ xã Nghi Long đã cụ thể hoá, khơi dậy cho người dân tư duy đổi mới phát triển kinh tế…
Mô hình trồng dưa hấu cho thu nhập cao ở Nghi Long (Nghi Lộc).
Mô hình trồng dưa hấu cho thu nhập cao ở Nghi Long (Nghi Lộc).
Trước đây, xóm 13 là một xóm nghèo nhất xã Nghi Long, cũng vì nghèo nên mọi khoản đóng góp với xã luôn chây ỳ. Thiếu việc làm, không cải thiện được thu nhập, cuộc sống của người dân bấp bênh, cái đói, cái nghèo đeo đẳng. Cuộc sống của bà con nơi đây đã bước sang trang mới khi có Nghị quyết số 13 của BCH Đảng bộ huyện Nghi Lộc (khóa XXV) về “Khắc phục tư tưởng trì trệ trong phát triển kinh tế ở huyện Nghi Lộc” được triển khai đến tận các xóm, đến tận người dân. Đồng chí Nguyễn Cảnh Đường, Bí thư Chi bộ xóm 13 cho biết: “Chi bộ đã đề ra nghị quyết, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện, tư tưởng trì trệ vốn ăn sâu trong người dân để “đổi mới tư duy” trong phát triển kinh tế, là điều không dễ. Trước hết, đó là chuyển đổi cơ cấu cây trồng mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp. Cách làm của chi bộ là phát huy vai trò tiên phong của cán bộ, đảng viên phải đi đầu trong việc thực hiện nghị quyết, từ  hiệu quả mô hình kinh tế mang lại sẽ là minh chứng sống, tạo niềm tin, từng bước thay đổi nhận thức và hành động cho bà con”. 
Tiên phong đưa nghị quyết vào cuộc sống, đảng viên, cán bộ xóm 13 Trần Quốc Hùng đã mạnh dạn đưa giống lạc mới vào thay thế giống lạc cũ năng suất cao, chuyển 5 sào ruộng lúa sang trồng dưa, rồi trồng ngô hàng hóa và rau màu. Với diện tích đó, trước đây gia đình anh chỉ trồng 1 vụ rồi bỏ hoang nhưng giờ đây không cho đất nghỉ, bình quân mỗi năm, anh sản xuất luân phiên lạc – dưa – ngô - rau vụ đông, mang lại thu nhập hàng chục triệu đồng. Cách làm của anh đã được bà con trong xóm học tập nhân rộng. Điển hình trong xóm có gia đình bà Lê Thị Hiến, trước đây thuộc diện hộ nghèo của xóm, nhưng chính cây rau, cây dưa đã giúp gia đình bà có vốn để phát triển chăn nuôi, làm nhà mới mua sắm tiện nghi sinh hoạt, xây dựng được nhà ở khang trang. Cùng với gia đình bà Hiến, trong xóm 13, xã Nghi Long, nhiều hộ nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà thoát nghèo bền vững và điều quan trọng hơn hết là tạo được niềm tin của người dân vào chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. 
Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xóm chỉ còn 4/129 hộ, thu nhập gần 20 triệu đồng/người/năm. Xóm 13 giờ đây là một trong những xóm đi đầu trong mọi phong trào của xã Nghi Long. Kinh tế phát triển, người dân đóng góp tu sửa nhà văn hóa, vận động nhân dân đóng góp xây dựng 1 km đường giao thông nông thôn đạt chuẩn nông thôn mới, trị giá 260 triệu đồng. Hiện nay xóm đang tiến hành xây dựng các tuyến đường còn lại.
Không chỉ ở xóm 13, tinh thần nghị quyết nhanh chóng lan tỏa đến các xóm khác trong toàn xã, các chi bộ trong xã đã lãnh đạo nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, làm thay đổi tư duy làm nông nghiệp của bà con. Đặc biệt có một số hộ dân đã mạnh dạn “bứt phá”, quyết tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả trên những vùng đất khó như anh Võ Đình Hùng ở xóm 2. Với suy nghĩ đã là người nông dân thì không bỏ ruộng, anh Võ Đình Hùng đã mạnh dạn xin nhận diện tích đất cao cưỡng trồng lúa không hiệu quả, bỏ hoang của xã để đầu tư phát triển kinh tế. Để biến vùng đất khó thành trang trại tổng hợp, anh đưa cơ giới hóa cải tạo diện tích đất lúa hơn 4ha, trồng 2 vụ lúa nước vừa kết hợp chăn nuôi vịt, lợn theo hướng trang trại. Từ vùng đất bỏ hoang trở thành vùng chuyên canh trồng lúa, năng suất từ 7-8 tấn/ha, cùng với hiệu quả chăn nuôi mang lại cho gia đình anh hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Có thể nói, sau khi có Nghị quyết về “Khắc phục tư tưởng bảo thủ, trì trệ trong phát triển kinh tế ở huyện Nghi Lộc”, công tác tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết, Đảng bộ và các chi bộ ở Nghi Long đã làm rõ tác hại của tư tưởng bảo thủ, trì trệ an phận trong phát triển kinh tế, khắc phục tư tưởng chịu khổ chứ không chịu khó đã ngự trị lâu đời. Trong đó, yêu cầu bức thiết đặt ra là phải đổi mới tư duy về phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường, đổi mới cách nghĩ, cách làm, biết khai thác lợi thế của địa phương, từng hộ gia đình để phát triển kinh tế. Đồng thời xây dựng tư tưởng cho mỗi người dân biết làm giàu chính đáng ngay tại địa phương. Đồng hành với chấn chỉnh tư tưởng,  Đảng bộ Nghi Long đã ra chủ trương chuyển đổi từ sản xuất lúa, khoai kém hiệu quả sang trồng dưa hấu, ngô hàng hóa, cây rau màu có hiệu quả kinh tế cao hơn. Bên cạnh đó, xã đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện tập huấn kỹ thuật trồng dưa, trồng rau màu các loại; hỗ trợ đầu tư  kinh phí đường điện, giếng khoan, giống, phân bón; tổ chức cho người dân đi thăm quan mô hình trồng dưa, bí ở huyện Anh Sơn và các tỉnh phía Bắc. Năm 2013 mặc dù vào đợt thu hoạch toàn bộ diện tích bị ngập úng do lụt, làm năng suất giảm nhưng trung bình bà con thu hoạch được 260 tạ/ha, lợi nhuận đạt khoảng 6 triệu đồng/sào; vụ dưa năm 2014, toàn xã trồng 43 ha ước tính giá trị khoảng trên 5 tỷ đồng. Sau 8 năm đưa vào sản xuất, cây dưa hấu ở Nghi Long đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Từ một xã nghèo, đến nay, Nghi Long là một trong những xã đi đầu trong mọi phong trào của huyện Nghi Lộc, là một trong những xã xóa đường đất đầu tiên của huyện bằng sức dân đóng góp 100%. Hiện tại, Nghi Long đạt 16/19 tiêu chí xây dựng NTM.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Đình Dũng - Bí thư Đảng ủy xã Nghi Long, chia sẻ: “Từ nhận thức đúng về khắc phục tư tưởng bảo thủ trì trệ đã làm chuyển mạnh tư duy trong nhân dân, từ sản xuất thuần nông sang sản xuất đa nghề, đa sản phẩm, tăng vụ sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất hàng hóa đã tạo được bước chuyển quan trọng trong nhận thức và hành động, bắt đầu là cán bộ, đảng viên, tạo tư duy mới trong phát triển kinh tế, làm động lực thúc đẩy mọi tầng lớp nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Điều đó cho thấy, đây là hướng đi đúng đắn của địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế xã nhà đi lên, cải thiện và nâng cao đời sống của người dân”. 
Thanh Lê

Tin mới