Dùng Corticoid chữa bệnh ngoài da thế nào?

Tôi nghe nói nhiều về tác dụng phụ của thuốc corticoid khi dùng chữa bệnh ngoài da. Cụ thể như thế nào. Nguyễn Thanh Tùng (Bắc Ninh).

 

Corticoid dùng điều trị các bệnh ngoài da, có thể là đơn thuần hoặc kết hợp với một thuốc kháng sinh nào đó, thuốc gồm các dạng mỡ, dung dịch, gel, cream... Đây là một trong những nhóm thuốc thường bị lạm dụng trong điều trị.

Tác dụng phụ thường gặp nhất là gây trứng cá và tổn thương da dạng trứng cá, rạn da, giãn mạch, rậm lông, làm chậm liền vết thương, bùng phát nhiễm khuẩn, nấm, virut... Đối với loại corticoid có hoạt tính mạnh có thể gây teo da (nhất là khi bôi ở những vùng da mỏng, có nếp gấp)... Các tác dụng phụ sẽ càng nặng hơn nếu bôi thuốc mà băng bịt kín lâu dài không có sự theo dõi và hướng dẫn của thầy thuốc. Các tác dụng phụ này sẽ làm cho bệnh nặng hơn, gây khó khăn cho việc chẩn đoán và điều trị tiếp theo vì chúng gây biến đổi hình thái lâm sàng và khả năng đáp ứng với điều trị của bệnh...

Để hạn chế tối đa tác dụng phụ của corticoid, cần sử dụng đúng chỉ định. Thông thường mỗi ngày bôi từ 1-2 lần. Đối với những tổn thương mạn tính, thường bôi thuốc trong 2 tuần sau đó nghỉ vài ngày hoặc 1 tuần rồi lặp lại 2-3 đợt như vậy, sau đó thay bằng thuốc có hoạt tính nhẹ hơn.

Các vùng da khác nhau có đặc điểm giải phẫu và khả năng hấp thu thuốc cũng khác nhau, vì thế cần bôi cho phù hợp. Ví dụ ở vùng da dày (bàn tay, bàn chân) nên dùng loại có hoạt tính mạnh đến cực mạnh. Đối với những vùng da mỏng (bẹn, bìu, vùng mặt), nên dùng loại vừa hoặc nhẹ. Khi bôi thuốc, tránh bôi trên một vùng da rộng (đặc biệt với loại có hoạt tính mạnh và cực mạnh) vì dễ gây biến chứng toàn thân. Mặt khác, nếu bôi dạng thuốc mỡ với diện rộng sẽ gây hạn chế hô hấp của da. Bởi vậy, nếu có thương tổn lan tỏa toàn thân, nên bôi luân chuyển từng vùng.

Theo Sức khỏe & Đời sống - VT

Tin mới