Được hỗ trợ vốn vay, người dân vùng cao Nghệ An mạnh dạn xuất khẩu lao động

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu Quốc gia đã giúp hàng nghìn lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn Nghệ An tìm được việc làm ổn định. Trong đó, các dự án này đặc biệt phát huy hiệu quả đối với đồng bào vùng cao khi được hỗ trợ đi xuất khẩu lao động.

Đổi đời nhờ xuất khẩu lao động

Ngôi nhà sàn của vợ chồng ông Hoàng Văn Xô ở bản Khe Rạn, xã Bồng Khê (Con Cuông) qua thời gian đã khá cũ kỹ. Ngồi giữa gian nhà chính vừa rót nước mời khách, ông Xô vừa “khoe” việc con trai đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản.

Theo ông Xô, cuộc sống của con ông và cả vợ chồng ông được xem là đổi đời. Con trai ông Xô là Hoàng Văn Nhã, sau khi học hết cấp ba, lao động ở địa phương một thời gian, song không ổn định nên đã ra Hải Dương xin việc. Trong 5 năm ròng rã, Nhã làm công nhân ở một khu công nghiệp với mức lương khoảng 4,8 triệu đồng/tháng, nếu cố gắng tăng ca thì tổng thu nhập được khoảng 7 triệu đồng/tháng. Trừ chi phí thuê phòng trọ, ăn uống và tiền tàu xe đi về, rồi những lúc sức khoẻ không đảm bảo không thể tăng ca làm thêm thì mỗi tháng Nhã hầu như không tiết kiệm được khoản tiền nào gửi về cho gia đình.

bna_Ông Hoàng Văn Xô kể về quá trình  con trai được các cấp chính quyền hỗ trợ đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản.png
Ông Hoàng Văn Xô, bản Khe Rạn, xã Bồng Khê (Con Cuông) kể về quá trình con trai được các cấp chính quyền huyện hỗ trợ đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Ảnh: Hoài Thu

“Trước tình trạng đó, cháu nghỉ việc trở về quê. May mắn thông qua cán bộ huyện và xã, gia đình biết được thông tin các công ty Nhật Bản tuyển lao động, lại có cán bộ chuyên môn hướng dẫn, còn được hỗ trợ các chi phí hơn 12 triệu đồng, nên gia đình tôi đã quyết tâm vay thêm tiền để cho con đi xuất khẩu lao động. Tổng chi phí cho cháu đi hết khoảng 140 triệu đồng. Nhã sang Nhật từ tháng 11/2023, đến nay đã có tiền gửi về nhà” - ông Hoàng Văn Xô vui vẻ khoe.

Hoặc như trường hợp La Văn Trường ở bản Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn, là đồng bào dân tộc Đan Lai, được hỗ trợ hơn 12 triệu đồng và vay vốn ngân hàng với ưu đãi lãi suất thấp nên đã đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan được hơn 3 năm, nay đã gửi về trả hết nợ. Ông La Văn Thám, bố của La Văn Trường cho biết, nhờ được chính quyền hướng dẫn và giúp làm các thủ tục nên con trai ông mới có thể đi xuất khẩu lao động, mở ra hướng thoát nghèo cho cả gia đình.

Hoàng Văn Nhã, La Văn Trường là hai trong hàng trăm trường hợp lao động trên địa bàn huyện Con Cuông được tiếp cận sự hỗ trợ của Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững của Chính phủ triển khai từ năm 2023. Từ chương trình này, người lao động, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, không chỉ được hỗ trợ về tiền, mà còn được đào tạo nghề, hoàn thiện các hồ sơ thủ tục hướng nghiệp, kết nối với các công ty, doanh nghiệp uy tín để xuất khẩu lao động an toàn, hiệu quả.

bna_CCán bộ xã Thạch Ngàn tuyên truyền cho người dân về các dự án hỗ trợ xuất khẩu theo nguồn Chương trình MTQG.png
Cán bộ UBND xã Thạch Ngàn (Con Cuông) tuyên truyền cho người dân về các dự án hỗ trợ xuất khẩu theo nguồn Chương trình mục tiêu Quốc gia. Ảnh: Hoài Thu

Ông Phan Thanh Hùng - Phó phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND huyện Con Cuông cho biết, năm 2023 từ hỗ trợ của Chương trình mục tiêu Quốc gia, số lượng người dân Con Cuông đi xuất khẩu lao động tăng đột biến, gần gấp 3 các năm trước. Cụ thể, toàn huyện có 306 người đi xuất khẩu lao động, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số 179 người. Có những xã vùng sâu, vùng xa, xã biên giới cũng có hàng chục người đi xuất khẩu lao động như xã Môn Sơn 45 người, xã Thạch Ngàn 41 người, xã Châu Khê 34 người…

Mỗi lao động đi xuất khẩu được hỗ trợ theo nhiều mức, trong đó mức cao nhất đến 15 triệu đồng/người. Người dân được thụ hưởng từ nguồn giải ngân các dự án của Chương trình mục tiêu Quốc gia, cụ thể là Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 4, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023; Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 5 Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 5 Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 hỗ trợ mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hỗ trợ lao động là người dân tộc thiểu số tiếp cận thuận lợi với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm. Hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tìm kiếm được việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng.

Cho phép kéo dài giải ngân vốn hỗ trợ

Với mức hỗ trợ tối đa 15 triệu đồng/lao động đi xuất khẩu theo nguồn Chương trình mục tiêu Quốc gia, ở các địa phương miền núi, 2 tháng đầu năm 2024, đã có những dấu hiệu khởi sắc trong giải quyết việc làm cho người dân, trong đó số lượng người đi xuất khẩu lao động tăng cao hơn so với các năm trước.

Tuy nhiên, tỷ lệ người dân được hỗ trợ tìm được việc làm, đi xuất khẩu lao động vẫn chưa được như kỳ vọng, một trong những nguyên nhân là do vẫn còn vướng mắc trong giải ngân nguồn vốn. Trên địa bàn toàn tỉnh, theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2023 có khoảng 24.000 người đi xuất khẩu lao động, song chiếm tỷ lệ lớn vẫn là lao động ở các huyện đồng bằng, thành thị như Nghi Lộc, Yên Thành… Lao động các huyện miền núi, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số, chỉ mới chủ yếu đi làm ăn xa ở các tỉnh trong nước, tỷ lệ xuất khẩu lao động còn thấp, mỗi huyện chỉ vài trăm người như huyện Con Cuông hơn 300 người, huyện Kỳ Sơn gần 200 người, Quỳ Châu hơn 260 người…

Năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công các Chương trình mục tiêu Quốc gia của Nghệ An vẫn còn thấp, đặc biệt là Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo chia sẻ của lãnh đạo một số địa phương, việc giải ngân gặp một số vướng mắc. Ví như việc triển khai các dự án, tiểu dự án cần phải lập, xây dựng kế hoạch từ dưới lên trên và xuất phát từ nhu cầu người dân và cơ sở. Quy định về thủ tục còn nhiều khâu, nhiều bước. Thời gian thẩm định các dự án tại một số phòng, ban còn kéo dài; việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án phải tuân theo quy định tại nhiều luật, đòi hỏi phải có thời gian và thực hiện theo đúng quy trình của văn bản hướng dẫn…

bna_CCán bộ Phòng LĐTBXh huyện Con Cuông hướng dẫn người dân làm hỗ sơ xuất khẩu lao động..png
Cán bộ Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội UBND huyện Con Cuông hướng dẫn người dân làm hồ sơ xuất khẩu lao động. Ảnh: Hoài Thu

Theo ông Vi Văn Sơn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 là chương trình mới, tích hợp lồng ghép nhiều chương trình giai đoạn trước nên yêu cầu về thẩm định, hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục khó hơn với nhiều nội dung, dự án, tiểu dự án. Quá trình triển khai, các sở, ngành, Ban Dân tộc cũng đã trao đổi, nắm bắt các phản hồi từ địa phương để có đề xuất, kiến nghị cấp ngành liên quan tháo gỡ, giúp đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả hỗ trợ của nguồn vốn đầu tư công của các Chương trình mục tiêu Quốc gia.

Qua báo cáo của các địa phương, các bộ, ngành cấp Trung ương cũng đã nắm bắt được thực tiễn, từ đó tại kỳ họp thứ 6, khóa XV, Quốc hội đã đồng ý cho phép kéo dài giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu Quốc gia của năm 2023 sang năm 2024. Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành Công văn số 4455 /UBND-KT ngày 28/2/2024 về việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024 của các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, hạn cuối đến 31/12/2024.

Nhờ chính sách tháo gỡ quan trọng này, người dân các huyện vùng miền Tây Nghệ An, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, có thêm cơ hội được thụ hưởng sự hỗ trợ của Nhà nước trong tìm kiếm việc làm, xuất khẩu lao động.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2023, ngân sách Trung ương giao thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững 512,480 tỷ đồng. Từ nguồn hỗ trợ này, các cấp ngành đã tổ chức đào tạo nghề cho 1.015 lao động; tư vấn hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 40.000 người… góp phần giúp toàn tỉnh giảm được khoảng 1,2% tỷ lệ hộ nghèo, trong đó vùng miền núi giảm được 2,2%. Năm 2024, tỉnh Nghệ An lên kế hoạch hỗ trợ 95,672 tỷ đồng để xây dựng, nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và nhiều nội dung khác theo quy định.

Tin mới