E ngại dịch bệnh, sức tiêu thụ thịt lợn Nghệ An trên đà chững

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Trước thông tin về dịch bệnh tả lợn châu Phi, người tiêu dùng e ngại khi mua thịt lợn làm thực phẩm. Nhiều người đổi thực đơn sang các loại thịt khác, khiến sức tiêu thụ thịt lợn ở các chợ dân sinh có phần chững lại…

bna_ít khách.JPG
Người dân e ngại trước dịch tả châu Phi ở lợn nên "né" thịt lợn và các món được chế biến từ thịt lợn như: Chả nướng, giò chả... Ảnh: Thanh Phúc

Chợ Bí, xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) những ngày này sức mua thịt lợn giảm sút mạnh do trên địa bàn huyện đang có dịch tả lợn châu Phi. Chị Thái Thị Thuỷ, một người nội trợ ở xóm Tây Lộc (xã Diễn Ngọc) cho biết: “Do dịch tả lợn xuất hiện ở một số địa phương trên địa bàn huyện nên tôi cũng khá e ngại khi lựa chọn thịt lợn làm thức ăn chính trong gia đình. Thay vào đó bằng các món thịt khác như bò, gà, ngan, vịt…

Tuy nhiên, thịt lợn vẫn là món ăn phổ biến, giá thành vừa phải và dễ chế biến thành nhiều món nên tôi cũng chỉ cắt giảm chứ không cắt bỏ hoàn toàn thịt lợn. Gần 1 tháng nay, 3-4 gia đình trong xóm “đụng” lợn để sử dụng”.

bna_vắng.JPG
Sức mua giảm nên việc tiêu thụ thịt lợn ở các chợ dân sinh cũng giảm mạnh. Ảnh: Thanh Phúc

Người dân có tâm lý e ngại khi chọn mua thịt lợn trong thời điểm dịch bệnh đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp. Do đó, việc tiêu thụ thịt lợn cũng có sự giảm sút rõ rệt. Chị Hà Thị Hải, một tiểu thương kinh doanh thịt lợn ở chợ Si Nam (Diễn Thịnh, Diễn Châu) cho biết: “Trước khi chưa có dịch tả lợn thì mỗi ngày bán khoảng 50-70kg thịt thì nay chỉ bán được 30-40kg thịt. Không chỉ dân e ngại mà các quán hàng cũng hạn chế nhập thịt lợn khi thực khách “né” thịt lợn, chuyển sang ăn các món khác”.

Tại các chợ dân sinh ở thành phố Vinh, theo ghi nhận, giá thịt lợn hiện vẫn dao động từ 100-130.000 đồng/kg tuỳ loại, không giảm so với trước. Theo phản ánh của các tiểu thương, sức tiêu thụ thịt lợn có giảm nhẹ. Và hiện, người dân khi chọn mua thịt lợn cũng thận trọng hơn.

bna_vỉa hè.jpg
Các điểm bán thịt "lưu động" ở vỉa hè thời gian này vắng khách mua. Ảnh: Thanh Phúc

Chị Nguyễn Thị Xuân, tiểu thương kinh doanh thịt lợn ở chợ Hưng Dũng (TP.Vinh) cho biết: “Khi thông tin dịch tả lợn châu Phi đang xuất hiện ở nhiều địa phương trong tỉnh thì người dân khi mua thịt lợn thường hỏi kỹ về nguồn gốc lợn, có nhiều người cẩn thận xem dấu kiểm dịch; quan sát miếng thịt kỹ lưỡng hơn rồi mới mua”.

Các sạp bán thịt lợn lâu năm, uy tín ở chợ được nhiều người tìm mua nhiều hơn còn thịt lợn bán trôi nổi ở các xe tải nhỏ, các quầy thịt lợn “lưu động” bày bán ở các ngã ba, ngã tư, ở vỉa hè “kén” người mua hơn.

Bà Trần Hương Lan, một người dân ở chung cư trên địa bàn phường Hưng Phúc cho biết: “Trước tôi thường mua thịt của một người bày bán trên xe tải ngay trước vỉa hè chung cư, song khi có thông tin về dịch bệnh thì không dám mua bừa nữa mà tìm đến người quen bán cố định ở chợ để mua thịt. Bởi, khi họ bán cố định ở chợ thì lấy ở lò mổ, có dấu kiểm dịch thì sẽ yên tâm hơn”.

bna_thịt siêu thị.jpg
Thay vào đó, thịt ở các cửa hàng thực phẩm sạch, các siêu thị có sức tiêu thụ khá, tăng nhẹ so với trước. Ảnh: Thanh Phúc

Trái ngược với sự chững lại của các sạp thịt lợn tại chợ truyền thống, quầy thực phẩm tươi sống tại hệ thống các siêu thị lại ghi nhận sức mua tăng đáng kể khi người tiêu dùng có tâm lý chọn mua thịt lợn được giết mổ trên dây chuyền hiện đại tại các nhà máy để bảo đảm an toàn...

So với giá ở các chợ dân sinh, giá thịt lợn ở siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch cao hơn từ 10.000 đến 20.000 đồng/kg. "Dù đắt hơn nhưng lại là thịt có nguồn gốc, niêm yết rõ ràng... nên tôi thấy an tâm hơn", một bà nội trợ khẳng định.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), người dân hoàn toàn có thể sử dụng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh và được chế biến hợp vệ sinh. Đồng thời, theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, thịt lợn qua các lò giết mổ được kiểm tra nghiêm ngặt nên người dân không phải lo lắng.

bna_thịt.jpg
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thì người dân hoàn toàn có thể sử dụng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh và được chế biến hợp vệ sinh. Ảnh: Thanh Phúc

Mặc dù vậy, hiện nay, tình trạng một số lò mổ tự phát đang hoạt động “chui”, chưa có sự kiểm soát của các ngành chức năng là mối nguy, có thể khiến lợn bị bệnh tuồn vào thị trường. Do đó, người dân không nên “tẩy chay”, “nói không” với thịt lợn mà phải chọn mua thịt lợn rõ nguồn gốc, xuất xứ, có dấu kiểm dịch của cơ quan chức năng.

Tổng đàn lợn toàn tỉnh tại thời điểm tháng 10 năm 2023 ước đạt 981.352 con, tăng 3,3% (+31.340 con) so với cùng kỳ năm trước.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 17 ổ dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày xảy ra tại 5 huyện: Quỳ Hợp 2 ổ, Con Cuông 2 ổ, Diễn Châu 8 ổ, Quỳ Châu 1 ổ, Yên Thành 4 ổ, số lợn chết, buộc tiêu huỷ 1.282 con, tổng trọng lượng 70.503kg.

Từ đầu năm 2023 đến nay, xảy ra 53 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 12 huyện, thành, thị, lũy kế số lợn chết, tiêu hủy: 2.059 con với tổng trọng lượng 98.721 kg.

Tin mới