Gạo đặc sản miền Tây Nghệ An: Giá trị cao nhưng phát triển manh mún

Gạo đặc sản miền Tây Nghệ An: Giá trị cao nhưng phát triển manh mún

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Người dân Quế Phong cho biết, gạo Japonica và nếp Khau cày nọi hiện nay làm không đủ để bán, mang lại nguồn thu nhập khá cho người nông dân. Tuy nhiên, việc sản xuất vẫn đang trong tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết nên chưa phát huy hết giá trị nông sản.

Cung không đủ cầu

Đầu tháng 9, tại xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong, những ruộng lúa vụ mùa đã lên cao, xanh mướt và đang bước vào giai đoạn làm đòng, trổ bông; giống lúa được canh tác nhiều nhất là nếp Khau cày nọi. Đây là giống truyền thống đã được người dân gieo trồng qua nhiều thế hệ. Song trước đây, nếp Khau cày nọi chỉ được trồng để phục vụ nhu cầu của gia đình, chưa trở thành hàng hóa, chưa mang lại thu nhập cho người nông dân như mấy năm gần đây.

Tại bản Nóng, kiểm tra những ruộng lúa nếp Khau cày nọi đang chuẩn bị trổ bông, anh Lương Văn Hành - Bí thư Chi bộ bản Nóng cho biết, mấy năm nay nếp Khau cày nọi cũng như lúa Japonica trồng không đủ để bán.

bna_ HT lúa tri lễ. 2.JPG
Đồng lúa Khau cày nọi tại bản Nóng, xã Tri Lễ. Ảnh: Hoài Thu

"Hai loại lúa gạo này mùa nào cũng được thương lái đặt hàng trước. Nếu nhà nào mà lỡ bán hết thì ngay cả người nhà cũng không có để ăn. Nhiều lúc muốn mua để làm quà, biếu tặng người thân cũng không có nếu không đặt hàng trước." - anh Lương Văn Hành cho biết.

Bản Nóng có hơn 25,5 ha trồng lúa 2 vụ xuân và vụ mùa, trong đó có hơn 70% diện tích vụ mùa được người dân trồng nếp Khau cày nọi, còn lúa Japonica thì chỉ trồng vụ xuân với tỷ lệ trên 80%.

Ông Lữ Văn Cương - Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho biết, xã Tri Lễ có 451 ha trồng lúa. Mỗi năm 2 vụ lúa, trước đây người dân chỉ trồng để tự cung tự cấp và phục vụ một số ít nhu cầu của địa phương. Khoảng 3-4 năm trở lại đây, lúa gạo đã bắt đầu trở thành hàng hóa, đặc biệt là gạo Japonica và nếp Khau cày nọi, đem lại thu nhập khá cho nhiều hộ dân; đồng thời cũng giúp níu kéo lao động nghề nông, gắn bó hơn với nông nghiệp.

bna_lúa japonica.png
Lúa Japonica hạt to, tròn, mẩy. Ảnh: Hoài Thu

Ví như vụ mùa 2023 này, Tri Lễ có 317 ha thì trên 90% là trồng nếp Khau cày nọi, tập trung ở các bản vùng thấp (các bản đồng bào Mông ở địa bàn núi cao không trồng vụ mùa). Sở dĩ mấy năm lại nay người dân Tri Lễ chăm chú hơn trong sản xuất lúa gạo bởi bà con đã có thu nhập từ loại cây trồng truyền thống này nhờ giá bán cao hơn các loại lúa gạo khác. Cụ thể, lúa Khau cày nọi có giá 150 - 170 ngàn đồng /yến, còn gạo thương lái thu mua tại nhà với giá trung bình 220 ngàn đồng /yến, cao hơn các loại lúa gạo khác từ 30-50 ngàn đồng /yến.

Tại xã Châu Kim, lúa Japonica được trồng khoảng 150ha ở cả 6 bản, năng suất đạt 50 – 55 tạ/ha. Ông Hà Minh Tuấn – Bí thư Đảng uỷ xã Châu Kim cho biết, giống lúa gạo này hiện đang phát huy được giá trị kinh tế khi bà con sản xuất đến đâu được thu mua hết đến đó. Giá bán cũng cao hơn các loại lúa gạo khác 20 – 30 ngàn đồng/yến.

Khẳng định điều này, Trưởng bản Liên Phương, xã Châu Kim - anh Lô Văn Tuấn cho hay, cả bản có 45ha đất sản xuất lúa, thì vụ xuân đều trồng lúa Japonica, còn vụ mùa trồng nếp Khau cày nọi và một số ít loại lúa khác để phục vụ chăn nuôi.

Ông Vi Huệ - cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quế Phong cho biết, sở dĩ vụ lúa mùa người dân thường trồng nhiều nếp Khau cày nọi là bởi phục vụ thị trường hàng Tết. Còn lúa Japonica trồng ở Quế Phong chủ yếu là vụ xuân và cũng luôn đắt hàng, giá bán cao, mang lại thu nhập khá cho người nông dân. Hiện nay, năng suất lúa Japonica ở Quế Phong đạt khá cao 55 – 60 tạ/ha, được trồng ở tất cả các xã trên địa bàn huyện, song tập trung nhiều nhất ở các xã Mường Nọc, Tri Lễ, Châu Kim. Với diện tích hơn 500ha, lúa Japonica được trồng hàng năm, sản lượng ước tính hơn 200 tấn/năm, giá lúa 150 - 180 ngàn đồng/yến, mang lại thu nhập hàng tỷ đồng cho các hộ nông dân.

bna_Cơm nấu từ gạo japonica thơm ngọt, dẻo.jpg
Cơm nấu từ gạo japonica thơm, ngọt, dẻo. Ảnh: Hoài Thu

Theo ghi nhận của người tiêu dùng ở Quế Phong, cơm nấu từ gạo Japonica đậm vị, có độ ngọt dịu, thơm, cơm để lâu không bị khô. Đặc biệt, loại gạo này trồng tại xã Tri Lễ có chất lượng thơm ngon vượt trội hơn trồng ở các địa phương khác. Vì vậy, lúa gạo đặc sản này luôn được săn đón và thường xuyên “cháy hàng”.

Chưa phát huy hết tiềm năng đặc sản lúa gạo

Ưu điểm vượt trội là vậy, song thị trường tiêu thụ gạo Japonica cũng như nếp Khau cày nọi của Quế Phong hiện chủ yếu phục vụ nhu cầu trong huyện và các xã của các huyện lân cận. Một số thương lái thu mua bán ở các thị trường xa hơn như TP. Vinh, Hà Nội, song chủ yếu vẫn chỉ đáp ứng được số lượng nhỏ theo đặt hàng của người tiêu dùng.

bna_ruộng bậc thang ở Tri Lễ ảnh Hoài Thu.jpg
Xã Tri Lễ chủ yếu là ruộng bậc thang, khó mở rộng quy mô trồng lúa. Ảnh: Hoài Thu

Chúng tôi bày tỏ băn khoăn về việc lúa gạo được thị trường săn đón, mang lại thu nhập cao hơn loại khác nhưng tại sao địa phương không mở rộng diện tích trồng, ông Lương Văn Hành- Bí thư Chi bộ bản Nóng, xã Tri Lễ cho hay, do hạn chế của địa hình và thói quen người dân. Do địa hình nhiều đồi núi cao nên ruộng lúa vừa có diện tích nhỏ, vừa nhiều tầng bậc, người dân muốn tăng diện tích cũng khó tìm ra quỹ đất.

Còn tại xã Châu Kim, theo trưởng bản Liên Phương Lô Văn Tuấn, tuy có giá trị kinh tế cao, sản xuất không đủ để bán, song người dân vẫn không trồng lúa Japonica, Khau cày nọi trên toàn bộ diện tích, mà chỉ trồng một phần. “Ngoài trồng lúa, hoa màu thì người dân còn nuôi trâu, bò, lợn, gà nên hầu như các gia đình đều dành một số diện tích ruộng để trồng các loại lúa khác để phục vụ chăn nuôi. Và hiện tại, bản Liên Phương cũng đã canh tác lúa hầu như tối đa diện tích đất hiện có, khó có thể mở rộng thêm".

Thời điểm đầu tháng 9/2023, các ruộng lúa vụ mùa của Quế Phong đang bị rầy nâu tấn công, riêng các ruộng lúa Khau cày nọi vẫn chống chọi được, chưa có dấu hiệu bị bệnh. Nói về điều này, người dân các xã, bản cũng khẳng định tính ưu việt của lúa Khau cày nọi trong kháng sâu bệnh.

bna_Kiểm tra dập dịch tại xã Châu Kim  tảnh Hoài Thu..JPG
Trưởng bản Liên Phương, xã Châu Kim kiểm tra ruộng lúa Khau cày nọi. Ảnh: Hoài Thu

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Quế Phong cũng khẳng định đặc điểm này của lúa Khau cày nọi. Song, hiện vẫn chưa nhân rộng được nhiều diện tích giống lúa có tính kháng bệnh cao này trên toàn huyện. Bên cạnh đó, hiện nay gạo Japonica, nếp Khau cày nọi vẫn chưa nằm trong danh sách các sản phẩm OCOP của huyện, nên phần nào còn hạn chế trong việc nâng cao giá trị kinh tế của các nông sản này.

Gạo Japonica là một loại gạo ngắn xuất phát từ đất nước Nhật Bản, là một trong hai giống gạo chính của châu Á. Gạo Japonica được trồng và tiêu thụ rộng rãi ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Ở Việt Nam, trước đây gạo Japonica được trồng chủ yếu ở các tỉnh Đồng Tháp và An Giang.

Gạo Japonica có một số đặc điểm như: hạt tròn, đều đặn, mẩy, trắng tựa bông, mùi thơm tinh tế, nhẹ nhàng. Gạo Japonica có hàm lượng amylopectin cao hơn. Chủ yếu chứa các chất như Gluxit, Lipit, Protein, đường, vitamin và khoáng chất. Khi nấu lên cơm trắng và dẻo, dễ ăn ngay cả khi để nguội, hạt cơm vẫn giữ nguyên độ dẻo vốn có. Chính vì vậy, Japonica là loại lương thực chính trong bữa cơm của người Nhật.

Bí thư Chi bộ bản Nóng, xã Tri Lễ nói về ưu điểm, nhược điểm của sản xuất lúa Khau cày nọi. Clip: Hoài Thu

Tin mới