Giá điện sinh hoạt sẽ theo hướng nào?

Cơ cấu giá bán lẻ điện đang được hoàn thiện với mục tiêu hướng tới chính sách giá điện phù hợp đối với đa số các hộ sử dụng điện sinh hoạt.

Dự thảo “Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt” đang được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lấy ý kiến rộng rãi để hoàn thiện trong tháng 10 tới. Người dân vẫn đang trông đợi vào một cơ cấu biểu giá điện nâng cao tính công khai minh bạch, đảm bảo cao nhất và cân bằng lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, cũng như thực hiện tốt chính sách sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả hợp lý, người dân tránh phải chi trả quá lớn cho việc sử dụng điện.

Xây dựng cơ cấu biểu giá điện sinh hoạt là cần thiết

Hiện nay, ngành điện đang thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện theo Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ. Khi thiết kế biểu giá bán lẻ điện hiện nay, ngành điện đã xem xét trên cơ cở thực tế sử dụng điện của 4 nhóm khách hàng chính: Nhóm khách hàng sản xuất, nhóm khách hàng sinh hoạt, nhóm hành chính sự nghiệp và nhóm khách hàng kinh doanh dịch vụ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sau khi tiến hành điều chỉnh giá điện vào tháng 3/2015 vừa qua, đã có một số ý kiến khách hàng phản ánh, thực tế việc thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hiện tại là không phù hợp, đặc biệt cho nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt. Trước những phản ánh của khách hàng, Bộ Công Thương đã giao cho EVN xây dựng Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện nhằm mục tiêu đánh giá thực trạng sử dụng điện hiện nay, tập trung trước tiên vào nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt có phù hợp với biểu giá bán lẻ điện hay không?

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, trên cơ sở thực tế đánh giá thực trạng sử dụng điện của nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, EVN đã xem xét và đưa ra một số phương án với những kịch bản khác nhau để phân tích ưu nhược điểm của từng phương án, trong trường hợp biểu giá không phù hợp với thực tế sử dụng, ngành điện phải cải tiến điều chỉnh cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Cũng theo đại diện Cục Điều tiết điện lực, sau khi được Bộ Công Thương giao nhiệm vụ kiểm tra, đánh giá thực trạng sử dụng điện trong các năm từ 2013 đến năm 2014 và 8 tháng đầu năm 2015, EVN đã tổng hợp số liệu và đưa ra 3 phương án điều chỉnh cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt.

Trong các phương án đã đưa ra của EVN, ở Phương án 1 là giữ nguyên biểu giá điện như hiện nay với những phân tích ưu nhược điểm cụ thể. Đây được xem là cách để EVN đưa ra đánh giá và so sánh biểu giá bán lẻ điện hiện tại với những biểu giá điện được đề xuất mới, nhằm có cơ sở điều chỉnh để lựa chọn một cơ cấu biểu giá bán lẻ điện phù hợp nhất.

“Theo quy định của Luật Điện lực, khi ngành điện điều chỉnh giá điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam nắm giữ thị phần chi phối chiếm khoảng 95% trong khâu phân phối bán lẻ. Với vị trí và vai trò như của EVN thì việc giao cho EVN triển khai đề án để nghiên cứu đề xuất các phương án điều chỉnh cơ cấu biểu giá bán lẻ điện là hoàn toàn phù hợp”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Tính giá điện bậc thang để điều tiết sử dụng điện

Qua một số cuộc hội thảo lấy ý kiến cho đề án cải tiến biểu giá bán lẻ điện có thể thấy rằng, đề án tập trung vào việc cải tiến biểu giá điện bậc thang là trọng tâm, với mục tiêu làm sao để cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới sẽ phù hợp với những đối tượng sử dụng điện sinh hoạt có mức thu nhập thấp, ưu tiên các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách.

Đánh giá về Dự thảo Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, ông Hoàng Văn Tùy, Phó trưởng Ban Tài chính - Kế toán Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng, đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện là đề án nghiên cứu cho nên phải đưa ra các phương án có tính khả thi nhất và phù hợp nhất. Đề án phải đánh giá phân tích được tác động cũng như ưu nhược điểm của mỗi phương án, từ đó tổng hợp để lựa chọn một phương án khả thi, với mục tiêu hướng tới chính sách giá điện phù hợp đối với đa số các hộ sử dụng điện sinh hoạt.

Theo VOV

Tin mới