Giá gừng lên đỉnh, người dân Kỳ Sơn không có để bán

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Năm nay gừng Kỳ Sơn được giá ngay từ đầu vụ, tuy nhiên, khi nhu cầu gừng trên thị trường tăng cao, giá lên đỉnh trên 30.000 đồng/kg thì bà con lại không có gừng để bán nữa. 

bna_gung 3.jpg
Gừng Kỳ Sơn chất lượng đảm bảo, được thị trường ưa chuộng. Ảnh: Q.An

Từ tháng 2 hàng năm, đồng bào các dân tộc vùng cao Kỳ Sơn bắt đầu thu hoạch gừng, nhưng bước sang tháng 6 là thu hoạch chính vụ. Khác với năm trước chỉ có hơn 4.000 đồng/kg, thì năm nay gừng được giá ngay từ đầu vụ, lên tới 16.000 - 18.000 đồng/kg và hiện nay là 30.000 đồng/kg.

Xã Na Ngoi là địa phương trồng được nhiều diện tích gừng nhất huyện Kỳ Sơn. Ông Xồng Bá Dênh - Chủ tịch UBND xã Na Ngoi cho biết, gừng là một trong những cây trồng cho thu nhập chính đối với bà con tại địa phương. Năm nay toàn xã trồng được 320 ha. Bà con thu hoạch từ tháng 2, nhưng bước vào thu hoạch chính vụ là từ tháng 6. Năm nay bà con phấn khởi hơn vì gừng bán được giá cao, ngay từ đầu tháng 6 thương lái đã thu mua 18.000 đồng/kg, trong khi năm ngoái chỉ có chưa đầy 5.000 đồng/kg. Năm nay hàng trăm hộ dân có thu nhập đáng kể, cá biệt có những gia đình thu về hàng trăm triệu đồng.

bna_gung.jpg
Hàng năm, người dân Kỳ Sơn thu hoạch gừng từ tháng 2, nhưng vào chính vụ từ tháng 6. Ảnh: X.Hoàng

"Khi gừng được giá, bà con trong xã thi nhau thu hoạch, bán cho thương lái, do vậy đến đầu tháng 8 là bà con đã bán hết gừng. Tuy nhiên, từ đầu tháng 8, giá gừng bật tăng lên 30.000 đồng/kg, thì bà con không còn gừng để bán nữa. Thấy gừng được giá, nhiều người lên rẫy đào mót gừng về gom bán cho thương lái, nhưng số lượng không được nhiều", ông Xồng Bá Dênh cho hay.

Ông Nguyễn Văn Luân - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp & Tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn (Kỳ Sơn) cho biết: Năm trước gừng không tiêu thụ được trên thị trường, khiến sản phẩm gừng của Kỳ Sơn ế ẩm, phải "giải cứu", thì năm nay giá gừng lập đỉnh, cao nhất trong 3 năm lại nay. Gừng năm nay được giá là nhờ xuất khẩu, trong khi gừng các nơi chưa vào vụ thu hoạch. Riêng HTX vụ này đã thu mua được 1 nghìn tấn gừng, sơ chế để cung cấp cho các tiểu thương ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và xuất khẩu ra nước ngoài, một phần chế xuất ra tinh dầu gừng.

"Do nhu cầu thị trường gừng đang cao, nên hiện nay HTX vẫn đến các địa phương thu mua gom gừng cho bà con. Tuy nhiên, đang vào cuối vụ, nên bà con thu hoạch được ít, mỗi ngày chỉ thu mua được vài ba tấn", ông Nguyễn Văn Luân chia sẻ.

bna_gung 1.jpg
Gừng được thu mua và sơ chế tại HTX Dịch vụ nông nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn. Ảnh: Q.An

Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kỳ Sơn, năm nay diện tích gừng toàn huyện ước khoảng 800 ha. Gừng được trồng nhiều nhất ở các xã: Na Ngoi, Tây Sơn, Nậm Cắn, Phà Đánh, Huồi Tụ... Do bà con trồng theo hình thức quảng canh trên nương rẫy nên năng suất gừng đạt khoảng 1,5 tấn/ha. Như vậy, sản lượng gừng của Kỳ Sơn hàng năm đạt khoảng hơn 1.200 tấn, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho đồng bào các dân tộc.

Sản phẩm đặc sản gừng Kỳ Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý từ năm 2019. Gừng Kỳ Sơn có 2 loại: Gừng dé và gừng sừng trâu, bà con thường kết thúc vụ thu hoạch vào cuối tháng 4. Đến nay, Kỳ Sơn đã có 3 sản phẩm được sản xuất từ gừng đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh: Gừng tươi, tinh dầu gừng và bột gừng.

Tin mới