Giải pháp bảo tồn, phát triển các loài thực vật quý hiếm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống

(Baonghean) - Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống được giao quản lý 40.223,6ha rừng đặc dụng, là 1 trong 3 vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An có giá trị sinh học cao với thành phần động, thực vật rất phong phú và đa dạng. Hàng năm, BQL khu BTTN Pù Huống luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ của UBND tỉnh, của ngành Nông nghiệp và PTNT Nghệ An nên công tác điều tra được triển khai thường xuyên. 

Năm 2016, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phối hợp cán bộ Viện Công nghệ sinh học lâm nghiệp Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam thực hiện Chương trình “Điều tra, giám sát thực trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát triển các loài thực vật quý hiếm thuộc Lớp hai lá mầm (Magnoliopsida) - Ngành hạt kín (Magnoliophyta) có tên trong Sách đỏ Việt Nam tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, tỉnh Nghệ An” để từ đó đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát triển các loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Qua các đợt điều tra, giám sát lần này đã thu được những kết quả như sau:

- Bổ sung thêm vào danh lục thực vật cho Khu BTTN Pù Huống 14 loài nâng tổng số loài thực vật đã phát hiện lên tới 1.151 loài. 

- Bổ sung danh lục thực vật quý hiếm thuộc lớp hai lá mầm ngành hạt kín có tên trong sách đỏ Việt Nam (2007) tại Khu BTTN Pù Huống thêm 3 loài, nâng tổng số loài thực vật quý hiếm đã phát hiện lên tới 47 loài so với danh lục đã được công bố trước đây. Trong đó có 14 loài nguy cấp (EN), 30 loài sẽ nguy cấp (VU)  và 3 loài rất nguy cấp (CR).

- Lớp thực vật Hai lá mầm (Magnoliopsida) có tên trong sách đỏ Việt Nam được phân bố rộng khắp trong khu vực vùng lõi. 

Từ trái qua: Giổi ford, Thiên lý hương, Tô hạp Trung Hoa.
Từ trái qua: Giổi ford, Thiên lý hương, Tô hạp Trung Hoa.

Tuy nhiên, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống đang phải đối mặt với những khó khăn lớn trong công tác bảo tồn các loài thực vật quý hiếm tại đây, trong đó đáng lo ngại nhất là khai thác gỗ, lâm sản ngoài gỗ và đốt rừng làm nương rẫy trái phép làm mất rừng, tài nguyên rừng ngày càng cạn kiệt trong số đó có nhiều loài quý hiếm đang bị đe dọa tuyệt chủng làm suy giảm đa dạng sinh học, giảm sức sản xuất của đất đai, của hệ sinh thái và gây hiệu ứng nhà kính. Để khắc phục tình trạng trên,  BQL Khu BTTN Pù Huống đề xuất  những giải pháp quản lý và bảo tồn đối với các loài thuộc đối tượng giám sát tại Khu BTTN Pù Huống nhằm bảo vệ tốt hơn tài nguyên đa dạng sinh học của khu vực, đó là: 

1.  Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh để kiểu rừng phục hồi, kết hợp với công tác tuần tra của lực lượng kiểm lâm với công tác điều tra giám sát đa dạng sinh học. Việc kết hợp này sẽ giúp công tác điều tra giám sát được liên tục nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi khai thác gỗ, lâm sản ngoài gỗ trái phép.

2. Thực hiện một số chính sách đầu tư hỗ trợ hiện hành của Nhà nước để trồng rừng đặc dụng bằng các loài cây bản địa, ưu tiên trồng các loài cây quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam (năm 2007), những loài có sẵn nguồn giống và dễ gây trồng như giổi thơm, lá khôi tím, trắc thối, gụ lau, ... Trước tiên là trồng ở vườn thực vật, sau đó có thể trồng trong rừng đặc dụng tại các khu vực ít chăn thả gia súc.

3. Làm tốt công tác quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học để thường xuyên cập nhật bổ sung danh lục thực vật cho Khu BTTN Pù Huống.

Danh lục 14 loài thực vật Khu BTTN Pù Huống mới bổ sung thêm năm 2016:

 

Dương Ngọc Hùng 

(Giám đốc BQL Khu BTTN Pù Huống)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới