Giải pháp hỗ trợ giám sát dịch bệnh

(Baonghean) - Những năm gần đây, tỉnh ta là một trong những vùng trọng điểm của cả nước để xẩy ra nhiều dịch bệnh nguy hiểm như: dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng (LMLM), tai xanh, dịch tả lợn… kéo theo số lượng gia súc ốm, chết nhiều. Việc gây quỹ tiêm phòng tại nhiều địa phương đang được đánh giá là một cách làm chủ động, là giải pháp hỗ trợ hiệu quả công tác giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Tỉnh ta có địa bàn trải rộng, nhiều tuyến quốc lộ đi qua, có nhiều chợ buôn bán trâu bò lớn như: chợ Ú (Đô Lương), chợ Dinh (Yên Thành), chợ Nam Nghĩa (Nam Đàn)… Đặc biệt, nhiều cơ sở thu gom, trung chuyển gia súc, gia cầm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm lây lan, phát tán dịch bệnh. Trong 3 năm gần đây, bệnh LMLM xẩy ra tại 15 huyện, 56 xã, tiêu hủy trên 96 con trâu bò, 324 con lợn ốm chết. Bệnh tai xanh bùng phát tại 19 huyện, 169 xã, tiêu hủy trên 31 ngàn con lợn. Dịch cúm gia cầm xẩy ra tại 23 huyện, 83 xã buộc tiêu hủy trên 114 ngàn con gia cầm. Nhiều ổ dịch xẩy ra trên diện rộng như ổ dịch LMLM, dịch tai xanh xẩy ra ở Anh Sơn, Tân Kỳ, Đô Lương, Yên Thành. Do công tác giám sát, khai báo dịch không kịp thời làm cho công tác chống dịch khó khăn. Công tác tiêm phòng chưa được đẩy mạnh, dẫn đến thời gian chống dịch kéo dài, số lượng gia súc, gia cầm bị tiêu hủy khá lớn.

Mặc dù vậy, theo nhận định của ông Nguyễn Hữu Minh - Phó phòng Chăn nuôi - Sở Nông nghiệp thì, mấy năm gần đây, công tác giám sát dịch bệnh chuyển biến theo chiều hướng tiến bộ, mức độ quan tâm tại các địa phương năm sau tốt hơn năm trước.

Công tác phối hợp giữa lực lượng thú y và các tổ chức đoàn thể, địa phương được đẩy mạnh. Một số huyện thực hiện công tác giám sát, báo dịch kịp thời, chỉ đạo quyết liệt, đã hạn chế được dịch lây lan như Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Tân Kỳ, Thái Hòa, Yên Thành... Đặc biệt, 3 huyện chăn nuôi lớn là Diễn Châu, Nam Đàn, Đô Lương được tỉnh chỉ đạo triển khai đề án " thí điểm quản lý, giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm hàng ngày giai đoạn 2013-2015" đã thực hiện chế độ báo dịch hàng ngày, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc khi có dịch xẩy ra. Cũng theo ông Minh, trong điều kiện khó khăn về kinh phí hỗ trợ của Nhà nước đối với công tác phòng chống dịch   bệnh cho gia súc, gia cầm, việc tổ chức giám sát dịch bệnh lại càng không dễ. Tuy nhiên, nhiều địa phương trong tỉnh đã có cách làm linh hoạt, chủ động gây dựng được nguồn quỹ tiêm phòng, hỗ trợ chăn nuôi khá hiệu quả.

Huyện Đô Lương có trên 44 ngàn con trâu bò, 107 ngàn con lợn và trên 1,5 triệu con gia cầm, thủy cầm, trên 300 trang trại, gia trại, 87 trang trại đạt chuẩn theo Thông tư 27 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Công tác vận chuyển, giết mổ gia súc tập trung trên địa bàn diễn ra khá phức tạp. Tái đàn chăn nuôi rầm rộ, đặt ra nhiều khó khăn trong giám sát dịch bệnh. Trong khi đó, tâm lý người dân không coi trọng công tác tiêm phòng, nên khả năng giám sát dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Từ nhiều năm nay, UBND huyện ban hành công văn về việc vận động các xã chủ động triển khai gây quỹ tiêm phòng qua phương án thu tiền bằng thóc trên mỗi hộ chăn nuôi. Các hộ chăn nuôi nộp từ 8-10 kg thóc/hộ/ năm. Giá thóc được tính theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Chị Nguyễn Thị Nga - xóm 6 Trung Sơn, cho biết: "Mỗi năm bất kể hộ chăn nuôi nhiều hay ít đều góp 8kg thóc/hộ (cùng thời điểm nộp sản phẩm) tương đương trên dưới 40 ngàn đồng/ năm. Trước đây không muốn tiêm, nhưng nộp tiền rồi nên giờ việc tiêm phòng "khoán trắng" cho cán bộ thú y. Hộ nào có chăn nuôi cũng được tiêm phòng chu đáo". Tại xã Hòa Sơn lại thống nhất mức thu gây quỹ tiêm phòng theo đầu gia súc 8 ngàn đồng/con. Mỗi năm, nguồn quỹ này của xã thu được trên dưới 30 triệu đồng. Xã còn trích một phần ngân sách hỗ trợ công tác tiêm phòng cho các hộ chăn nuôi 20 con trở lên, hỗ trợ 30 - 70% kinh phí tiêm phòng cho trại chăn nuôi lớn.

Nhờ đó, đến nay tỷ lệ tiêm phòng bình quân hàng năm của Đô Lương từ chỗ chỉ đạt 49% KH (năm 2000) nay lên tốp trên của tỉnh, đạt trên 85% KH. Nhiều chủng loại vác-xin như tai xanh, tụ huyết trùng đạt trên 95% KH tiêm phòng. Đặc biệt, Trù Sơn, Hiến Sơn, Mỹ Sơn, Đại Sơn tỷ lệ tiêm phòng cho đàn vật nuôi vươn lên ở mức " kỷ lục" từ 5% lên đến xấp xỉ 90% KH. Tỷ lệ xẩy ra dịch bệnh trên địa bàn huyện giảm hẳn cả 5 tiêu chí, đó là số xã bùng phát dịch giảm từ 10 xã xuống còn 3 xã (mùa dịch), số xóm, số hộ chăn nuôi xuất hiện dịch giảm mạnh; trọng lượng gia súc, gia cầm tiêu hủy giảm còn 1/10 tấn; thời gian phát sinh đến dập dịch kéo dài từ 1 tháng/đợt dịch nay giảm còn 10-13 ngày/đợt dịch.

Với việc triển khai gây quỹ này, Diễn Châu có hẳn Nghị quyết số 06/NQ- HĐND (năm 2010) về việc đưa phí tiêm phòng cho đàn vật nuôi vào phương án thu của xã. Mục đích của nghị quyết là chú trọng công tác thú y, chủ động trong việc tiêm phòng dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Ông Chu Văn Bộ - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Lâm, cho hay: Là một địa phương thuộc vùng miền núi, tiềm năng đất đồi lớn nên phương châm của xã là duy trì, phát động bà con nâng tổng đàn gia súc chăn nuôi. Hàng năm, xã thống nhất thu theo phương án 10 ngàn đồng/hộ chăn nuôi, với 2700 hộ chăn nuôi, nguồn quỹ của xã có thể huy động trên dưới 27 triệu đồng. Theo đó, xã tập trung triển khai tốt công tác theo dõi dịch bệnh, tiêm phòng cho đàn gia súc, hỗ trợ chế độ cho cán bộ thú y viên theo hệ số 0,4 %/ tháng, tương đương 400 ngàn đồng/người/tháng. Quyền lợi, trách nhiệm được quy định cụ thể, cán bộ thú y viên đã phối hợp, làm tốt công tác theo dõi tổng đàn, tiêm phòng dịch bệnh, công tác vệ sinh ATTP, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, tái đàn chăn nuôi.

Ông Nguyễn Trọng Bốn - Trạm trưởng Trạm thú y Diễn Châu, cho biết: Phương án gây quỹ thu theo hộ chăn nuôi được triển khai tại các xã với mức độ tự cân đối từ 10- 30 ngàn đồng/hộ/năm. Hiện nay, toàn huyện có 20/39 xã triển khai phương án thu quỹ theo tinh thần Nghị quyết 06/NQ-HĐND. Điển hình như Diễn Vạn, Diễn Nguyên, Diễn Thắng, Diễn Thành, Diễn Hùng... Nhờ đó, năm 2012 và vụ xuân 2013 vừa qua, tỷ lệ tiêm phòng đối với các chủng loại vác-xin THT trâu bò, THT lợn, dịch tả lợn đạt 102- 236% so với chỉ tiêu tiêm phòng cùng kỳ năm 2011. Dịch bệnh xẩy ra nhỏ lẻ, không có dịch bùng phát trên diện rộng như nhiều năm trước.

Cùng với Đô Lương, Diễn Châu, rất nhiều xã tại Yên Thành, Kỳ Sơn, Nghi Lộc cũng thực hiện phương án gây quỹ tiêm phòng. Tại huyện miền núi Tân Kỳ, năm 2010, UBND huyện ban hành đề án "xây dựng quỹ tiêm phòng gia súc". Hiện nay, có 7/22 xã thị tổ chức được nguồn quỹ tiêm phòng, với mức góp 10-25 ngàn đồng /hộ/năm. Nhờ đó, huyện chủ động kinh phí hỗ trợ cho công tác thú y tại Nghĩa Dũng, Kỳ Sơn, Nghĩa Hợp, Tân Xuân, Tân Hương...

Tuy các giải pháp gây quỹ tiêm phòng chưa được nhiều cơ sở triển khai, nhưng tại các địa phương đã triển khai, đều xây dựng thành văn bản, nhận được sự đồng tình, thống nhất tận các thôn, bản và người dân. Đây cũng chính là sợi dây siết chặt công tác quản lý về tiêm phòng, đưa số gia súc được tiêm phòng đạt tỷ lệ cao, hỗ trợ rủi ro trong chăn nuôi. Ông Nguyễn Công Châu - Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho rằng: Gây quỹ tiêm phòng tại các xã được xem là bước đệm để thực hiện tốt hơn công tác giám sát dịch bệnh. Thực tế cho thấy những xã gây dựng được quỹ tiêm phòng ổn định hàng năm thì ở xã đó, công tác giám sát dịch bệnh tốt hơn, đội ngũ thú y cơ sở tích cực, mặn mà hơn với công việc, công tác phát hiện và dập dịch nhanh gọn, kịp thời hơn.

Nhiệm vụ giám sát dịch bệnh và báo cáo khi có dịch là trách nhiệm của chính quyền địa phương, thú y cơ sở. Thế nhưng, trên thực tế lâu nay tại một số xã, công tác giám sát, phát hiện, báo cáo dịch bệnh từ người chăn nuôi, xóm trưởng, thú y lên UBND xã, trạm thú y còn chậm trễ. Nhiều nơi chính quyền còn giấu dịch. Ngay cả một số cán bộ thú y hành nghề tự do cũng giấu dịch để điều trị. Tại các vùng trọng điểm chăn nuôi, cán bộ thú y cơ sở không có chế độ, bỏ việc. Các huyện miền núi không có thú y viên… Những bất cập này đang gây trở ngại đến công tác giám sát, bảo vệ an toàn đàn gia súc, gia cầm.

Tuy việc gây quỹ tiêm phòng là một giải pháp, cách làm hiệu quả, song theo ý kiến của ông Đặng Văn Minh - Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh thì nếu xây dựng phương án gây quỹ không sát đúng tình hình, không có tính dự báo, dự đoán tốt rất dễ xảy ra tình trạng nguồn quỹ không đủ số lượng vắc-xin cần tiêm khi tổng đàn tăng. Thực tế có địa phương phải trích ngân sách bù lỗ nhiều lần (tại Đô Lương), như vậy, tính bền vững của quỹ sẽ không đảm bảo. Do đó, trước hết phải nắm chính xác tổng đàn, tỷ lệ đăng ký tiêm phòng, quy định số tiền góp quỹ hợp lý, tránh tình trạng người chăn nuôi nhiều hay ít đều đóng góp như nhau. Đặc biệt, kế hoạch, phương án cần thể hiện sự linh hoạt tùy theo biến động tổng đàn và giá vắc-xin trên thị trường.

Lương Mai

Tin mới