Giải thưởng sáng tạo KHCN Nghệ An 2009

Sản xuất giống lúa thuần, lúa thương phẩm và gạo an toàn
Công trình do ông Phan Văn Hoà- Công ty TNHH Vĩnh Hoà thực hiện; đạt giải Nhất


Trước hết, ông Phan Văn Hòa đã tìm tòi nghiên cứu và thử nghiệm thành công giống lúa thuần AC5. Đây là giống lúa thuần cho năng suất cao và chất lượng gạo thơm ngon, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng; sản xuất thử trên diện tích 35ha tại các huyện Yên Thành và Đô Lương, kết quả vụ mùa năm 2004 cho thấy giống lúa AC5 cho năng suất và chất lượng cao. Qua 4 năm (2005-2008), đã có hơn 100 hộ nông dân tham gia với diện tích 4.720ha ở nhiều huyện trong tỉnh. Ngày 02/4/2008, giống lúa AC5 đã được Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận giống lúa quốc gia và đưa vào sản xuất trên đồng ruộng Việt Nam.


Để có sản phẩm gạo an toàn, Công ty đã xây dựng một quy trình sản xuất khép kín từ khâu sản xuất giống, sản xuất mạ, gieo cấy, chăm sóc, gặt đập, bảo quản và đặc biệt thiết kế dây chuyền công nghệ xay xát gạo chất lượng cao với công suất 4 tấn/h. Sản phẩm gạo an toàn của công ty cho hạt đều, khô, sáng bóng và chất lượng cao.


Đến nay Công ty TNHH Vĩnh Hoà là công ty đầu tiên trong toàn quốc làm chủ được quy trình sản xuất khép kín từ khâu sản xuất giống, sản xuất mạ, gieo cấy, chăm sóc, gặt đập, phơi sấy lúa, bảo quản, xay xát đến khâu chế biến thành gạo hàng hóa; tạo mối liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp trong các hợp đồng sản xuất lúa theo đúng quy trình đã đề ra đến khâu bao tiêu sản phẩm; tổ chức nghiên cứu bổ sung thiết bị hệ thống tẩy sạch, đánh bóng gạo, dây chuyền sản xuất gạo; bổ sung một giống lúa mới cho năng suất cao, thích ứng với hệ sinh thái và cơ cấu giống trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Hàng năm, Công ty thu lãi từ 600-700 triệu đồng từ việc sản xuất giống AC5 và gạo an toàn; tạo thu nhập cao và ổn định cho hơn 100 hộ nông dân trên địa bàn các huyện Yên Thành, Đô Lương, Hưng Nguyên, Diễn Châu, Quỳnh Lưu. Hiện nay, Công ty đang tiếp tục mở rộng thêm diện tích gieo cấy và quy mô sản xuất.

Từ kết quả nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, đến nay giống lúa AC5 đã đem lại những hiệu quả tích cực. Qua việc triển khai dự án, nhận thức và hiểu biết của người nông dân trong việc áp dụng các TBKHKT vào sản xuất được nâng cao, góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Xử lý bụi và mùi của lò đốt than TMZ 1 tấn hơi/h

Đề tài do KSPhan Đình Đức - Công ty CP mía đường Sông Lam thực hiện; đạt giải Nhất


Công ty CP mía đường Sông Lam sử dụng lò hơi TMZ (công suất 1 tấn hơi/h, đốt bằng than cám) trong sản xuất cồn thực phẩm. Tuy nhiên, than cám Khe Bố mà lò hơi TMZ sử dụng có hàm lượng lưu huỳnh cao (30%), khi đốt tạo ra bụi than và khí thải SO2 có mùi hôi khó chịu, gây khó thở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ công nhân và đời sống khu dân cư xung quanh. Để khắc phục tình trạng đó, tập thể cán bộ kĩ thuật và lãnh đạo công ty đã nghiên cứu, cải tiến công nghệ lò hơi TMZ nhằm ổn định sản xuất và hạ giá thành sản phẩm, đem lại hiệu quả môi trường và kinh tế cao.


Qua nghiên cứu, công ty đã đề xuất và sử dụng giải pháp: dùng hoá chất Ca(OH)2 và nước khử mùi hôi và bụi (theo phương pháp ướt); đồng thời cải tiến lò hơi, xây dựng hệ thống Ciclon. Lò hơi cũ chỉ có một quạt đẩy và ống khói cao 28m; sau khi cải tiến được lắp thêm một Ciclon thu hồi ướt (phun bằng nước lạnh) khử bụi, một Ciclon thu hồi ướt (phun bằng nước vôi loãng Ca(OH)2) khử mùi và một quạt hút, ống khói được nâng cao lên 35m để tạo lực hút tối đa.

Hai hệ thống Ciclon thu hồi ướt có tác dụng thay đổi hướng đi của khói lò mang bụi, khói được quạt hút đẩy lên ống khói, còn lại bụi khi va đập và đổi hướng sẽ bị nước giữ lại và xả ra bể xử lý môi trường. Khí thải SO2 có mùi hôi khi gặp nước sẽ tạo thành axit H2SO3. Axit H2SO3 được dung dịch nước vôi loãng Ca(OH)2 trung hòa tạo ra muối CaSO3 và nước. Do đó, không còn mùi hôi khó thở ảnh hưởng tới công nhân cũng như dân cư ở khu vực xung quanh.


Lò hơi TMZ là loại lò hơi cũ do Liên Xô chế tạo từ những năm 1970 nên việc cải tiến để xử lý bụi và khí thải rất khó khăn so với các loại lò hơi lớn, hiện đại. Vì vậy, giải pháp dùng hoá chất Ca(OH)2 (giá thành rẻ, có sẵn tại địa phương) để trung hoà và thu hồi khí thải thông qua hệ thống Ciclon, không gây độc hại cho môi trường xung quanh là rất sáng tạo và hiệu quả.


Cải tiến lò hơi TMZ 1tấn hơi/h với đặc tính dễ vận hành, dễ xây dựng, khi đưa vào hoạt động đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Công ty CP mía đường Sông Lam sản xuất 1.000.000 lít cồn thực phẩm/năm. Nếu dùng than cám Quảng Ninh thì chi phí nguyên liệu sản xuất là 3.150 triệu đồng.

Sau khi cải tiến công nghệ lò hơi TMZ, tiếp tục sử dụng được than cám Khe Bố trong sản xuất, công ty chỉ phải bỏ ra chi phí là 1.210 triệu đồng, làm lợi gần 1.940 triệu đồng/năm. Vốn đầu tư cho cải tiến lò hơi TMZ là 500 triệu đồng, được khấu hao trong gần 3 năm (gần 170 triệu đồng/năm). Trừ khấu hao, giá trị làm lợi của việc cải tiến lò hơi TMZ là 1.770 triệu đồng/năm. Đồng thời, giá thành cồn thực phẩm do công ty sản xuất được đảm bảo, có khả năng cạnh tranh và tiêu thụ tốt trên thị trường.


Công trình cải tiến hệ thống lò hơi TMZ khi đưa vào sử dụng đã thúc đẩy quá trình cải tạo hạ tầng sản xuất, loại bỏ gần 100% hiện tượng bụi và mùi hôi, bảo vệ sức khoẻ người lao động cũng như vùng dân cư xung quanh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời tạo được việc làm và thu nhập ổn định cho gần 200 lao động.

Thông tin KHCN (Giới thiệu)

Tin mới