Những thành quả nổi bật KH-CN Nghệ An năm 2013

(Baonghean) - Năm 2013 là một năm khó khăn của nền kinh tế nhưng cũng là năm mà khoa học và công nghệ được quan tâm đặc biệt. Điều này một lần nữa khẳng định quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về vai trò then chốt và quyết định của khoa học công nghệ trong sự nghiệp CNH-HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Trong năm qua, được sự quan tâm của Trung Ương, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, cùng sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ làm công tác khoa học và công nghệ, hoạt động khoa học và công nghệ Nghệ An đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều thành quả nổi bật, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tỉnh nhà. Sau đây là những sự kiện tiêu biểu theo bình chọn của các phòng, đơn vị thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An.

1. Sự kiện đáng ghi nhận đầu tiên là trong năm 2013, Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành một số cơ chế quản lý nhà nước và chính sách về khoa học công nghệ. Đó là Kế hoạch về “Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TƯ ngày 1 tháng 11 năm 2012 Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương Đảng khoá XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Quyết định số 49 về ban hành quy định quản lý đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh với nhiều điểm mới thay thế cho 2 Quyết định 53/2009/QĐ-UBND và Quyết định 38 về quy định xác định nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh và tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện Đề tài nghiên cứu KHXH&NV, đề tài nghiên cứu KH&PT công nghệ và Dự án SXTN cấp tỉnh; Quyết định số 60 về việc ban hành quy định về xét thưởng công trình sáng tạo KH&CN trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Nghị quyết số 116 về cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư công nghệ mới, đổi mới công nghệ, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Nghị quyết số 106 về một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư các dự án công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2013-2020.
2. Sự kiện thứ hai là Lễ khánh thành Nhà máy Sữa tươi sạch nằm trong dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp lớn của Tập đoàn TH (đóng tại huyện Nghĩa Đàn) được tổ chức vào ngày 9/7/2013 vừa qua. Đây là dự án đầu tư tư nhân lớn nhất trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư lên tới 1,2 tỷ USD. Sau 2 năm xây dựng, Nhà máy chính thức đưa vào vận hành cụm dây chuyền sản xuất giai đoạn I với công suất 200 nghìn tấn/năm. Tổng công suất thiết kế của nhà máy lên đến 500 nghìn tấn/năm vào năm 2017. Nhà máy Sữa tươi sạch TH có và quy mô lớn nhất Đông Nam Á, được trang bị các thiết bị hiện đại nhập khẩu từ các nước G7 và châu Âu. Toàn bộ hệ thống vận hành được thực hiện theo tiêu chuẩn ISO 9001. Các sản phẩm của nhà máy được sản xuất và quản lý hoàn toàn theo tiêu chuẩn ISO 22000 nhằm đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm khắt khe nhất. 
3. Một sự kiện đáng quan tâm nữa là trong năm nay, 3 doanh nghiệp được Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Đó là: Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An, Công ty TNHH Khoa học công nghệ Vĩnh Hòa và Công ty TNHH Công nghệ sinh học phục vụ đời sống sản xuất thương mại du lịch Thanh Mai.  Sự ra đời của 3 doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu tiên của tỉnh là một tín hiệu mới khởi đầu cho công tác xã hội hóa nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, cho thấy sự nhận thức của các doanh nghiệp về vai trò của KH-CN trong sản xuất, kinh doanh đã được nâng cao, sự kết nối giữa nhà khoa học và doanh nghiệp đang dần được củng cố và phát huy hiệu quả.
4. Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, sự kiện thu hút được sự quan tâm của đông đảo các nhà nghiên cứu khoa học, các độc giả và người dân là 4 tập đầu tiên của công trình “Nghệ An toàn chí” đã được xuất bản do Phó Giáo sư Ninh Viết Giao làm Chủ tịch Hội đồng biên soạn cùng với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế… trong tỉnh. Đây là công trình biên khảo tổng thể, toàn diện về Nghệ An lớn nhất từ trước đến nay, gồm 22 tập với gần 2 vạn trang được thực hiện từ năm 2010, đến nay, đã có 10 tập được Hội đồng KHCN tỉnh nghiệm thu. 4 tập đầu tiên của bộ sách Nghệ An toàn chí đã được xuất bản gồm: Truyện kể dân gian xứ Nghệ, Văn thơ xứ Nghệ thời trung đại, Phong tục tập quán xứ Nghệ và Ca dao Nghệ An.
5. Về lĩnh vực y tế, trong năm qua, nhiều bệnh viện trong tỉnh đã ứng dụng thành công kỹ thuật công nghệ cao trong khám, chữa bệnh, nâng cao khả năng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tiêu biểu là ứng dụng thành công phương pháp can thiệp nội mạch trong điều trị bệnh dị dạng mạch não và phẫu thuật nội soi kèm nạo vét hạch trong điều trị bệnh ung thư dạ dày tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Bên cạnh đó, các bệnh viện cũng rất chú trọng đến công tác nghiên cứu khoa học. Trong năm 2013, có hai đề tài KHCN được đánh giá cao về kết quả thực hiện cũng như hiệu quả thiết thực đối với công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đó là Đề tài “Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp phòng và trị bệnh tự kỷ trẻ em dưới 6 tuổi tại Nghệ An” và “Nghiên cứu đề xuất giải pháp giảm tỷ lệ bướu cổ học sinh ở độ tuổi 8-10 trên địa bàn tỉnh Nghệ An”. Ở giai đoạn 1 thực hiện, 2 đề tài đã xây dựng được các mô hình, giải pháp phòng trị những căn bệnh nguy hiểm này ở trẻ em.
6. Sự kiện nổi bật tiếp theo là lần đầu tiên ở Nghệ An, sản phẩm tảo xoắn spirulina và đậu tương lên men Nato Kinaza đã được nghiên cứu và sản xuất thành công, mở ra hướng phát triển mới cho công nghệ vi nấm, vi tảo trên địa bàn tỉnh. Với thành công này, Công ty TNHH Công nghệ sinh học phục vụ đời sống SX-TM-DL Thanh Mai (xóm 6, xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu) đã trở thành 1 trong số ít doanh nghiệp đầu tiên sản xuất thành công sản phẩm tảo xoắn Spirulina và đậu tương lên men Nato Kinaza ở nước ta.
Nuôi cấy tảo xoắn Spirulina.
Nuôi cấy tảo xoắn Spirulina.
7. Trong lĩnh vực công nghệ vi sinh, sau gần 1 năm nghiên cứu, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Nghệ An đã hoàn thiện công nghệ sản xuất và sử dụng chế phẩm sinh học (BioGreen) phân hủy tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong đất sản xuất rau, đồng thời, đưa chế phẩm vào ứng dụng thực tiễn trên 20 héc ta đất trồng rau của xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu và xã Hưng Đông, Thành phố Vinh. Kết quả bước đầu đã được khẳng định, góp phần tạo ra các sản phẩm rau an toàn cho các vùng sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, qua đó thu hút thêm lao động tham gia sản xuất, góp phần chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh. 
8. Một điểm đáng chú ý trong hoạt động KHCN năm nay, đó là định hướng ưu tiên ứng dụng tiến bộ KH&CN để bảo tồn và phát triển các sản phẩm truyền thống, các đặc sản địa phương, từng bước đưa chúng trở thành sản phẩm hàng hóa.
Theo thống kê sơ bộ của Phòng Quản lý Công nghệ (Sở KH&CN Nghệ An), trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay có 37 sản phẩm mang danh tiếng xứ Nghệ, trong đó có 25 sản phẩm mang tính đặc sản, một số sản phẩm truyền thống có tính đặc sản đã khẳng định thương hiệu trên thị trường và có tiềm năng thương mại lớn. Năm 2013 đã triển khai nhiều hoạt động nhằm xây dựng thương hiệu, ứng dụng KHCN để phục hồi và phát triển sản phẩm hàng hóa ở một số đặc sản như: tương Nam Đàn, hương trầm Quỳ Châu, nước mắm Vạn Phần… Các sản phẩm này gắn với điều kiện tự nhiên, ngành nghề truyền thống và mang đậm nét văn hóa của các vùng miền, nên có nhiều ý nghĩa trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây là một hướng đi đúng đắn, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. 
9. Trong lĩnh vực chăn nuôi, năm 2013, hoạt động ứng dụng tiến bộ KHCN ghi nhận hai thành tựu nổi bật, đó là phát triển giống bò vàng địa phương ở Kỳ Sơn và bảo quản tinh dịch lợn trên 48 giờ.
Dự án “Ứng dụng tiến bộ KHCN phát triển giống bò vàng địa phương (bò H’mông) tại huyện Kỳ Sơn” đã có những đóng góp thiết thực và hiệu quả trong việc phát triển giống bò vàng địa phương ở xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn. 
Việc ”Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật bảo quản tinh dịch lợn trên 48 giờ, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất giống lợn ở 10 huyện, thành, thị”, đã giải quyết được vấn đề lãng phí liều tinh hiện nay do chỉ sử dụng tinh trong một ngày, cho phép ứng dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho lợn ở vùng sâu, vùng xa. Đồng thời phát huy tối đa đặc tính di truyền về khả năng sản xuất của lợn đực giống tốt cho thế hệ đời con, tăng năng suất trong công tác giống và chăn nuôi lợn. 
Từ nay đến 2020 là giai đoạn đất nước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặt ra cho KH&CN của tỉnh nhiều cơ hội cần phải nắm bắt cũng như những thách thức phải đối mặt. Với những kết quả đã đạt được trong năm 2013 và định hướng phát triển khoa học công nghệ đúng đắn, hợp lý; với tâm huyết của đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ, tin rằng, khoa học và công nghệ tỉnh nhà trong năm 2014 và các năm tiếp theo sẽ không ngừng phát triển, phục vụ hiệu quả các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh đến 2020, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế và năng lực cạnh tranh của các sản phẩm, hàng hóa Nghệ An, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Trần Quốc Thành (Giám đốc Sở KH&CN Nghệ An)

Tin mới