Giữ gìn bản sắc văn hóa ở Làng Chong

(Baonghean) - Làng có gần 8% đồng bào dân tộc Thổ sinh sống, nên Ban dân vận huyện đã chủ trương thành lập mô hình điểm về vận động nhân dân gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá của người Thổ tại Làng Chong - xã Nghĩa Yên (nghĩa đàn). Mô hình đã góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thổ nơi đây…

Với người dân làng Chong - xã Nghĩa Yên, cồng chiêng luôn gắn bó mật thiết với cuộc sống hàng ngày của họ. Khi làng Chong được Ban Dân vận Huyện ủy chọn làm mô hình điểm về gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá người Thổ, ủng hộ chủ trương đó, bà con làng Chong rất tích cực trong việc lưu truyền nét đẹp văn hoá cồng chiêng, văn hoá uống rượu cần của dân tộc Thổ. Trong những ngày hội mừng Xuân, tiếng cồng vang lên, thôi thúc bà con trong bản về với hội, ai ai cũng náo nức. Bà Cao Thị Xụm – làng Chong - xã Nghĩa Yên cho biết: “Cồng chiêng đã ngấm vào máu thịt người dân chúng tôi, cứ nghe tiếng cồng, tiếng chiêng lại thấy rộn ràng, khi thế hệ trẻ ít người biết đánh cồng, đánh chiêng, người già buồn lắm. Nay được Đảng, chính quyền khôi phục lại, các ngày hội đều có tiếng cồng chiêng, lại vui rồi…”.
Vui hội cồng chiêng làng Chong (Nghĩa Yên, Nghĩa Đàn).
Vui hội cồng chiêng làng Chong (Nghĩa Yên, Nghĩa Đàn).
Câu lạc bộ cồng chiêng và hát dân ca làng Chong được thành lập, các thành viên của CLB có trách nhiệm trao truyền lại cách đánh cồng, văn hoá uống rượu cần, nói và giao lưu bằng ngôn ngữ dân tộc Thổ cho thế hệ trẻ. Khối dân vận thường xuyên phối hợp với câu lạc bộ tổ chức các lễ hội, vận động nhân dân cùng tham gia, tạo thành một phong trào sâu rộng trong việc phát huy nét đẹp văn hoá người Thổ. Ông Lê Văn Hạnh – Trưởng ban Dân vận xã Nghĩa Yên cho biết: “Từ khi xây dựng mô hình điểm tại làng Chong, không chỉ bà con trong làng mà ở các làng khác, phong trào đánh cồng chiêng và gìn giữ văn hóa dân tộc được lan tỏa trong cộng đồng các dân tộc Thái, Thanh. Đến nay, toàn xã đã có hơn 10 CLB cồng chiêng. Với mục đích lưu giữ bản sắc văn hoá  đồng bào Thổ, chính quyền xã Nghĩa Yên cùng khối dân vận hỗ trợ kinh phí tổ chức các lễ hội, mua cồng chiêng, vận động phụ nữ may trang phục người Thổ,... 
Ông Phan Văn Phú - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Yên, cho biết: “Sau khi được Ban Dân vận Huyện ủy chọn làm điểm về vận động nhân dân giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chính quyền xã Nghĩa Yên đã vào cuộc, huy động các tổ chức đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền vận động, đưa phong trào văn hóa các dân tộc trên địa bàn phát triển mạnh mẽ. Chúng tôi luôn ưu tiên kinh phí và tạo mọi điều kiện để phong trào văn hóa phát triển, tạo sức lan tỏa trong mọi tầng lớp nhân dân”.
Với người Thổ, cồng chiêng hay hát dân ca, các điệu múa... được xem là nơi họ gửi gắm những tâm tư tình cảm, gắn bó mật thiết trong cuộc sống tâm linh của người dân. Việc thực hiện mô hình điểm về gìn giữ bảo vệ bản sắc văn hoá Thổ đã thực sự được nhân dân đồng tình ủng hộ và hy vọng trong thời gian tới những mô hình như thế này sẽ ngày càng được nhân rộng trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn.
Bài, ảnh: Như Trang

Tin mới