Giữ gìn, phát huy phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam

(Baonghean) - Bà Lê Thị Tám (Chủ tịch Hội LHPN tỉnh trả lời phỏng vấn báo Nghệ An  nhân Ngày Quốc tế  Phụ nữ 8/3)

PV: Xin bà cho biết mục đích, ý nghĩa của Đề án "Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"?

Bà Lê Thị Tám:  Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, phụ nữ Việt Nam luôn thể hiện rõ những phẩm chất truyền thống tốt đẹp: lòng yêu nước, cần cù, thông minh, sáng tạo trong lao động sản xuất; có lòng nhân hậu, giàu tình yêu thương và đức hy sinh. Ngày nay, phụ nữ Việt Nam một mặt tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống đạo đức quý báu, những giá trị văn hóa, tinh thần vô giá mà các thế hệ trước đã để lại, mặt khác không ngừng hình thành, phát triển những phẩm chất tiên tiến phù hợp với các yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế, từng bước góp phần tạo dựng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện đại.

         Chị em vùng cao giữ gìn nghề truyền thống.                  Ảnh: Xuân Nhường

Tuy nhiên, trước những tác động của kinh tế thị trường và những ảnh hưởng tiêu cực của thời kỳ mở cửa, hội nhập việc gìn giữ, phát huy những phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay còn một số tồn tại. Trước tình hình đó, ngày 12/3/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án "Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".

PV: Qua gần 2 năm triển khai thực hiện, đề án đã mang lại hiệu quả gì, thưa bà?

Bà Lê Thị Tám: Sau khi có kế hoạch hướng dẫn thực hiện đề án, Hội LHPN tỉnh đã quyết định chọn TP Vinh để chỉ đạo điểm và Hội LHPN TP Vinh chọn phường Hà Huy Tập làm mô hình điểm. Từ mô hình điểm đó, đến nay, có 14 huyện, thành, thị đã thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện đề án và các văn bản liên quan. Nhìn chung, công tác chỉ đạo và thực hiện các hoạt động của đề án cơ bản được triển khai đúng kế hoạch và đạt chỉ tiêu đề ra. Các hoạt động của đề án đã góp phần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ hội phụ nữ, các ngành liên quan, cho hội viên, phụ nữ xung quanh những nội dung: phẩm chất đạo đức của phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đặc biệt, đề án đã tạo được sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, phần nào đáp ứng được những băn khoăn, lo lắng, những vấn đề bức xúc của xã hội về đạo đức lối sống của phụ nữ và xây dựng gia đình hạnh phúc hiện nay, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, đến cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân cùng quan tâm và đầu tư giải quyết các vấn đề liên quan đến phụ nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ ngày càng phát triển.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều đáng bàn như hoạt động của đề án vẫn triển khai chưa đồng bộ giữa các ngành liên quan, mà mới chủ yếu triển khai trong các cấp hội phụ nữ nên chất lượng hoạt động và tính lan tỏa chưa cao. Tại các huyện, thành, thị, việc triển khai hoạt động đề án còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Có 6 huyện chưa thành lập được ban chỉ đạo (Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳ Châu, Tương Dương, Kỳ Sơn). Nhiều địa phương chưa có kinh phí hoạt động. Công tác phối hợp giữa các ngành chưa hiệu quả. Phần lớn các hoạt động đề án còn lồng ghép với các chương trình, nhiệm vụ địa phương nên hiệu quả chưa rõ nét.

PV: Để đề án đạt hiệu quả như mong muốn, thời gian tới, là cơ quan thường trực, Hội LHPN tỉnh có kiến nghị, đề xuất gì?

Bà Lê Thị Tám: Với mục tiêu đến hết năm 2012: 100% huyện, thành, thị và 70% xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện đề án; trên 40% phụ nữ và trên 70% hội viên, nữ cán bộ, công chức, viên chức, lao động; trên 60% cán bộ lãnh đạo, quản lý, giáo viên, phóng viên, cộng tác viên, tuyên truyền viên của các ngành liên quan được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng trong công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam theo tiêu chí phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đối với UBND tỉnh và các ngành liên quan: cần tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá tại các huyện, thành, thị về việc triển khai, thực hiện các đề án. Có các hướng dẫn cụ thể cho các huyện, thành, thị trong triển khai thực hiện các kế hoạch đề án, nhất là các hướng dẫn về cấp kinh phí hoạt động của các đề án. Đối với UBND các huyện, thành, thị, cần tăng cường công tác chỉ đạo các ngành liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các hoạt động của đề án đạt hiệu quả tại địa phương. Cần có thông tin và báo cáo đầy đủ, kịp thời về công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện đề án tại địa phương cho Ban Chỉ đạo các đề án cấp tỉnh qua Cơ quan thường trực - Hội LHPN tỉnh.

PV: Xin chân thành cảm ơn bà.

Thanh Hiền (thực hiện)

Tin mới