Hamas nói chưa nhận được đề xuất nghiêm túc từ Israel về việc thả con tin

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Husam Badran, thành viên Văn phòng Chính trị Hamas ngày 22/12 nói với Al Jazeera rằng, phong trào Hồi giáo này chưa nhận được bất kỳ đề xuất nghiêm túc nào từ Israel về việc thả các con tin bị giam giữ ở Dải Gaza.

anh-1-3249.jpg
Xung đột Israel-Hamas. Ảnh minh hoạ: AP

Badran nhấn mạnh: “Israel chưa đưa ra bất kỳ đề xuất nghiêm túc hoặc thực tế nào về vấn đề con tin”. Ông cũng cáo buộc chính quyền Israel đang cố gắng "đánh lừa gia đình" của những công dân Israel bị giam giữ ở Gaza. Theo Badran, ưu tiên của Hamas vẫn là "chấm dứt hành vi gây hấn" ở vùng đất này.

Trong khi đó, ngày 22/12, phong trào Hamas xem cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc yêu cầu chuyển hàng viện trợ quy mô lớn tới Dải Gaza đang bị chiến tranh tàn phá là "chưa đủ".

Trước đó cùng ngày, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết tăng cường viện trợ nhân đạo cho Dải Gaza, dù chưa đạt được mục tiêu kêu gọi ngừng bắn sau một tuần trì hoãn bỏ phiếu và các cuộc đàm phán căng thẳng để tránh sự phủ quyết của Mỹ, vài giờ sau khi Israel báo hiệu rằng họ đang mở rộng cuộc tấn công trên bộ vào vùng lãnh thổ Palestine.

Nghị quyết "kêu gọi các bước khẩn cấp để ngay lập tức cho phép tiếp cận nhân đạo một cách an toàn, không bị cản trở và mở rộng, cũng như tạo điều kiện cho việc chấm dứt chiến sự một cách bền vững".

Trong bối cảnh toàn cầu phẫn nộ về số người chết ở Gaza ngày càng tăng trong 11 tuần chiến tranh giữa Israel và Hamas và cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng tồi tệ ở vùng đất Palestine này, Mỹ đã bỏ phiếu trắng để cho phép hội đồng gồm 15 thành viên thông qua một nghị quyết do Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) soạn thảo. Các thành viên còn lại đã bỏ phiếu thuận cho nghị quyết ngoại trừ Nga cũng bỏ phiếu trắng, ủng hộ dự thảo ban đầu kêu gọi "chấm dứt thù địch khẩn cấp và bền vững" để cho phép tiếp cận viện trợ.

Mỹ và Israel phản đối lệnh ngừng bắn vì tin rằng nó sẽ chỉ có lợi cho Hamas. Thay vào đó, Washington ủng hộ việc tạm dừng chiến sự để bảo vệ dân thường và giải thoát các con tin bị Hamas bắt giữ. Đại sứ UAE tại Liên hợp quốc Lana Nusseibeh nói với hội đồng sau cuộc bỏ phiếu: “Chúng tôi tin rằng nghị quyết bắt đầu 'mở khóa' viện trợ cứu sống, bởi việc từ chối viện trợ đã khiến hơn nửa triệu người ở Gaza phải chịu nạn đói”.

Còn Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield mô tả nghị quyết này là "một tia hy vọng giữa biển cả đau khổ không thể tưởng tượng được", lưu ý rằng đây là lần đầu tiên hội đồng bảo an đề cập đến việc chấm dứt chiến sự.

“Chúng ta biết rằng còn rất nhiều, rất nhiều việc cần phải làm để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo này và đặt nền móng cho một nền hòa bình lâu dài". Nga đề xuất sửa đổi dự thảo để quay lại văn bản ban đầu kêu gọi "chấm dứt thù địch khẩn cấp và bền vững". Việc sửa đổi đã bị phía Mỹ phủ quyết.

Bản sửa đổi nhận được 10 phiếu thuận, trong khi 4 thành viên bỏ phiếu trắng. Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu về nghị quyết, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia cáo buộc Mỹ "ép buộc đưa vào văn bản một giấy phép để Israel sát hại thường dân Palestine ở Gaza với lý do "tạo điều kiện để chấm dứt chiến sự".

Đặc phái viên Palestine tại Liên hợp quốc Riyad Mansour nói: “Nghị quyết này là một bước đi đúng hướng, nó phải được thực hiện và phải đi kèm với áp lực lớn để ngừng bắn ngay lập tức”. Phó Đại sứ Israel tại Liên hợp quốc Jonathan Miller nhấn mạnh bất kỳ sự tăng cường giám sát viện trợ nào của Liên hợp quốc đều phải trải qua quy trình kiểm soát an ninh của Israel.

Tổng Thư ký liên hợp quốc Antonio Guterres tuyên bố cách Israel tiến hành chiến dịch quân sự ở Dải Gaza đang "tạo ra những trở ngại lớn cho hoạt động phân phối viện trợ nhân đạo" bên trong vùng đất ven biển này.

Tin mới