Hành trình tìm về cội nguồn sau 130 năm của người tị nạn Syria

BBC mới đây vừa đăng tải bài viết kể lại hành trình tìm về cội nguồn sau 130 năm của một gia đình người tị nạn Syria.

Bước vào một cửa hàng nhỏ ở thị trấn Chania trên đảo Crete của Hy Lạp, ông Ahmed, 42 tuổi, bắt đầu tự giới thiệu bản thân. Người chủ cửa hàng há hốc mồm nhìn Ahmed. Ông hiểu ý nhưng có vài từ mà Ahmed nói đã “lỗi thời” và có những từ khác ông không hiểu gì cả. Cứ như thể Ahmed không chỉ từ Syria đến mà còn đến từ một thời đại khác. “Ông ấy không thể tin rằng giờ này mà vẫn còn có người nói thứ ngôn ngữ cổ đó” - Ahmed nói.

Ahmed nói một dạng phương ngữ Crete mà ông học được từ bố mẹ - những người đã sống cả đời ở Syria. Thế nhưng, ông bà Ahmed lại sinh ra tại đảo Crete và vì vậy văn hóa Crete vẫn được họ gìn giữ qua các thế hệ. “Ở trường, chúng tôi học tiếng Arab nhưng ở nhà lúc nào cũng nói tiếng Hy Lạp” - Ahmed kể. Trẻ em được học các điệu nhảy của Hy Lạp và những bài thơ ngắn của Crete. Trong khi đó, bố mẹ truyền lại các công thức ẩm thực truyền thống như món ốc sên chiên. Hiếm có trường hợp nào kết hôn với người Syria bản địa. Yasmine, vợ của Ahmed, cũng có gốc gác ở Crete.

Gia đình Ahmed trên đảo Crete của Hy Lạp. Ảnh BBC.
Gia đình Ahmed trên đảo Crete của Hy Lạp. Ảnh BBC.

Ông bà của Ahmed buộc phải rời khỏi Crete vào những năm 90 khi Đế chế Ottoman suy yếu. Trước đó, hòn đảo này nằm dưới sự cai quản của Đế chế Ottoman trong hai thế kỷ và gần 1/4 dân số, trong đó có cả tổ tiên của Ahmed đã cải đạo sang Hồi giáo. Tuy nhiên, các cuộc nổi dậy vào cuối thế kỷ 19 đã khiến những người Hồi giáo tại Crete bị trục xuất. Trong khi có người chạy đến Thổ Nhĩ Kỳ, Libya, Lebanon hay Palestine thì gia đình ông bà của Ahmed lại chạy đến al-Hamidiyah-một ngôi làng ở Syria do Vua Abdul Hamid II của Đế chế Ottoman lập nên cho những người tị nạn.

Nhiều năm sau đó, 10.000 cư dân của ngôi làng al-Hamidiyah vẫn “giữ liên hệ” với Crete hiện đại bằng cách xem truyền hình Hy Lạp qua vệ tinh và thỉnh thoảng một số dân làng vẫn quay trở lại đảo làm việc. “Crete luôn là một phần trong trái tim chúng tôi. Ông bà chúng tôi thường kể Crete đẹp như thế nào và cuộc sống tại đó sung túc ra sao. Chúng tôi luôn muốn đến thăm Crete nhưng chưa bao giờ có cơ hội”, Ahmed chia sẻ.

Thế rồi cuộc nội chiến Syria nổ ra và họ gần như không có nhiều lựa chọn. Các chị gái của Ahmed cùng gia đình họ là những người đầu tiên rời Syria đến Crete. Trong khi đó, Ahmed phải chật vật tìm việc làm sau thời gian bị thoát vị đĩa đệm và khó khăn lắm mới xoay đủ tiền trả cho một tay buôn lậu. Cuối cùng, vào mùa xuân năm 2017, vợ chồng ông và 4 người con cũng rời Syria đến Hy Lạp.

Phải mất 3 tháng để gia đình Ahmed đến được Hy Lạp, trong đó có một hành trình nguy hiểm từ Thổ Nhĩ Kỳ đến đảo Lesbos của Hy Lạp trên một chiếc thuyền chòng chành có thể chìm bất cứ lúc nào. Trong buổi phỏng vấn xin tị nạn đầu tiên, khi được yêu cầu xuất trình hộ chiếu, Ahmed đã cố tình đặt ngón tay bên cạnh Tarzalakis - cái họ Crete nổi bật của ông. “Người phỏng vấn bắt đầu hét toáng lên với các đồng nghiệp: “Nhìn này, có một người Crete ở đây. Lại đây mà xem”. Mọi người bắt đầu vây quanh vì tò mò” - Ahmed kể.

Mặc dù biết rằng có những cộng đồng người Crete sống ở nước ngoài, song nhiều người Hy Lạp vẫn lấy làm thích thú với thứ phương ngữ của dòng họ Tarzalakis. Giọng của họ mang nét đặc trưng của đảo Crete nhưng nhiều từ vựng mà họ học khi sống ở Syria đã không còn được sử dụng ở Crete hay Hy Lạp đại lục nữa. “Tuy nhiên, với một chút kiên nhẫn, chúng tôi vẫn có thể hiểu được nhau” - Ahmed nói. Tuy rằng nói được, thế nhưng gia đình Ahmed chưa bao giờ học cách đọc hay viết thứ phương ngữ đó, vì vậy họ vẫn cần sự trợ giúp để điền vào các mẫu tờ khai xin tị nạn.

Sau một tháng ở Lesbos, Ahmed và gia đình được cấp quy chế tị nạn vào tháng 8-2017. Ngay lập tức, họ đi tàu tới Crete - nơi các chị gái và họ hàng sống ở thị trấn Chania đang chờ. Khi đến nơi, Ahmed được đưa vào bệnh viện do các vấn đề xuất phát từ chứng động kinh mạn tính. Các nhân viên y tế kinh ngạc khi nghe thấy thứ phương ngữ cổ mà Ahmed nói. Họ đã liên hệ ngay với một phóng viên của tờ báo địa phương. “Đến khi xuất viện thì mọi người ở thị trấn Chania đều đã biết tới tôi. Khi gặp trên đường, mọi người thường dừng lại hỏi tôi về cuộc nội chiến Syria. Họ xem chúng tôi như những người Crete đã trở về” - Ahmed chia sẻ.

Ahmed đã tìm về ngôi làng Skalani trước kia của ông bà ở ngoại ô thủ phủ Heraklion của đảo Crete. Tuy là lần đầu tiên đến thăm ngôi làng nhưng cả đời ông đã được nghe về nó. “Tôi không thể tìm thấy chính xác các căn nhà nhưng người dân địa phương đã chỉ cho tôi những cánh đồng của cộng đồng người Hồi giáo xưa kia” - Ahmed nói.

Gia đình Ahmed hiện đang học đọc, viết tiếng Hy Lạp hiện đại và các con của ông đã được đăng ký nhập học. “Chúng tôi đang học những cụm từ mới nhưng chúng tôi vẫn giữ gìn ngôn ngữ của mình vì đó là một phần cội nguồn của chúng tôi” - Ahmed khẳng định.

Tin mới