Hiệu quả của trang trại trên trồng mướp, dưới nuôi ốc bươu đen đặc sản ở Tân Kỳ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Vào trang trại nuôi ốc bươu đen của ông Phạm Văn Lý ở xã Hương Sơn, huyện Tân Kỳ, thấy những vườn mướp hương trĩu quả. Tò mò hỏi chủ trang trại mới biết, loài ốc thích ăn cây trái tự nhiên, đặc biệt là mướp hương. 

Trang trại ốc bươu đen của gia đình ông Lý ở xóm Xuân Hương, xã Hương Sơn tạo cho người đến tham quan cảm giác yên bình, bởi chủ trại khéo tận dụng đất ven những con lạch, con suối nhỏ xung quanh để trồng mướp, mùng, thả bèo, hoa súng rồi nuôi ốc bươu đen ở dưới.

Ốc bươu đen giống ban đầu chính là những đàn ốc tự nhiên sinh sống ở đây. Những dãy núi đá vôi cùng với những khe, suối mát trong tạo nguồn phù du giàu thức ăn cho ốc sinh trưởng. Trên 8 sào đất ruộng thực chất là khe - ao hỗn hợp, gần 10 năm lại nay, ông Lý bền bỉ nuôi ốc và hiện tại, trang trại ốc ngày càng sinh sôi, phát triển.

bna- 1.jpeg
Một góc trang trại nuôi ốc bươu đen đặc sản của ông Phạm Văn Lý ở xã Hương Sơn (Tân Kỳ). Ảnh: Trân Châu

Ốc bươu đen có những giá trị thực phẩm rất tốt cho sức khoẻ. Theo các tài liệu Đông y, ốc bươu đen là loại thực phẩm chứa nhiều canxi, bổ dưỡng, tốt cho xương, giúp xương chắc khoẻ, hỗ trợ và phát triển chiều cao. Thịt ốc có vị ngọt, tính hàn, có nhiều tác dụng đối với sức khoẻ, tăng cường sinh lực.

bna- oc.jpeg
Ốc bươu được ông Lý nuôi từ những cây trái tự nhiên trong vườn. Ảnh: Trân Châu

Nhận thấy giá trị của con ốc và nhu cầu thị trường, gần chục năm về trước, ông Phạm Văn Lý đã tập trung làm sạch ao, lạch, thả bèo, trồng mướp, mít…, bắt đầu mày mò nuôi ốc. Ông trồng những vườn mướp hương trĩu quả, cắt mít chín trên cây rồi thái ra, thả cho ốc ăn.

Trang trại toạ lạc ở xã miền núi, giao thông đi lại còn nhiều cách trở, ông Lý phải chịu khó nghiên cứu sách vở, kết hợp kinh nghiệm thực tiễn, từng bước tiến hành nhân giống ốc trong các ao. Qua thời gian, trang trại của ông trở thành nơi cung cấp ốc thương phẩm ổn định cho các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn. Mỗi năm ông thả 20 vạn giống, cho thu hoạch gần 4 tấn ốc thương phẩm.

bna- 2.jpeg
Hàng ngày, ông Lý thái mướp cho ốc con và ốc thịt ăn. Ông còn thu mua mướp của bà con trong vùng để phục vụ cho 8 ruộng nuôi. Ảnh: Trân Châu

Thả nhẹ cái vợt xuống dưới ao súng, ao bèo, nhấc lên là cả chục ký ốc mắc vào vợt. Những con ốc màu vàng nâu, màu đen óng đang bám vào các lát mướp. Ốc là loài ở sạch, ăn thức ăn tự nhiên nên ông Lý tận dụng cây trái trong vườn để nuôi ốc. Với không khí trong lành, xung quanh là núi đồi, nguồn nước sạch và ổn định dẫn từ mó cao trên núi xuống, ông Lý đã có một trang trại ốc chất lượng, cho sản phẩm ốc bươu đen tự nhiên, thịt dai, thơm chắc được người tiêu dùng ưa chuộng.

bna- 4.jpeg
Ngoài bán ốc thịt, ông Phạm Văn Lý còn ương trứng ốc để cung cấp cho các hộ nuôi. Ảnh: Trân Châu

Ông Phạm Văn Lý cho biết: Mỗi năm, ông xuất bán hơn 2 tấn ốc thịt, giá tại trang trại là 70.000 -80.000 đồng/kg. Ốc được tiêu thụ ở Tân Kỳ, thành phố Vinh, các tỉnh bạn. Có những lúc khách hàng mua cả tạ ốc thịt, có chừng nào bán hết chừng đó. Ngoài bán ốc thịt, ông còn tự nhân ốc giống để bán cho bà con có nhu cầu trong vùng. Trứng ốc bươu màu trắng, bán theo chén. Một chén ước chừng 400 con, 10 chén là 4.000 con, có khi một ngày ốc đẻ được 2 kg trứng và cung cấp cho người nuôi có nhu cầu. Nếu có dư thừa một ít thì ông thả xuống ao nuôi. Từ bán giống, mỗi năm ông Lý thu thêm 4-5 triệu đồng.

Ốc giống tỷ lệ nở cao, sinh trưởng nhanh, thức ăn của ốc giống là bèo thuỷ canh, thái mướp hương thành lát, ngũ cốc, cám gạo. Ông thả thức ăn tự nhiên vào ao ương nuôi ốc và ốc con bám vào mướp, bèo để ăn và lớn. Sau khoảng 4-5 tháng là có thu hoạch.

“Thức ăn của ốc rất quan trọng. Tôi phải trồng nhiều cây trái trong vườn để cho ốc ăn, đặc biệt là mướp hương, hạn chế mua ngoài để vừa đảm bảo an toàn thực phẩm cho ốc, vừa chủ động xử lý mầm bệnh cho ốc”- ông Lý cho biết.

Video clip: Trân Châu

Từ trang trại ban đầu của ông Lý, đến nay ở xã Hương Sơn đã hình thành nên một số hộ nuôi ốc bươu đen như ông Nguyễn Văn Hoà, Cao Xuân Tài, Lê Văn Ca, Nguyễn Bá Quỳ… Các hộ tin chọn một người làm tổ trưởng, những người còn lại là tổ viên, hỗ trợ nhau trong kỹ thuật, thị trường, giống… Để có nguồn thức ăn chủ động cho ốc, các hộ còn ký hợp đồng mua mướp hương của bà con trong vùng, tạo thêm đầu ra cho nông sản và thu nhập cho bà con.

bna- 23.jpeg
Với nhiều giá trị, ốc bán khá chạy cho các quán bia, nhà hàng. Ảnh: Trân Châu

Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Sơn cho biết: Ốc bươu đen là đặc sản của Tân Kỳ, sinh sống ở các lạch nước ven núi, nhạy cảm với môi trường nên ngày càng khan hiếm. Với sự cần cù, chịu khó khắc phục khó khăn, vươn lên làm giàu, các hộ trên địa bàn xã mà nổi bật là trại nhà ông Phạm Văn Lý đã nuôi ốc bươu đen thành công, ngoài ra còn hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ dân muốn khởi nghiệp, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con. Ốc bươu đen ở Hương Sơn ăn thức ăn tự nhiên nên hàm lượng dinh dưỡng cao, không bị dịch bệnh, xã đang xây dựng ốc bươu đen thành một sản phẩm OCOP của xã trong năm 2023.

Địa chỉ liên hệ : Ông Phạm Văn Lý, xóm Xuân Hương, xã Hương Sơn, Tân Kỳ

Điện thoại: 033. 5533157

bna- 3.jpeg
Đại diện Phòng Nông nghiệp huyện Tân Kỳ đi kiểm tra trang trại để xây dựng sản phẩm OCOP địa phương. Ảnh: Trân Châu

Tin mới