Học sinh hào hứng trải nghiệm làm nón lá tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Đây là một trong những chương trình trải nghiệm hấp dẫn và ý nghĩa, góp phần lan tỏa tình yêu quê hương thông qua việc tìm hiểu những làng nghề thủ công truyền thống.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ (8/3), từ ngày 5 - 7/3, tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, hàng trăm học sinh của một số trường Trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Vinh đã tham gia chương trình trải nghiệm “Giữ hồn nón lá quê hương” cùng các nghệ nhân làm nón đến từ làng Thanh Tài, xã Đồng Văn (Thanh Chương).

bna-nghe-nhan-giao-vien-va-hoc-sinh-truong-thcs-doi-cung-chup-anh-luu-niem-chuong-trinh-trai-nghiem-8263.jpg
Các nghệ nhân, giáo viên và học sinh Trường THCS Đội Cung (thành phố Vinh) tham gia chương trình trải nghiệm. Ảnh: Hồng Nhung

Tham gia chương trình, các em học sinh được trải nghiệm các bước trong quy trình làm nón như: bóc lá dừa, là thẳng lá; chằm nón, quét dầu lên nón; xâu quai nón…

bna-trai-nghiem-cong-doan-boc-la-dua-2518.jpg
Trải nghiệm công đoạn bóc lá dừa. Ảnh: Hồng Nhung

Tiếp đó, những chiếc nón do nghệ nhân làm ra đã được các họa sỹ nhí đến từ một xưởng vẽ nghệ thuật trên địa bàn thành phố Vinh thổi hồn thông qua những hình vẽ sinh động của các loại hoa như sen, cúc… và phong cảnh quê hương, đất nước nhằm tôn thêm vẻ đẹp chiếc nón.

bna-hoc-sinh-say-sua-cung-nghe-nhan-cham-non-8666.jpg
Học sinh say sưa cùng nghệ nhân chằm (khâu) nón. Ảnh: Hồng Nhung

Kết thúc chương trình, các học sinh hào hứng chọn cho mình một chiếc nón lá thật đẹp dành tặng cho những người phụ nữ yêu thương.

bna-thoi-hon-ton-vinh-ve-dep-non-la-qua-nhung-net-ve-nghe-thuat-7543.jpg
Thổi hồn vào những chiếc nón lá bằng những nét vẽ nghệ thuật. Ảnh: Hồng Nhung

“Giữ hồn nón lá quê hương” là một trong những chương trình trải nghiệm hấp dẫn và ý nghĩa, góp phần lan tỏa tình yêu quê hương thông qua việc tìm hiểu những làng nghề thủ công truyền thống, giúp các em học sinh trân quý hơn những sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa, con người Việt Nam.

Theo các khảo cứu, nghề làm nón lá ở làng Thanh Tài, xã Đồng Văn (Thanh Chương) có thể đã xuất hiện cách đây hàng trăm năm. Tuy đây là nghề phụ, tồn tại bên cạnh nghề nông, nhưng có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cuộc sống cho người dân nơi đây. Hiện nay, dù đã có nhiều mai một nhưng nghề làm nón lá vẫn được lưu giữ ở địa phương này.

Để làm được một chiếc nón, người làm phải thực hiện rất nhiều công đoạn cầu kỳ, từ vê lá, là lá, nén lá cho phẳng rồi làm vành xong quay nón, may nón, may xong dỡ nón ra khỏi khuôn đến cắt cước, nức nón, luồn nhôi, may chóp. Mỗi chiếc nón được lợp 2 lần lá, giữa 2 lần được lót thêm 1 lớp lá măng cho nón thêm dày và cứng cáp, tránh mưa ướt. Mặt trong của nón được người thợ khéo léo luồn những sợi chỉ màu để buộc quai nón. Khi nón được bán ra người làm nón sẽ quết một lớp dầu để có một chiếc nón lá trắng ngà vừa bền, đẹp mà không thấm nước.

Một chiếc nón đẹp phải đảm bảo mái nón phẳng phiu, đường khâu mượt mà, những vết khâu trải trên mỗi vành theo những khoảng cách đều tăm tắp. Với người làm nón chuyên nghiệp Thanh Tài có thể làm được từ 1 đến 2 chiếc/ngày…

Tin mới