Hội thảo khoa học thực trạng và giải pháp phát huy vốn xã hội của người dân miền Tây Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Nhiều tham luận về thực trạng và các giải pháp phát huy vốn xã hội nhằm phát triển kinh tế của người dân miền Tây Nghệ An đã được các nhà nghiên cứu trình bày tại hội thảo.

Chiều 30/6, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và UBND tỉnh phối hợp tổ chức hội thảo khoa học "Thực trạng và các giải pháp phát huy vốn xã hội nhằm phát triển kinh tế của người dân miền Tây Nghệ An". Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Tham dự hội thảo còn có đại diện Sở Văn hóa - Thể thao; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; Ban Dân tộc tỉnh.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Xuân Hoàng

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Xuân Hoàng

Miền Tây Nghệ An là nơi sinh sống của trên 1,2 triệu người với 47 dân tộc (chiếm 36% dân số toàn tỉnh). Trong đó dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao là: Thái, Thổ, Khơ mú, Mông, Ơ đu... Mặc dù những năm qua Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào các dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng thực trạng đời sống của bà con còn nhiều khó khăn về tinh thần và vật chất.

Để phát huy vốn xã hội của cộng đồng các dân tộc trong phát triển kinh tế của người dân miền Tây Nghệ An, các nhóm đề tài và các cá nhân thuộc Viện Nghiên cứu con người đã có những tham luận đánh giá một cách khách quan về mối quan hệ giữa các dòng họ và mỗi dân tộc đối với xã hội, cũng như khả năng phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Tiến sĩ Vi Văn An - nguyên công tác tại Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam phát biểu tham luận. Ảnh: Xuân Hoàng
Tiến sĩ Vi Văn An - nguyên công tác tại Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam phát biểu tham luận. Ảnh: Xuân Hoàng

Một hạn chế dễ nhận thấy mà các nhà nghiên cứu đưa ra là sự co cụm của vốn xã hội trong cộng đồng các dân tộc thiểu số đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội. Do vậy, cần phá vỡ sự co cụm của đồng bào các dân tộc thì mới giải phóng được sự kìm hãm phát triển kinh tế - xã hội miền tây Nghệ An.

Một thực trạng đang bị mai một đối với đồng bào vùng cao dễ nhận thấy mà các nhà nghiên cứu đưa ra đó là ẩm thực, tiếng nói, tính cộng đồng trong hỗ trợ nhau xây dựng nhà cửa và văn hóa ăn mặc, nhạc cụ...

Nói về vai trò vốn xã hội của các dân tộc thiểu số miền Tây Nghệ An trong xây dựng nông thôn mới, Tiến sĩ Vi Văn An - nguyên công tác tại Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam cho rằng, một trong những khó khăn nhất trong xây dựng NTM ở các xã, huyện miền núi, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh Nghệ An là: tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập của người dân còn thấp. Một số nơi vùng cao, vùng sâu, vùng xa, cơ sở văn hóa xuống cấp, môi trường, lao động việc làm hạn chế; địa hình chia cắt, nên giao thông đi lại khó khăn. Để thực hiện tốt xây dựng nông thôn mới vùng miền núi, cần phát huy vốn xã hội của cộng đồng các dân tộc.

Phương thức sản xuất của đồng bào các dân tộc vùng miền Tây Nghệ An hiện nay còn nhiều hạn chế. Ảnh: Xuân Hoàng

Phương thức sản xuất của đồng bào các dân tộc vùng miền Tây Nghệ An hiện nay còn nhiều hạn chế. Ảnh: Xuân Hoàng

Nghiên cứu về vốn xã hội trong phát triển kinh tế của dân tộc thiểu số, cụ thể là người Ơ đu ở miền Tây Nghệ An, nghiên cứu sinh Bùi Minh Hào - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cho rằng, người Ơ đu có một nguồn vốn xã hội mang tính đặc thù của các dân tộc thiểu số và càng ngày vốn xã hội càng có vai trò quan trọng trong sự phát triển của họ.

Dệt thổ cẩm là thế mạnh của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó nổi bật là phụ nữ dân tộc Thái. Ảnh: Xuân Hoàng

Dệt thổ cẩm là thế mạnh của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó nổi bật là phụ nữ dân tộc Thái. Ảnh: Xuân Hoàng

Vấn đề mấu chốt mà các nhà nghiên cứu đặt ra là khai thác vốn xã hội như thế nào, ở mức độ nào để phù hợp với tập quán và bản sắc văn hóa của từng dân tộc một cách hiệu quả. Một trong những vấn đề hết sức quan trọng chính là việc khai thác và phát huy vai trò vốn xã hội của các dân tộc người thiểu số thì hầu như chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức.

Kết luận buổi hội thảo, Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, đây là hội thảo trung gian về kết quả bước đầu của đề tài khoa học. Vì vậy, tới đây Viện Nghiên cứu con người - Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn sẽ tiếp tục nghiên cứu để đưa ra kết quả cuối cùng một cách toàn diện, bao trùm hơn và đặt ra các chính sách phát triển vốn xã hội con người dân ở miền tây Nghệ An một cách cụ thể hơn./.

Tin mới