Hưng Xuân: Khôi phục nghề ép dầu lạc

(Baonghean) – Sau một thời gian dài, nghề ép dầu lạc thủ công ở xã Hưng Xuân (Hưng Nguyên) dần mai một do dầu thực vật công nghiệp có giá thành rẻ hơn, mẫu mã bắt mắt... Nhưng nay, với xu hướng người tiêu dùng lựa chọn dầu lạc tinh chế, đảm bảo chất lượng và tốt cho sức khoẻ, làng nghề có từ hơn nửa thế kỷ này đã "nổi lửa" trở lại. 

Nghề ép dầu lạc xuất hiện ở Hưng Xuân từ năm 1950 do ông Trần Ngụ ở xóm 9 (từng là công nhân Nhà máy dầu của Vinh thời Pháp thuộc) truyền lại. Đến những năm 80, dầu lạc Hưng Xuân đã có mặt khắp huyện nhà và các huyện lân cận, sang cả địa bàn thành phố Vinh, chuyên cung cấp cho các địa lý bán lẻ, nhà hàng, quán ăn. Nhưng khi dầu thực vật công nghiệp xuất hiện với giá thành hạ, mẫu mã bắt mắt, hệ thống kinh doanh bài bản khiến dầu lạc chỉ còn sản xuất cầm chừng, phục vụ cho người dân trong xã là chủ yếu. Đến khoảng 3 năm trở lại, mặc dầu giá dầu lạc cao hơn gấp đôi giá các loại dầu thực vật có thương hiệu trên thị trường ( hiện có giá khoảng 450.000 đồng/can 5 lít) nhưng vẫn được nhiều bà nội trợ lựa chọn vì dầu lạc có chất lượng đảm bảo, tốt cho sức khỏe. 

Công đoạn xay lạc nhân  

Lạc đã hông chín được gói thành từng bánh rồi cho vào khuôn ép.

Thời gian ép gần 2 tiếng sẽ cho ra sản phẩm

Hiện toàn xã có hơn 30 hộ tham gia làm nghề, trong đó có 15 hộ làm chuyên nghiệp sản xuất quanh năm, chủ yếu tập trung ở xóm 9, 10. Hàng năm, đến tháng 5, tháng 6 ÂL (khi thu hoạch xong lạc vụ xuân) bà con 2 xóm lại tấp nập vào mùa ép dầu. Lạc sau khi xay nhỏ được cho vào nồi hông, đun lửa đều khoảng 40 phút, đảo ít nhất 2 lần khi thấy bã lạc ướt là đã chín; sau khi đó gói thành từng bánh nhỏ cho vào khuôn ép có gien xoay... Vào thời điểm chính vụ, nhiều hộ làm không hết việc vì có nhiều khách trong và ngoài huyện đến đặt hàng để làm quà mang đi xa. Theo cách tính toán của các hộ làm nghề, để làm ra một can dầu 5 lít tốn khoảng 11 kg lạc nhân, sau khi trừ chi phí thu lãi trên 10.000 đồng; trung bình một hộ bán được từ 30-35 lít dầu/ngày cho thu nhập khoảng 80.000 đồng.
 
Ngoài ra các hộ còn nhận ép gia công, cứ mỗi hông 21kg lạc thu về 30.000 đồng. Nếu người dân ép dầu không có nhu cầu sử dụng khô lạc, họ sẽ mua lại với giá 8.000 đồng/kg để phục vụ chăn nuôi gia súc. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nghề có lúc thịnh lúc suy nhưng nó đã góp phần không nhỏ trong việc cải thiện cuộc sống của người dân nơi đây. Được biết từ năm 2008, nhằm khôi phục nghề, xã xây dựng đề án để được tỉnh công nhận lên làng nghề ép dầu lạc, tiến tới cải tiến công cụ, rút ngắn thời gian ép và nâng hiệu quả thu hồi dầu.
 
Theo kinh nghiệm của bà con xã Hưng Xuân, lạc được trồng trên vùng đất thịt thường cho nhiều dầu hơn. Và để dầu lạc khi nấu không có mùi hôi, nên để dầu nóng già rồi chế thêm hành hoặc tỏi; số lượng dùng cho một lần nấu thường ít hơn dầu thực vật công nghiệp vì dầu cạn sẽ nở ra và béo hơn khi đun nóng... 

Ngọc Anh

Tin mới