Khảo sát mở rộng vùng nguyên liệu gỗ tại Con Cuông, Quế Phong

(Baonghean.vn) - Trong các ngày 24-26/8, lãnh đạo Công ty CP lâm nghiệp tháng Năm và Công ty tư vấn phát triển nguyên liệu TH khảo sát thực tế đất lâm nghiệp, diện tích rừng trồng để có kế hoạch phát triển nguyên liệu cho Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An.

Lãnh đạo Công ty CP lâm nghiệp tháng Năm khảo sát vùng nguyên liệu tại xã Bồng Khê(Con Cuông)
Lãnh đạo Công ty CP lâm nghiệp tháng Năm khảo sát vùng nguyên liệu tại xã Bồng Khê(Con Cuông)

Tại các huyện Con Cuông, Quế Phong, lãnh đạo Công ty lâm nghiệp tháng Năm và đơn vị tư vấn đã đi thực tế vùng nguyên liệu trên địa bàn, làm việc với lãnh đạo, các phòng chuyên môn các địa phương cùng trao đổi về cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu, cơ chế thu mua và khả năng phát triển vùng nguyên liệu trên địa bàn.

Công nhân vận hành máy cắt tấm định hình dây chuyền gỗ ván thanh tại Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An
Công nhân vận hành máy cắt định hình dây chuyền gỗ ván thanh tại Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An

Theo đó, cơ chế chính sách vùng nguyên liệu cho Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An tại các địa phương trên cũng sẽ thực hiện cho các hộ trồng rừng ứng trước không tính lãi suất ngân hàng các khoản: tiền cây giống, phân bón, thuốc diệt mối, hỗ trợ đầu tư thiết kế kỹ thuật, khuyến nông cho người trồng rừng.

Các hộ cam kết bán 100% sản phẩm cho Nhà máy sau khi thu hoạch theo cơ chế thị trường tại thời điểm bán. Đồng thời, hỗ trợ bù giá thu mua nguyên liệu từ 80 km trở lên 3% và 120 km trở lên 5% giá thu mua tại cổng Nhà máy.

Các địa phương và lãnh đạo Công ty CP lâm nghiệp Tháng Năm thống nhất kế hoạch, phương án triển khai trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và bà con vùng nguyên liệu.

Chuyên gia Đức trao đổi với kỹ sư quy trình vận hành dây chuyền MDF tại phòng điều hành trung tâm của Nhà máy
Chuyên gia Đức trao đổi với kỹ sư quy trình vận hành dây chuyền MDF tại phòng điều hành trung tâm của Nhà máy

Nhà máy Chế biến gỗ Nghệ An được xây dựng trong khuôn khổ dự án “nhà máy chế biến gỗ và phát triển rừng bền vững tại Nghệ An” với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD(chưa bao gồm vốn đầu tư cho vùng phát triển nguyên liệu bền vững) được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn I với tổng mức đầu tư hơn 100 triệu USD gồm hai dây chuyền, dây chuyền chế biến gỗ thanh với công suất 12.000 m3/năm và dây chuyền chế biến ván sợi MDF với công suất: 130.000 m3/năm. Giai đoạn 2 sẽ nâng tổng công suất của nhà máy gỗ thanh lên  40.000 m3/năm và nhà máy gỗ MDF: 400.000 m3/năm với tổng mức đầu tư 200 triệu USD.

 Hữu Nghĩa

TIN LIÊN QUAN

Tin mới