Khi hợp tác xã tham gia làm du lịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng là hướng đi hiệu quả và phát triển mạnh mẽ những năm gần đây. Đặc biệt, có sự tham gia của hợp tác xã, loại hình du lịch này càng khởi sắc, không chỉ đem lại thu nhập mà còn góp phần khôi phục, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc vùng miền.

Khai thác lợi thế vùng miền

Có lợi thế về cảnh sắc thiên nhiên hùng vỹ, khe suối thơ mộng cùng những bản làng, nhà sàn người Thái với những nét văn hóa độc đáo. Bản Nưa, xã Yên Khê, huyện Con Cuông có tiềm năng rất lớn trong phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng. Cùng với chủ trương xây dựng huyện Con Cuông trở thành đô thị sinh thái du lịch, tiềm năng này càng có thêm điều kiện thuận lợi để khai phá.

bna-mua-sap-mot-hoat-dong-du-lich-hap-dan-du-khach-tai-banr-nua-yen-khe-con-cuong-anh-thanh-cuong-3960.jpg
Múa sạp- một hoạt động du lịch hấp dẫn du khách tại bản Nưa, xã Yên Khê (Con Cuông). Ảnh: Thành Cường

Năm 2020, Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng xã Yên Khê được thành lập. Chị Lô Thị Hoa - Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Bản Nưa có 100% là người dân tộc Thái, trước đây phụ nữ chỉ lam lũ, quanh quẩn với nương rẫy, cuộc sống rất khó khăn. Được Dự án JICA Nhật Bản và ngành Du Lịch tập huấn, tham quan học hỏi ở nhiều nơi khác về cách làm du lịch, được cử làm Tổ trưởng Homestay, chị đã cùng hợp tác xã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đưa bản Nưa trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách thập phương, không chỉ giúp đồng bào nơi đây cải thiện sinh kế mà còn góp phần giữ gìn vốn quý bản sắc văn hóa dân tộc.

bna-lua-anh-lo-thi-hioa-7052.jpg
Chuyên gia JICA (Nhật Bản) hướng dẫn người dân Con Cuông làm du lịch. Ảnh: Lô Thị Hoa

Trước đó, nhiều hộ dân trong bản đã xây dựng các điểm homestay, thu hút khá đông khách du lịch. Đặc biệt năm 2019, nhóm homestay ở huyện Con Cuông đã đón 2.300 lượt khách, trong đó có cả khách nước ngoài. Hợp tác xã ra đời đã tạo nên mối gắn kết giữa các thành viên, tổ chức tập huấn trang bị, nâng cao kỹ năng phục vụ khách du lịch; tìm giải pháp quảng bá sản phẩm du lịch của vùng, liên kết với các vùng chuyên sản xuất cam, dược liệu trên địa bàn để xây dựng các tuyến du lịch cộng đồng, du lịch bản làng kết nối với các vùng nông nghiệp trải nghiệm, tạo nên các tour du lịch nông nghiệp. Cùng với đó là chọn lựa những người dân địa phương có khả năng để đào tạo, nâng cao kiến thức và kỹ năng du lịch nông nghiệp, tham gia liên kết các tour du lịch.

Trong điều kiện các loại hình du lịch phát triển mạnh mẽ như hiện nay, chúng tôi xác định, để thu hút được khách, điều cốt yếu đầu tiên là các dịch vụ phải mang đậm bản sắc của người Thái ở Con Cuông, có nét riêng, độc đáo.

Chị Lô thị Hoa - giám đốc hợp tác xã nông nghiệp và du lịch cộng đồng xã yên khê, huyện con cuông

Từ đó, chị đã kiến nghị khôi phục nghề mây, tre đan và dệt thổ cẩm của đồng bào Thái, sản phẩm được liên kết để bao tiêu và trở thành điểm tham quan du lịch được du khách hào hứng và ưa chuộng. Từ nhu cầu tìm hiểu văn hóa truyền thống bản địa của khách du lịch, bà con đã tìm cách khôi phục các điệu múa, bài hát có nguy cơ mai một. Sản phẩm mây, tre đan của hợp tác xã làm hoàn toàn thủ công, mang nét hoa văn, thẩm mỹ đặc trưng của người Thái huyện Con Cuông. Hợp tác xã cũng thành lập tổ dệt vải thổ cẩm, dệt may các loại áo, váy truyền thống, khăn quàng, áo, túi thêu... có họa tiết, hoa văn phong phú, rất được khách du lịch ưa chuộng, đặc biệt là khách nước ngoài.

bna-tho-cam-ban-nua-anh-phu-huong-7757.jpg
Hợp tác xã cũng thành lập tổ dệt vải thổ cẩm, dệt may các loại áo, váy truyền thống, khăn quàng, áo, túi thêu... Ảnh: Lô Thị Hoa

Từ những giải pháp hiệu quả đó, nhiều người biết đến bản Nưa hơn, lượng khách ngày càng tăng, mỗi năm hợp tác xã đón từ 3.000- 3.2000 lượt khách, giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho hơn 30 người dân địa phương, tất các hộ làm du lịch cộng đồng đều có thu nhập ổn định, thoát nghèo, vươn lên hộ khá, giàu. Mô hình du lịch cộng đồng Bản Nưa đã được quảng bá tại Nhật và triển khai, nhân rộng ở các tỉnh, thành khác tại Việt Nam.

bna-ban-nua-anh-phu-huong-7513.jpg
Du khách thích thú tìm hiểu về sản phẩm thổ cẩm của HTX Nông nghiệp và Du lịch bản Nưa. Ảnh: Phú Hương

Nếu trước đây bản Hoa Tiến (Quỳ Châu) nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm nổi tiếng, thì những năm gần đây, vùng đất này còn được biết đến như một điểm du lịch hấp dẫn. Vốn là làng Thái cổ, thuộc mường Chiềng Ngam xưa với 100% là người dân tộc Thái gốc sinh sống hàng trăm năm qua nhiều thế hệ, nên bản Hoa Tiến vẫn còn giữ được nhiều nét đặc trưng văn hóa Thái. Cả bản có hơn 300 ngôi nhà sàn cổ, Hoa Tiến cũng được coi là “cái nôi” của nghề dệt thêu thổ cẩm ở Quỳ Châu, sản phẩm đa dạng mẫu mã, chăn, gối, đệm, váy, khăn quàng cổ, khăn đội đầu, túi, ví, hoa văn tinh tế và phong phú…

bna-nha-san-anh-phu-huong-53.jpg
Nhà sàn Thái cổ ở xã Hoa Tiến, Quỳ Châu. Ảnh: Phú Hương

Năm 2010, Hợp tác xã Làng nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến được thành lập, đến nay các sản phẩm thổ cẩm mang thương hiệu Hoa Tien Brocade đã có mặt ở nhiều thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hạ Long, thậm chí được ưa chuộng ở những thị trường giá trị cao như: Pháp, Đức, Nhật...

bna-nhuom-vai-anh-dinh-tuyen-3-876.jpg
Nghề dệt thổ cẩm ở xã Châu Tiến thu hút khách du lịch. Ảnh: Đình Tuyên

Chị Sầm Thị Bích, thành viên Hợp tác xã du lịch cộng đồng Hoa Tiến cho hay: Hợp tác xã thành lập năm 2018 với 6 thành viên. Chúng tôi được tập huấn, hướng dẫn về cách thức đón, phục vụ khách du lịch, vệ sinh môi trường, trang trí nhà cửa, các món ăn mang đặc trưng ẩm thực Thái. Trong quá trình hoạt động, các thành viên đều sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ nhau khi cần nhằm đem đến sự phục vụ tốt nhất cho du khách. Đến nay, bản đã có hơn 10 hộ gia đình đủ điều kiện phục vụ khách ăn, nghỉ tại nhà, 2 nhà được nâng cấp thành nhà nghỉ cộng đồng.

bna-am-thuc-thai-anh-dinh-tuyen-2895.jpg
Ẩm thực Thái rất được du khách ưa chuộng. Ảnh: Đình Tuyên

Mỗi năm, bản Hoa Tiến đón hàng ngàn lượt khách, trong đó khoảng 40% là khách ngoại tỉnh và cả khách nước ngoài đến từ các nước: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và châu Phi… Rất nhiều khách du lịch đã quay trở lại, trải nghiệm cùng dệt thổ cẩm, hái dâu, cho tằm ăn, giao lưu văn hóa, văn nghệ cùng các nghệ nhân với các điệu xuối, cồng chiêng, khắc luống, múa lăm vông, nhảy sạp, vui hội rượu cần, buộc chỉ cổ tay…

bna-van-nghek-ahh-dinh-tuyen-4947.jpg
Du khách rất hào hứng với điệu hát múa của người Thái trong các tour du lịch. Ảnh: Đình Tuyên

Các thành viên của hợp tác xã có thu nhập ổn định, thoát nghèo, một số hộ vươn lên khá, giàu. Bản Hoa Tiến có 2 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP, là sản phẩm thổ cẩm đạt chuẩn 4 sao và du lịch cộng đồng bản Hoa Tiến đạt chuẩn 3 sao.

bna-ht2-anh-phu-huong-2497.jpg
Bản Hoa Tiến hấp dẫn du khách với cảnh sắc đẹp và mang nặng bản sắc văn hoá vùng miền. Ảnh: Phú Hương

Nâng cao năng lực các hợp tác xã

Những năm gần đây, từ các lợi thế về điều kiện tự nhiên và những sản phẩm mang đậm nét văn hóa vùng miền, một số hợp tác xã du lịch đã ra đời. Các thành viên tạo điều kiện hỗ trợ nhau phát triển du lịch cộng đồng, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm, tạo sinh kế và thu nhập

Theo thống kê sơ bộ từ Liên minh Hợp tác xã tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 10 hợp tác xã du lịch, chủ yếu nằm ở các huyện vùng miền núi, như: Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Môn Sơn, Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng bản Khe Rạn, Hợp tác xã Du lịch bản Diềm (Con Cuông), Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch Mường Lống (Kỳ Sơn)…

Việc các hợp tác xã tham gia "làm" du lịch là hướng đi khá mới mẻ nhưng đã chứng tỏ được hiệu quả rất đáng mừng trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho các thành viên, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, tạo sức tiêu thụ cho sản phẩm của địa phương và đặc biệt, góp phần giúp môi trường du lịch của tỉnh phong phú, hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên, để phát triển loại hình kinh tế này, hiện vẫn còn nhiều vấn đề bất cập. Hầu hết các hợp tác xã mới chỉ đáp ứng được nhu cầu ăn uống, nghỉ dưỡng của khách du lịch ở mức đơn giản, chưa có nhiều kỹ năng làm du lịch một cách chuyên nghiệp… Theo chị Lô Thị Hoa - Giám đốc Hợp tác xã du lịch Yên Khê, thì do hầu như chưa được kết hợp với các tuyến du lịch nên lượng khách du lịch còn ít, việc quảng bá, thu hút khách còn hạn chế; không được đào tạo bài bản, thiếu kiến thức và kỹ năng du lịch nên việc phục vụ khách du lịch chưa chuyên nghiệp.

bna-con-nuoc-vung-cao-anh-dinh-tuyen-7493.jpg
Cọn nước vùng cao. Ảnh: Đình Tuyên

Theo lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã tỉnh: Để các hợp tác xã du lịch có thể phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động, cần đẩy mạnh tập huấn, trang bị và nâng cao nghiệp vụ du lịch cho các tổ chức, cá nhân, thành viên về nghiệp vụ du lịch, kỹ năng thực hành, thuyết minh, văn hóa, thái độ phục vụ khách du lịch; tạo sự hỗ trợ, liên kết giữa các hợp tác xã với đơn vị lữ hành, công ty du lịch trong và ngoài tỉnh để quảng bá sản phẩm đến đông đảo khách du lịch. Có chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng nhằm nâng cao năng lực cho các hợp tác xã.

Tin mới