Khôi phục, phát triển bền vững cây lùng nguyên liệu

(Baonghean) - Trước đây, Quỳ Châu có khoảng 12.000 ha lùng phân bố rải rác trên địa bàn 8 xã, nhưng do việc khai thác bừa bãi nên diện tích lùng đã giảm xuống còn khoảng 1 nửa;  diện tích còn lại do thiếu chăm sóc, bảo vệ nên ở trong tình trạng gần như nghèo kiệt. Việc khôi phục, phát triển cây lùng  bền vững và trở thành cây nguyên liệu mang lại thu nhập ổn định cho người dân là yêu cầu cấp thiết đối với Quỳ Châu.

Được sự quan tâm của Viện Khoa học nông lâm các tỉnh miền núi phía Bắc, năm 2011, mô hình khoanh nuôi, bảo vệ cây lùng với tên gọi Dự án Sản xuất thương mại xanh được triển khai tại bản Xẹt 2, xã Châu Thắng của huyện Quỳ Châu. Mục tiêu của dự án là hạn chế tác động tiêu cực của con người vào quá trình phát triển tự nhiên của cây lùng và chăm sóc, khai thác lùng theo đúng quy trình kỹ thuật. Dự án triển khai trên 21ha, giao cho 11 hộ; trong đó năm đầu tiên dự án có 3 ha giao cho 2 hộ dân tại bản Xẹt 2 (1,5 ha/hộ); năm thứ 2, dự án mở rộng thêm 18 ha cho 8 hộ tại 6 bản xã Châu Thắng.

Điều đáng chú ý là số tiền hỗ trợ khi nhận khoanh nuôi lùng không nhiều (mỗi hộ được hỗ trợ công phát và dọn thực bì 2,4 triệu đồng và 600 kg phân bón NPK), nhưng nhờ được hướng dẫn theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc ngay trên thực địa nên đạt hiệu quả cao và được bà con rất ghi nhận.

Anh Vang Anh Tuấn, cán bộ nông lâm xã kiểm tra kỹ thuật chăm sóc cây lùng.

Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình, mặc dù ở khá xa trung tâm bản và điều kiện đi lại khó khăn nhưng khi chứng kiến khu rừng lùng tại bản Xẹt 2 được chăm chút xanh tươi, cây lùng phát triển mập mạp, anh Vang Anh Tuấn -  cán bộ nông lâm xã Châu Thắng phấn khởi: Mô hình này được triển khai năm đầu tiên cho 2 hộ, nay đã bàn giao cho người dân quản lý nhưng rất yên tâm. Cũng diện tích rừng này, cách đây hơn 3 năm, cây lùng bị khai thác tùy tiện dẫn đến cạn kiệt, tiêu điều, thì nay với sự bảo vệ, che chắn và chăm sóc của con người, cây lùng đã xanh tốt trở lại.

Anh Lữ Văn Kỳ (24 tuổi) ở bản Xẹt 2 là 1 trong 2 hộ đầu tiên nhận khoanh nuôi lùng của Dự án Sản xuất thương mại xanh cho biết: là hộ nghèo nên gia đình anh được xã ưu tiên nhận mô hình sớm nhất. Năm đầu tiên triển khai, gia đình tập trung khoanh nuôi, chăm sóc, từ năm thứ 2 trở đi, mỗi năm gia đình khai thác từ 2-3 lứa, mỗi lứa thu từ 1 đến 1,5 triệu đồng. Từ thành công mô hình chăm sóc theo Dự án, gia đình anh còn bảo vệ khoanh nuôi thêm 2,8ha nữa. Theo anh Kỳ, việc khoanh nuôi, chăm sóc theo hướng dẫn của Dự án ngoài mang lại thu nhập cho gia đình thì điều quan trọng là có ý thức hơn trong việc khoanh nuôi, bảo vệ cây lùng. Dù rừng lùng sinh sống, mọc tự nhiên nhưng nếu khai thác tùy tiện, bừa bãi thì sẽ cạn kiệt hết…”

Tìm hiểu được biết, việc bảo vệ, chăm sóc cây lùng tương đối dễ dàng. Cây lùng chủ yếu mọc tự nhiên, khi chăm sóc thì phải lưu ý thời gian bỏ phân chăm bón và phát thực bì theo đúng quy trình kỹ thuật, chi phí cũng ít vì cây lùng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở đây, có thể phát triển xen với nứa và được khoanh nuôi ở vùng sâu, vùng xa vốn rất dồi dào về quỹ đất. Nhờ được chăm sóc, bảo vệ nên cây lùng ở Châu Thắng, Quỳ Châu cho năng suất cao, bình quân mỗi cây 7 kg, cá biệt có cây đạt 10 kg, mỗi bụi từ 20-30 cây. Nếu chăm sóc, khai thác đúng quy trình, mỗi ha lùng cho năng suất khoảng 20 đến 30 tấn lùng tươi, tương đương 8-12 triệu đồng. Chỉ cần khôi phục, bảo vệ được diện tích lùng hiện có (gần 6.000 ha), mỗi năm Quỳ Châu thu hoạch khoảng 9.000 tấn lùng tươi (tương đương 3.000 tấn lùng khô). Với giá lùng khô hiện nay là 25.000 đồng/kg, thì số tiền trên 75 tỷ đồng/năm là nguồn thu không nhỏ để người dân xóa đói giảm nghèo và tăng thu nhập…

Từ mô hình bảo vệ, chăm sóc lùng của Dự án Sản xuất thương mại xanh, đến nay Châu Thắng đã có 700 ha lùng xen kẽ trong các khu rừng được người dân khoanh nuôi, bảo vệ. Theo nhiều người dân thì cây lùng Quỳ Châu có một lợi thế mà không phải cây nguyên liệu nào cũng có được, đó là ngoài nguồn giống quý phù hợp vùng đất thì đầu ra khá ổn định, chi phí đầu tư không lớn nên phù hợp với đa số người dân, nhất là các hộ nghèo. Khi thu hoạch, người dân có thể bán tươi hoặc khô và khi nào cũng có người đến tận xã để mua. Hiện nay, diện tích lùng đang ít mà nhu cầu mua lùng để làm nguyên liệu mây tre đan, làm chân tăm hương hàng năm đang khá lớn. Sản phẩm lùng Quỳ Châu không chỉ làm nguyên liệu cho nghề hương trầm và mây tre đan trong trong tỉnh, mà còn được thị trường các tỉnh phía Bắc rất ưa chuộng vì lùng từ rừng Quỳ Châu khá tốt, dẻo dai và bền chắc...

Ông Trần Văn Chương - Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho biết: Lùng là một trong những mô hình cây trồng mà huyện đang khuyến khích người dân khoanh nuôi, chăm sóc. Ngoài dự án của Viện Nghiên cứu nông lâm các tỉnh miền núi phía Bắc hỗ trợ triển khai ở Châu Thắng, hiện nay huyện đang tổ chức hội thảo để vận động một số tổ chức phi Chính phủ hỗ trợ đầu tư một số cây rừng, trong đó có cây lùng mở rộng ra các xã khác. Mong muốn của huyện là không chỉ trở thành vùng cung cấp nguyên liệu, mà còn thu hút nghề thủ công về với địa bàn để cây lùng có giá trị hàng hóa cao nhất; từ đó tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập cho lao động địa phương.

Lùng (thuộc hệ tre nứa) là giống cây mọc và sinh trưởng tự nhiên tại vùng miền núi Quỳ Châu, tập trung nhiều nhất là Châu Thắng, Châu Phong…. Từ lâu, lùng được dùng làm chân tăm hương để sản xuất trầm hương và nguyên liệu rất tốt cho mây tre đan xuất khẩu.

Phương Hà
;
Các tin khác
.
.

Tin mới