Không nên chủ quan với bệnh hen ở trẻ

"Cứ 100 trẻ em Việt Nam thì ước chừng có khoảng 4-11 trẻ bị hen phế quản. Tuy nhiên việc chẩn đoán của bác sĩ và dự phòng bệnh cho trẻ của các phụ huynh còn rất hạn chế”. BS Lê Minh Hương - Trưởng khoa Miễn dịch – dị ứng – khớp, bệnh viện (BV) Nhi Trung ương khẳng định.

Không nên chủ quan với bệnh hen ở trẻ ảnh 1

               Khám miễn phí cho trẻ bị hen tại buổi sinh hoạt CLB Hen

Khó chẩn đoán

 

Tại buổi sinh hoạt CLB Hen – BV Nhi Trung ương mới đây có hàng trăm ông bố, bà mẹ ở nhiều tỉnh thành đã tìm đến để tìm hiểu về bệnh hen phế quản của con mình. Câu chuyện chung của mọi người đều là con bị chẩn đoán muộn như trường hợp con trai chị Nguyễn Quỳnh Hương (giáo viên, TP Nam Định) bị khò khè, khó thở từ lúc 2 tuổi. Chị đã đưa con đi khám nhiều BV, thậm chí lên cả phòng khám của BV Nhi Trung ương, nhưng các bác sĩ đều chẩn đoán cháu bị viêm phế quản, kê kháng sinh liều cao về uống hoặc tiêm. Khi uống thuốc chỉ tạm thời đỡ ho nhưng các cơn khó thở ngày càng dày, nhất là về đêm. Đến khi con gần 4 tuổi, được một chị bạn mách, chị Hương tới Khoa Miễn dịch – BV Nhi Trung ương khám, các bác sĩ kết luận cháu bị hen phế quản và đã kê thuốc điều trị cơn hen cấp, điều trị dự phòng hen. Sau 10 tháng bệnh tình con chị tiến triển rất tốt.

 

BS. Lê Minh Hương cho biết: "Hen là bệnh viêm dị ứng mãn tính đường thở rất hay gặp ở trẻ. Nhưng do các biểu hiện lâm sàng của bệnh hen thường giống viêm phế quản, viêm phổi (do các cháu bị hen lâu ngày thì dễ bị bội nhiễm phổi hoặc phế quản), các bác sĩ lại không có thời gian hỏi về tiền sử bệnh (khò khè tăng về đêm, hoạt động mạnh gây khò khèn, tiền sử dị ứng...) nên rất dễ chẩn đoán nhầm. Nếu bệnh hen phế quản không được điều trị sớm, trẻ có thể bị lên các cơn hen cấp, gây khó thở và tử vong. Ngoài ra còn có các biến chứng khác như lồng ngực bị rùa ra, môi tím tái, mệt mỏi, còi xương”...

 

Lúng túng trong việc điều trị dự phòng

 

Các ông bố, bà mẹ cũng vô cùng lúng túng trong việc điều trị dự phòng cho con. Cu Dũng, con chị Minh Xuân (Hà Nam ) đã điều trị hen dự phòng được 2 năm. Chị cho biết: "Bệnh của con điều trị kéo dài, mỗi ngày xịt thuốc từ 2-4 lần, cộng với thuốc uống, thuốc nhai, phải đúng giờ, đúng liều lượng, đúng cách xịt, rất phức tạp. Hơn nữa, bệnh chuyển biến chậm, cứ thay đổi thời tiết con lại bị hen đến tím tái mặt, cả nhà đều chán nản, nhụt chí”.

 
BS. Nguyễn Thanh Hương - BV Nhi Nghệ An cũng tham dự sinh hoạt CLB Hen với mong muốn, sau này sẽ thành lập được CLB Hen tại địa phương. Theo bác sĩ Thanh Hương, số trẻ em đến khám với các triệu chứng viêm đường hô hấp mãn tính khá nhiều. Không chỉ các bác sĩ gặp khó khăn trong việc sàng lọc mà các bậc phụ huynh cũng thiếu kiến thức, lúng túng trong việc điều trị và dự phòng cho con. Vì thế, BS Thanh Hương mong muốn thành lập CLB để có thời gian giải đáp tất cả các thắc mắc của các bậc phụ huynh, đồng thời họ cũng có "đất” để trao đổi thông tin, giúp đỡ lẫn nhau.

 
Theo BS Lê Minh Hương, khi con bị bệnh hen phế quản, các phụ huynh phải xác định đây là một cuộc đua kéo dài, thậm chí cả đời. Bệnh hen không chữa khỏi hẳn nhưng có thể kiểm soát bằng điều trị dự phòng, đồng thời giữ môi trường sống sạch sẽ, tránh con khỏi các yếu tố gây dị ứng như (lông chó mèo, mạt nhà, hóa chất...). Việc điều trị đòi hỏi các bậc phụ huynh phải kiên trì, có kiến thức để xịt thuốc đúng thời gian, đúng kỹ thuật, đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ.

Theo Daidoanket

Tin mới