Kịch bản nào đang chờ đợi Tổng thống Pháp Macron - đa số tuyệt đối, Quốc hội treo hay 'sống thử'?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Nước Pháp ngày 19/6 sẽ tiến hành bỏ phiếu vòng hai để bầu ra bộ máy Quốc hội. Tổng thống Emmanuel Macron với quan điểm trung dung có thể đứng trước nguy cơ để mất thế đa số tuyệt đối cần thiết để "rảnh tay" điều hành đất nước.

Nhiều trang tin tức nhận định, với kết quả “bỏ ngỏ” trong vòng thứ nhất, thì vòng thứ hai sẽ là vòng bỏ phiếu quyết định đối với cuộc bầu cử Quốc hội tại nước Pháp.

Hai liên minh dẫn đầu đều đang đề cao khả năng giành chiến thắng với thế đa số tuyệt đối (tương đương 289 trong số 577 ghế), song những dự đoán mới nhất lại cho thấy rằng, cả hai đều có thể đạt được số ghế thấp hơn nhiều - một kịch bản hết sức “bất thường” đối với Đệ ngũ Cộng hoà.

Theo dự đoán của Ipsos/Sopra Steria, liên minh của ông Macron có thể giành từ 255 đến 295 ghế, liên minh cánh tả NUPES có thể giành từ 150 đến 190 ghế.

Hiện có 3 kịch bản có thể xảy ra đối với vòng bỏ phiếu thứ hai ngày 19/6, đồng nghĩa với những viễn cảnh khác nhau mà nhà lãnh đạo Macron sẽ phải đối mặt.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vẫy tay với cử tri sau vòng thứ nhất cuộc bầu cử Quốc hội Pháp hôm 12/6. Ảnh: Reuters

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vẫy tay với cử tri sau vòng thứ nhất cuộc bầu cử Quốc hội Pháp hôm 12/6. Ảnh: Reuters

Đa số tuyệt đối

Thứ nhất, và cũng được nhà lãnh đạo này mong đợi nhất, đó là liên minh của ông giành được thế đa số tuyệt đối. Những cánh tay đắc lực của Macron đã cam kết sẽ tích cực vận động phản đối những cam kết “mang màu sắc cực đoan” của nhà lãnh đạo phe NUPES, hy vọng rằng những lời cảnh báo cứng rắn sẽ thuyết phục cử tri trao cho họ thế đa số với ít nhất 289 ghế trong Quốc hội.

Điều này nếu diễn ra đồng nghĩa ông Macron có toàn quyền để hiện thực hóa tuyên ngôn của mình, kể cả một đề xuất cải cách lương hưu gây tranh cãi.

Nhưng dĩ nhiên, kể cả trong trường hợp “xán lạn” này, Tổng thống Pháp cũng không cảm thấy thuận lợi, dễ dàng trong thúc đẩy công tác lập pháp ở Quốc hội như trong nhiệm kỳ đầu tiên.

Quốc hội treo

Kịch bản thứ hai và khả dĩ nhất có thể là Quốc hội treo - tức không đảng phái nào giành được thế đa số sau cuộc bỏ phiếu ngày 19/6 tới.

Nhiều chuyên gia dự đoán liên minh của ông Macron nhiều khả năng vẫn là “đội mạnh” trong Quốc hội sắp tới, nhưng không loại trừ khả năng vuột khỏi tay mốc 289 ghế cần thiết để chiếm đa số.

Nếu trở thành hiện thực, đây sẽ là điều vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Đệ ngũ Cộng hòa, và ông Macron có lẽ sẽ phải tìm cách bắt tay với các đảng khác chẳng hạn đảng Cộng hòa theo đường hướng bảo thủ để thành lập liên minh.

Khi đó, ắt là nhà lãnh đạo này phải chấp nhận nhượng bộ một số vai trò chủ chốt trong nội các cho các đối thủ đảng Cộng hòa, cũng như điều chỉnh tuyên ngôn để đổi lấy sự ủng hộ của Quốc hội.

Hoặc ông Macron cũng có thể tìm các nhà lập pháp một cách đơn lẻ, rồi bằng cách này cách khác để khuyến khích họ rời bỏ hàng ngũ trong đảng của mình.

Trường hợp xấu hơn khi không làm được điều đó, ông Macron có thể sẽ buộc phải đàm phán, xoay sở để đạt thế đa số đối với từng dự luật, chẳng hạn thương lượng có được sự ủng hộ của phe bảo thủ đối với cải cách kinh tế, trong khi nỗ lực tìm sự hậu thuẫn của phe trung tả đối với những cải cách xã hội...

Chỉ nghĩ thôi cũng đã thấy kịch bản này có thể làm giảm tốc độ tiến hành các cải cách, thậm chí dẫn tới thế bế tắc chính trị, tại một quốc gia vốn dĩ việc tạo đồng thuận và làm việc theo liên minh chẳng phải là “văn hóa” của giới chính khách.

Nhưng xét cho cùng, ông Macron vẫn có quyền tổ chức bầu cử sớm vào bất cứ thời điểm nào, hoặc kích hoạt điều 49.3 trong hiến pháp để tổ chức một cuộc bầu cử mới trong trường hợp một dự luật không được thông qua.

Jean-Luc Melenchon - lãnh đạo liên minh cánh tả NUPES cùng các ứng viên giơ biểu tượng chiến thắng trước thềm vòng hai cuộc bầu cử Quốc hội Pháp hôm 17/6. Ảnh: Reuters

Jean-Luc Melenchon - lãnh đạo liên minh cánh tả NUPES cùng các ứng viên giơ biểu tượng chiến thắng trước thềm vòng hai cuộc bầu cử Quốc hội Pháp hôm 17/6. Ảnh: Reuters

"Sống thử"

Và cuối cùng, cũng ít khả năng nhất là viễn cảnh “sống thử”, xảy ra khi liên minh NUPES của Mélenchon đi ngược lại các cuộc thăm dò và bất ngờ giành thế đa số trong Quốc hội Pháp.

Theo hiến pháp của Pháp, ông Macron khi đó phải bổ nhiệm một thủ tướng có sự ủng hộ của hạ viện, tức kéo theo đó là “sống chung” với một chính phủ cánh tả.

Tổng thống Pháp không bị buộc phải chọn lựa cái tên mà đa số nghị sỹ đề xuất vào chiếc ghế thủ tướng, song nếu ông từ chối bổ nhiệm Mélenchon, thì gần như chắc chắn sẽ nổ ra cuộc tranh đấu quyền lực trong Quốc hội, khi phe đa số mới có khả năng bác bất cứ ứng viên nào mà Tổng thống đề xuất.

Kịch bản được ví von như “sống thử” này sẽ khiến ông Macron gần như không còn sở hữu các đòn bẩy quyền lực và đảo ngược chương trình nghị sự cải cách của nhà lãnh đạo này. Ông sẽ vẫn giữ vai trò lãnh đạo về chính sách đối ngoại, đàm phán các hiệp ước quốc tế, nhưng phải nhường hầu hết công việc hoạch định chính sách hàng ngày cho chính phủ.

Viễn cảnh nào đang đón đợi Tổng thống Macron, bánh xe vận mệnh sẽ xoay chuyển ra sao trên chính trường nước Pháp..., tất cả vẫn phải chờ đợi sự định đoạt của cử tri trong ngày 19/6 này.

Tin mới