Kiến nghị đòi đất của Giáo xứ Cầu Rầm là trái với quy định của pháp luật

(Baonghean.vn) Thời gian qua, chính quyền Thành phố Vinh đã thực hiện đối thoại và có nhiều văn bản trả lời các kiến nghị của Giáo xứ Cầu Rầm và một số giáo dân về khu đất hồ Cửa Nam (thuộc dự án xây dựng khu vui chơi, giải trí, du lịch Hồ Cửa Nam theo phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ và quyết định của UBND tỉnh từ năm 1993), nhưng một số chức sắc, chức việc và một bộ phận giáo dân vẫn tiếp tục khiếu nại. Với trách nhiệm và quan điểm khách quan, tôn trọng sự thật, Báo Nghệ An tiếp tục thông tin về vấn đề này...


Cần khẳng định, việc Giáo xứ Cầu Rầm liên tục kiến nghị đòi đất thuộc Dự án Khu vui chơi giải trí du lịch Hồ Cửa Nam là việc làm cố tình vi phạm pháp luật. Mặt khác, việc làm đó đã thể hiện sự thiếu trách nhiệm công dân và không tuân thủ giáo lý cao đẹp "sống phúc âm trong lòng dân tộc". Bất cứ một công dân Việt Nam nào đều biết, không chỉ ở Việt Nam mà ở các quốc gia trên thế giới đất đai là tài sản toàn dân và Nhà nước là người đại diện, thực hiện các quyền năng của sở hữu theo đúng quy định của pháp luật. Việc đòi lại đất nói trên là phủ nhận luật pháp và phủ nhận chức năng quản lý của Nhà nước. Một số giáo dân Giáo xứ Cầu Rầm và các vị chức sắc, chức việc cần phải hiểu rằng: Khi cần phục vụ mục đích quốc kế dân sinh, Nhà nước có chính sách trưng dụng đất chỗ này, cấp quyền sử dụng đất chỗ khác là lẽ đương nhiên.

Ví dụ như để xây dựng công trình Thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương)
hay công trình Thủy điện Hủa Na (Quế Phong) hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã rời nơi ở cũ để xây dựng cuộc sống mới ở các khu tái định cư. Tất cả đều vì lợi ích chung, vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc. Do đó không thể có chuyện tổ chức, cá nhân "đòi đất" đã được Nhà nước quy hoạch xây dựng công trình phục vụ lợi ích cộng đồng, càng không thể có sự tranh chấp đất đai giữa Nhà nước (chủ sở hữu) và tổ chức, cá nhân.


Quay trở lại về nguồn gốc đất được quy hoạch Dự án nói trên. Nhà thờ Cầu Rầm cũ được xây dựng từ năm 1926 trên khuôn viên đất rộng khoảng 25 nghìn m2 tại khối 6B và khối 7, phường Cửa Nam. Đến năm 1968, nhà thờ bị bom Mỹ tàn phá, không còn là nơi sinh hoạt tôn giáo của Giáo xứ Cầu Rầm. Sau đó được sự nhất trí của chính quyền và Tòa giám mục Xã Đoài, xứ Cầu Rầm được chuyển về sinh hoạt tại nhà thợ họ Trung Mỹ, xã Hưng Đông (TP. Vinh) cho đến năm 2000 (khi xây dựng xong nhà thờ mới tại khối 6A phường Cửa Nam).

Ngày 12 tháng 10 năm 1976, Ban hành giáo Giáo xứ Cầu Rầm đã nhượng bán khu nhà hai tầng còn lại trên đất nhà thờ cầu Rầm cũ cho HXT Hợp Đức với giá 13 nghìn đồng để cơ sở này mở rộng sản xuất (có văn bản hợp pháp). Về mặt pháp lý, thời điểm 1976, mặc dù quy định pháp luật chưa được hoàn thiện như hiện nay, nhưng hồ sơ chuyển nhượng tài sản và khu đất khá chặt chẽ và đầy đủ, gồm đại diện Giáo xứ Cầu Rầm là ông Bá Đình Loan, Trưởng Ban hành giáo xứ viết giấy đề nghị, ký ngày 12/10/1976; phía dưới có chứng thực và đồng ý bằng chữ ký, đóng dấu của Linh mục Nguyễn Duy Thường, quản xứ Cầu Rầm. Đồng thời được Ban cán sự hành chính khu phố 2, TP. Vinh do ông Phạm Văn Chương ký và đóng dấu. Như vậy, thoả thuận chuyển nhượng này là hợp pháp trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện theo đúng nguyên tắc của pháp luật dân sự.

Bên nhận chuyển nhượng là HTX Hợp Đức đã thanh toán tiền đầy đủ cho Ban hành giáo và Linh mục của xứ Cầu Rầm. Số tiền chuyển nhượng trên được dùng vào việc tu sửa các nhà thờ họ trong giáo xứ. Từ năm 1976 đến năm 1993, khu đất và ngôi nhà hai tầng còn lại được Xí nghiệp Hợp Đức đưa vào kinh doanh vật liệu xây dựng chứ không còn thuộc quyền quản lý và sử dụng của Giáo xứ Cầu Rầm.


Tại cuộc đối thoại giữa Giáo xứ Cầu Rầm và UBND TP. Vinh sáng ngày 14/10/2011, trả lời những thắc mắc liên quan đến vấn đề có hay không việc chuyển nhượng năm 1976? Và việc chuyển nhượng này liệu có hợp pháp? Chính quyền TP. Vinh đã cho trình chiếu những văn bản liên quan theo yêu cầu của Ban hành giáo xứ Cầu Rầm.

Tuy nhiên, linh mục Hoàng Sỹ Hướng- Quản xứ Cầu Rầm lại cho rằng, văn bản mua bán đất nhà thờ Cầu Rầm năm 1976 này không có giá trị. Thực ra, cụ linh mục đang cố tình phủ nhận một sự thật hiển nhiên: đó là sự tồn tại của văn bản gốc chứng minh tính hợp pháp việc chuyển nhượng giữa HTX Hợp Đức và Giáo Xứ Cầu Rầm mà nơi xuất phát của văn bản này là từ Giáo xứ Cầu Rầm.

Hơn nữa, việc cụ linh mục Hoàng Sỹ Hướng cho rằng, trước đây giáo xứ chỉ bán nhà 2 tầng trên đất chứ không phải bán đất, vì linh mục và Ban hành giáo không có quyền định đoạt đất của giáo hạt. Như vậy, chứng tỏ cụ đã thừa nhận "tính hợp pháp" của văn bản nói trên và việc chuyển nhượng năm 1976 giữa Giáo xứ Cầu Rầm và HTX Hợp Đức là có thật. Chứng lý nữa: phải có sự đồng ý và chữ ký của Ban quản trị HTX Hợp Đức trong văn bản gửi Ban Liên hiệp xã Thủ công nghiệp và Ngân hàng TP. Vinh ngày 19/10/1976 yêu cầu "giải quyết cho rút tiền về thanh toán cho nhà Chung...." thì thỏa thuận trên mới thực hiện được, và vào thời điểm đó Ban hành giáo giáo xứ đã nhận số tiền 13 nghìn đồng để tu sửa các nhà thờ họ.


Sau khi nhận chuyển nhượng, HTX Hợp Đức đã liên tục sử dụng khu đất nói trên vào mục đích sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng cho đến ngày 20/12/1993, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 603/QĐ-TTg phê duyệt tổng thể TP. Vinh, theo đó khu đất mà HTX Hợp Đức đang sử dụng hợp pháp được xác định nằm trong vùng quy hoạch xây dựng Công viên Hồ Cửa Nam phục vụ vui chơi, giải trí, du lịch của nhân dân TP. Vinh và nhân dân Nghệ An nói chung.

Để từng bước thực hiện quy hoạch trên, tháng 8 năm 1995, UBND TP. Vinh đã trích ngân sách 720,7 triệu đồng đền bù cho HTX Hợp Đức để giải phóng mặt bằng và giao cho UBND phường Cửa Nam quản lý khu đất trên để xây dựng công viên vui chơi, giải trí và du lịch. Ngày 4/9/1997, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 3533/QĐ-UB phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Khu vui chơi, giải trí, du lịch Hồ Cửa Nam và giao cho Công ty Du lịch Nghệ An triển khai dự án.

Ngày 21/4/2000, Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 49/QĐ- TTg phê duyệt điều chỉnh chung xây dựng TP. Vinh, tỉnh Nghệ An đến năm 2020, căn cứ bản vẽ kèm theo quyết định này thì khu đất Công ty du lịch Nghệ An đang sử dụng được tiếp tục quy hoạch làm công viên cây xanh. Do Công ty Du lịch Nghệ An thực hiện chậm và không hiệu quả, trên cơ sở cam kết của Công ty cổ phần Trường Giang, Sài Gòn, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 497/QĐ-UB-ĐT ngày 16/02/2004 chuyển giao chủ đầu tư Dự án Khu vui chơi, giải trí, du lịch Hồ Cửa Nam từ Công ty Du lịch Nghệ An sang Công ty cổ phần Trường Giang, Sài Gòn.

Tuy nhiên, vì tiến độ thực hiện của Công ty Trường Giang quá chậm so với cam kết nên ngày 28/6/2010, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 189/QĐ-UBND- ĐC thu hồi toàn bộ khu đất tại phường Cửa Nam giao UBND TP. Vinh lập phương án, đưa vào sử dụng theo quy hoạch đã phê duyêt. Hiện nay, UBND TP. Vinh đang hoàn thiện các thủ tục cần thiết để triển khai xây dựng công viên công cộng bằng nguồn vốn ngân sách, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân trên địa bàn. Như vậy, Nhà nước đã nhiều lần điều chỉnh quy hoạch TP. Vinh, chính quyền cũng nhiều lần thay đổi nhà đầu tư, nhưng mục đích sử dụng khu đất trên để xây dựng công viên công cộng là không thay đổi.


Về phía Giáo xứ Cầu Rầm, hơn 10 năm sau kể từ khi chuyển nhượng cho HTX Hợp Đức, tức là vào năm 1989, giáo xứ mới có đơn xin làm lại nhà thờ cầu Rầm, nhưng do vị trí nhà thờ cũ có một phần diện tích đã xây dựng đường Phan Đình Phùng, phần còn lại đã chuyển nhượng cho HTX Hợp Đức toàn quyền sử dụng nên UBND tỉnh Nghệ An không giải quyết.


Năm 1998, trên cơ sở đề nghị của Giáo xứ Cầu Rầm, UBND tỉnh đã đưa ra 3 địa điểm để Ban hành giáo xứ lựa chọn là: khu đất hiệu kem Tam Đồng (tại phường Cửa Nam), khu đất Xí nghiệp điện cơ (phường Đội Cung) và khu đất Kho Vòm do Công ty Xây dựng 1 quản lý.

Sau đó UBND tỉnh đã đồng ý và phê duyệt với lựa chọn của Ban hành giáo xứ lấy địa điểm khu Kho Vòm của Công ty Xây dựng I để xây dựng Nhà thờ Cầu Rầm như hiện nay. Ngoài việc giao 11.000 m2 đất, trên cơ sở đề nghị của giáo xứ, tỉnh đã hỗ trợ tiền đền bù giải phóng mặt bằng khu đất. Sau khi được giao đất, Giáo xứ Cầu Rầm đã tiến hành xây dựng nhà thờ mới tại khối 6A, phường Cửa Nam và đưa vào sử dụng ổn định từ năm 2000 cho đến nay. Như vậy, có thể thấy chính quyền TP. Vinh và tỉnh Nghệ An đã đặc biệt quan tâm tạo điều kiện để bà con Giáo xứ Cầu Rầm có địa điểm để sinh hoạt tôn giáo.


Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2010 đến nay, Giáo xứ Cầu Rầm đã 4 lần gửi kiến nghị đòi đất nhà thờ Cầu Rầm cũ để sử dụng vào mục đích tôn giáo. Điều này là không có cơ sở và trái với quy định của pháp luật. Bởi khu đất trên đã được quy hoạch để xây dựng công viên công cộng phục vụ cộng đồng từ năm 1993.

Hơn nữa, 35 năm qua kể từ khi chuyển nhượng cho HTX Hợp Đức (năm 1976), Giáo xứ Cầu Rầm không còn quản lý, sử dụng khu đất nêu trên. Điều 1 của Luật Đất đai năm 1987 "đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý". Luật Đất đai năm 1993, tại Khoản 2, Điều 2 tiếp tục quy định rõ: "Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ cách mạng lâm thời miền nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam...". Luật Đất đai năm 2003, tại Điều 1, quy định "Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu". Tại Khoản 2, Điều 10, tiếp tục khẳng định lại "Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa...".

Mặt khác, theo Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội khóa XI, thì Nhà nước không xem xét lại chủ trương, chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất đã ban hành trước ngày 01/07/1991 và Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đai mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất. Nhà nước hoàn thành thủ tục pháp lý về sở hữu toàn dân đối với các loại nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất trong từng thời điểm nhất định.


Về tên gọi "nhà thờ Cầu Rầm cũ" chỉ là một thói quen của người dân dùng để gọi tên các địa danh trước đây, ví dụ Khu Tỉnh ủy cũ, khu cầu Bưu Điện cũ, Khu Trạm mắt cũ, Khu gia binh quân đội cũ... hoàn toàn không thể lấy làm căn cứ để xác định đó là đất thuộc quyền sở hữu của Nhà thờ Cầu Rầm. Như vậy việc Giáo xứ Cầu Rầm đòi đất là trái với quy định của pháp luật và không có cơ sở để giải quyết. Hiện nay, TP. Vinh và tỉnh Nghệ An chỉ nên tập trung vào việc xem xét, chọn phương thức đầu tư, sử dụng khuôn viên khu đất vào đúng quy hoạch đã duyệt và đảm bảo tiến độ thực hiện để người dân sớm được hưởng lợi.

Còn Ban hành giáo xứ và một số giáo dân đang có tình làm trái quy định của pháp luật nên làm tròn bổn phận của những công dân "kính chúa, yêu nước" trên tinh thần thượng tôn pháp luật, giữ vững kỷ cương phép nước vì một mục tiêu chung xây dựng Thành phố Đỏ anh hùng, xứng tầm đô thị loại 1 và phát triển theo hướng là đô thị trung tâm vùng Bắc Trung bộ. Để khơi thông được vấn đề này, ngoài nỗ lực của các cấp chính quyền, về phía linh mục quản xứ với trách nhiệm là người chăn dắt phần hồn cho các giáo dân cần nêu gương, giáo dục tín đồ lòng yêu nước, thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân và ý thức chấp hành pháp luật như Điều 2 Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo quy định; có thiện chí sớm chấm dứt khiếu nại trái quy định của pháp luật như đã nói trên. Đồng thời dẫn dắt giáo dân "Sống phúc âm trong lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào" như tinh thần thư chung 1980 của Hội đồng giám mục Việt Nam "; góp phần ổn định trật tự xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân vì sự phát triển của thành phố quê hương...

Nhóm phóng viên

Tin mới