Kinh nghiệm nuôi tôm càng xanh

Với nhiều ưu điểm, tôm càng xanh đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều hộ dân và giúp họ vươn lên làm giàu. Ở xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội, ao nuôi của ông Nguyễn Duy Nam là địa chỉ mà nhiều bà con trong vùng tìm đến để học hỏi kinh nghiệm.

Tôm càng xanh (Nguồn khoahoc.com.vn)

Với quy mô 1600m2, ông Nam thả với mật độ 25-30 con/ m2. Sau 8 tháng nuôi, ông Nam có thể thu hoạch tôm. Với giá bán tôm thịt từ 120 – 130 nghìn đồng/kg, ông Nam đạt lợi nhuận trung bình khoảng 100 triệu đồng mỗi năm . 

Theo ông Nam, tôm càng xanh là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, thịt tôm ăn thơm ngon,  có giá trị xuất khẩu. Việc nuôi tôm không tốn nhiều công sức như trồng lúa, dễ tiêu thụ, mang lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên đòi hỏi người nuôi phải hiểu kỹ thuật nuôi, phải kỹ lưỡng trong từng khâu như: cải tạo và quản lý ao nuôi, chọn con giống, cho ăn... Nếu thực hiện tốt thì tỉ lệ thành công mới đạt cao.

Về cải tạo và quản lý ao nuôi, cứ định kỳ một tháng hai lần, ông Nam lại sử dụng chế phẩm sinh học EMC để cải thiện môi trường nước. Việc dùng chế phẩm sinh học sẽ giúp tạo ra các loại vi sinh vật có lợi cho môi trường nước, hấp thu khí độc từ đáy ao, giảm nguy cơ dịch bệnh xảy ra. 
 
Ông Nam quan niệm: “Môi trường nước phải luôn luôn đảm bảo trong sạch, muốn đảm bảo được trong sạch thì mình phải xử lý bằng các chất vi sinh, hoặc bằng phương pháp là thay nước. Nhưng nếu xử lý bằng vi sinh thì ít phải thay nước.”

Để đảm bảo cung cấp đủ lượng oxy hòa tan cho tôm luôn lớn hơn 3.5 mg/1 nước, ông Nam bố trí một dàn máy hệ thống sục khí ở mỗi ao nuôi. Ngoài ra, ngoài ra, theo ông, tất cả sự biến động tăng giảm độ pH, độ kiềm của nước ao nuôi luôn ảnh hưởng tới đời sống của tôm : “Ngoài nước, ôxy, thì độ kiềm, độ pH cũng rất quan trọng. Nếu độ, kiềm và pH cao quá cũng không tốt, thấp quá cũng không tốt. nếu mà độ pH cao quá thì con tôm nó hay bị mắc bệnh đen mang thành tia rất là khó xử lý hoặc nếu độ pH thấp quá con tôm sẽ bị bệnh đen mang thành mê, còn độ kiềm mà thấp thì con tôm lúc lột xác ra sẽ bị chết, còn nếu thấp quá thì con tôm sẽ khó lột xác”

Do vậy,  phải thường xuyên theo dõi, đo độ pH trong nước để điều chỉnh ở mức thích hợp là 6.5- 8.5.

Về thức ăn,  ông Nam sử dụng cả 2 dạng thức ăn, đó là thức ăn dạng viên và thức ăn tự nhiên. Thức ăn tự nhiên là các loại nguyên sinh động vật, giun nhiều tơ, giáp xác…Người nuôi cần phải đảm bảo đúng độ đạm theo từng giai đoạn phát triển.

Ngoài ra, theo ông, cần chú ý đến môi trường và thời điểm khi cho ăn: “Cho ăn cũng rất là quan trọng khi mà bị ô nhiễm, con tôm kém thì nên cho ăn giảm đi, khi con tôm khỏe thì phải cho ăn tăng lên. Cho ăn theo từng giai đoạn từng ngày một. Khi con tôm nó lột xác nhiều thì ngày hôm sau nó ăn ít đi thì phải cho ăn ít đi để tránh làm hỏng môi trường nước, còn lúc chuẩn bị lột xác thì cần phải tăng lượng lên để nó đủ lực để lột xác. Do đó, cần phải thường xuyên theo dõi.”

Về phòng trị bệnh cho tôm càng xanh, ông Nam tiến hành bổ sung thêm vào thức ăn các loại khoáng, vitamin để tăng sức để kháng cho tôm, giúp tôm tăng trưởng nhanh. 

Mô hình nuôi tôm càng xanh của gia đình ông Nguyễn Duy Nam không những mang lại hiệu quả kinh tế cao cho riêng ông mà còn giúp người dân ở địa phương ông được tiếp cận với đối tượng con nuôi mới, từng bước nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích nuôi trồng thủy sản. 

Theo VTC - LY

Tin mới