Kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng nhái mới là phần nổi của tảng băng

Lý giải những băn khoăn của bà con, ông Trần Văn Diên- Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp (Chi cục QLTT) người có thâm niên trong lĩnh vực quản lý thị trường cho biết: Để giảm giá thành, tăng lợi nhuận, nhà sản xuất đã bỏ qua một vài công đoạn, cắt giảm đi một số chất liệu phụ gia... tung ra thị trường sản phẩm kém chất lượng, mà hậu quả là chăn nuôi hiệu quả thấp thậm chí thua lỗ. Bởi thế, dù bà con nông dân đang phải trả rất nhiều tiền cho phân bón và thuốc hóa học cũng như thức ăn chăn nuôi, nhưng kết cục là hiệu quả vẫn kém.


Ông Diên cũng cho biết hiện nay hàng giả chất lượng có biểu hiện giảm vì dễ phát hiện nhưng hàng kém chất lượng thì lại phát triển phức tạp, có ở tất cả các lĩnh vực, ở mọi địa bàn mà đặc biệt là vùng nông thôn. Hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu công nghiệp phổ biến đối với các mặt hàng: Vật tư, vật liệu xây dựng, hàng công nghiệp tiêu dùng, lương thực, thực phẩm, y tế, văn hóa, giáo dục...

Một số hàng giả, hàng kém chất lượng được sản xuất, chế biến tại Nghệ An, còn lại chủ yếu là được đưa từ ngoại tỉnh, hoặc được nhập lậu vào Việt Nam lưu thông trái phép trên thị trường gây rất nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát. Nhiều mặt hàng giả được các đối tượng đặt sản xuất từ địa phương khác với công nghệ cao, tinh xảo, dập sΩn nhãn mác của các sản phẩm có thương hiệu uy tín, sau đó tung ra thị trường tiêu thụ, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế, uy tín cho doanh nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng.


Quan sát hàng vi phạm, chứng kiến cảnh tiêu hủy mới chợt giật mình công nghệ làm hàng giả quá tinh vi, và khó có thể khẳng định mình không mua phải hàng giả, hàng nhái. Giả từ cái kẹo, chai nước mắm, hàng điện tử như bếp gas giả nhãn hiệu Rinnai, đầu kỹ thuật số giả nhãn hiệu Hanel, đến chi tiết phụ tùng Hon Da. Không chỉ hàng có giá trị cao, đem lại lợi nhuận lớn, mà ngay cả diêm Thống nhất cũng bị làm giả! Không trừ hàng gì là không bị làm giả. Và chị em cũng phải cẩn trọng bởi một lượng lớn hàng hóa mỹ phẩm giả nhãn hiệu được tiêu hủy như dầu gội, dầu dưỡng, sửa tắm, kem dưỡng da (giả nhãn hiệu Nive, Pond...), phấn son, sữa rửa mặt mà nếu không có sản phẩm đối chứng, bằng mắt thường rất khó phát hiện.


Chi cục trưởng Chi cục QLTT, ông Lê Quang Hiển cho biết: Năm 2010, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 980 vụ, lập biên bản xử lý 425 vụ vi phạm hàng giả, hàng kém chất lượng. Xử phạt tiền 1,309 tỷ đồng nộp Kho bạc Nhà nước, tịch thu và tiêu hủy số hàng giả, hàng kém chất lượng trị giá 420 triệu đồng. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra xử lý mới chỉ là phần nổi của tảng băng và công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái vẫn còn rất gian nan bởi nhiều mặt hàng giả, chi phí giám định rất đắt và mất nhiều thời gian công sức.


Cũng vì những lý do đó mà nhiều trường hợp không đủ chứng cứ, không thể kết luận được buộc phải trả lại hàng vì liên quan đến thời hạn vụ việc. Nhà nước cần nghiên cứu để sửa đổi chính sách, chứ nếu không, với những khó khăn luẩn quẩn đó, chúng ta sẽ bỏ qua nhiều vi phạm về hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tụê.


Để công tác chống hàng giả có hiệu quả, ngoài việc tăng cường đội ngũ cán bộ được đào tạo, đảm bảo đủ kinh phí, thiết bị làm việc, một vấn đề đặt ra là sự hợp tác của người tiêu dùng.

Thu Huyền

Tin mới