Khai thác có hiệu quả tuyến đường ven sông Lam

(Baonghean) - Để phát triển kinh tế du lịch, tuyến đường ven sông Lam được tỉnh Nghệ An đầu tư xây dựng và hoàn thành vào năm 2010. Đường ven sông Lam có chiều dài 57km và có 2 tuyến nhánh dài 4,8 km, nối từ Cửa Hội đến huyện Nam Đàn, đi qua hàng loạt di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Tuy nhiên, thời gian qua, ngành du lịch tỉnh Nghệ An vẫn chưa khai thác được hết lợi thế du lịch của tuyến đường này.

Tuyến đường kết nối lịch sử và huyền thoại

Cách Cửa Lò chừng 5km dọc theo bãi biển là Cửa Hội - nơi con sông Lam đổ về biển rộng và cũng được xem như là nơi bắt đầu của tuyến đường ven sông Lam. Con đường rộng thảm nhựa phẳng lì nằm bình yên sát bên cửa sông và chợ cá. Chợ cá Cửa Hội hàng trăm năm qua vẫn vậy: Khi mặt trời còn vẫn còn nấp sau cửa biển, là lúc những tàu, thuyền thủy chung không phụ lòng người đợi lại quay về bến bãi nghỉ ngơi, mang theo những sản vật của lòng biển mẹ. Ánh bình minh cùng mang về hơi thở mặn mòi của gió và sóng, chợ cá lại ồn ào, tất tả, cuộc sống bừng tỉnh tiếng kẻ bán, ngườỉ mua. Từ đường ven dõi mắt qua lớp sóng, bên kia sông Lam là Nghi Xuân- Hà Tĩnh có làng cá cổ Hội Thống, bến Giang Đình, là Tiên Điền quê hương của Đại Thi hào Nguyễn Du, Ngàn Hống thông reo gắn liền với tuổi thơ Nho Tướng công Nguyễn Công Trứ…Quay về bên này là khu du lịch sinh thái Cửa Hội nằm ẩn mình dưới rừng phi lao.

Uốn lượn theo tuyến đường ven sông Lam là những xóm làng quần tụ. Bóng mây trời lồng bóng núi nơi đây vẽ ra một bức tranh thủy mặc có cảnh sắc tuyệt đẹp làm gợi nhớ về Vua Lê Thánh Tông, vị chúa Tao Đàn cưỡi thuyền rồng trên đường chinh phạt Chiêm Thành qua sông Lam để lại khá nhiều vần thơ như “Thanh Long triều ngập nước băng trời” hay “Mênh mang khóm nước nhuộm màu lam” trong bài “Vịnh Làng Chế”…Đường ven chạy qua Cảng Nghệ An đang xây dựng; chạy về xã Hưng Hòa- miền quê đã trải biết bao dấu ấn, sự kiện lịch sử, văn hóa và giờ đây đang tạo điểm nhấn cho đô thị Vinh với rừng Bần bên sông có Tràm chim nhiều loại trú ngụ khi xuân về thu đến; Đền Bà Cô thờ Công chúa Quế Hoa linh hiển xưa đã 3 lần được vua Thành Thái, Duy Tân và Khải Định phong thần hiệu…Đêm về, hệ thống đèn cao áp hiện đại của Tuyến đường ven sông Lam hòa cùng ánh sáng của vô số ngọn đèn trên hàng trăm hồ nuôi tôm soi sáng cả triền sông, vùng quê.

Tuyến đường ven sông đi qua cửa ngõ phía Nam của thành phố Vinh tại khu ngã 3 Bến Thủy, giao cắt với con đường thiên lý Bắc Nam. Là đây, Vinh dưới thời thuộc Pháp, một trong những đô thị công nghiệp và thương mại lớn trong cả nước, là thành phố thợ thuyền với hàng vạn công nhân, cái nôi cho phong trào yêu nước, nơi châm ngòi cho cao trào cách mạng 1930 – 1931 Xô Viết Nghệ Tĩnh, ghi dấu ấn hoạt động nhiều đồng chí Tổng Bí thư của Đảng như Trần Phú, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh trong những ngày hoạt động bí mật chống Pháp.

Đường ven sông Lam từ đoạn Vinh đến Hưng Nguyên được xây dựng trên cơ sở nền đê tả Lam cũ – con đê được đắp bồi bảo vệ nhiều thế hệ cư dân sinh sống vùng đồng bằng sông Lam. Đường ven có cốt đường rất cao nên du khách có thể dễ dàng quan sát những bãi bồi ven sông xanh màu ngô khoai, lòng sông chỗ chìm chỗ nổi, bên này đê những xóm làng với bờ tre, ao chum, mái ngói đỏ. Nằm cạnh tuyến đường ven sông lam là “Mỏ hạc linh từ” – Đền ông Hoàng Mười thờ một danh tướng thời Lê, được xây dựng từ năm 1634. Đền là di tích lịch sử cấp quốc gia, hàng năm khai hội vào ngày rằm tháng 3 Âm lịch, có hàng vạn du khách về dự lễ hội.

Tiếp tục đi ngược theo đường ven về phía Tây chưa đầy 10 km là quần thể di tích núi Lam Thành, xã Hưng Phú, huyện Hưng Nguyên. Một số sách cổ có chép núi này là Đồng Trụ sơn “do tướng Đông Hán Mã Viện dựng cột đồng trên núi”; “Về triều Lý, các vua vào nam đánh giặc, thường đóng quân tại đây”. Đời Trần, dưới núi có chùa Yên Quốc, một thiền viện lớn, cùng thời với chùa Ân Quang ở Phù Thạch, bờ nam sông Lam; Nơi đây cũng chính là nơi Vua Quang Trung dừng lại một ngày để thao luyện quân sỹ trước khi hành quân ra Bắc làm nên đại thắng mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789 v.v…Hiện nay, trên núi còn có dấu vết của ngôi thành cổ được xây dựng cuối thời Trần; miếu Tuyên Nghĩa Vương thờ Thái Phúc -  tướng nhà Minh giữ thành Nghệ An ra hàng nghĩa quân Lam Sơn, trở về bị vua Minh giết, nên vua Lê Thái Tổ phong tước, cho lập miếu thờ.

Qua núi Lam Thành, theo đường ven du khách vẫn có thể nhìn thấy trên sông có bãi đá ngầm Phù Thạch lúc chìm, lúc nổi. Và nếu từ đường ven rẽ về tỉnh lộ …chỉ chưa đầy 3km du khách sẽ vào thăm quê hương - khu tưởng niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong; còn tiếp tục đi thẳng thì sẽ đến huyện Nam Đàn – vùng đất địa linh nhân kiệt với dày đặc di tích lịch sử, quê hương nhiều danh nhân tiêu biểu của đất nước, thế giới. Tuyến đường ven sông Lam có điểm cuối là Thị trấn huyện Nam Đàn, Núi Đụn. Nơi đây chính là quê hương cụ Phan Bội Châu “Bậc anh hùng – vị thiên sứ – Đấng xả thân vì độc lập…”; là kinh đô Vạn An xưa gồm quần thể đền thời và mộ vua Mai Hắc Đế; là thác Vũ Nguyên (gọi nôm na là khe Bò Đái) nơi ứng với câu sấm ký “Đụn Sơn phân giải, Bò Đái thất thanh, Nam Đàn sinh thánh” được coi là của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm; là Bến Sa Nam đi vào câu hát phường Vải..v.v…

Cần sớm “khai thông”

Chỉ vỏn vẹn chưa đầy 60km nhưng tuyến đường ven sông Lam có thể kết nối được hàng trăm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh khác nhau trên địa bàn tỉnh Nghệ An, quả không quá lời khi gọi đây là con đường kết nối lịch sử và huyền thoại, trục không gian quan trọng để tạo động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Tại Quyết định số 38/2005 của UBND tỉnh về tiêu chí đất "sinh lợi" cũng xác định đây là tuyến tiềm năng, chứa đựng nhiều lợi thế khai thác, trong đó có dịch vụ du lịch. Tuy nhiên thời gian vừa qua, nếu như các lợi thế khác của tuyến đường đã được phát huy khai thác triệt để góp phần tạo nguồn thu, thu hút đầu tư, đẩy nhanh quá trình đô thị hoá, đảm bảo môi trường sinh thái đặc dụng ven sông, bảo vệ đê Tả Lam và các cơ sở an ninh quốc phòng cho tỉnh Nghệ An; thì việc khai thác tuyến đường để làm dịch vụ du lịch chưa mang lại hiệu quả…

Theo Trung tâm xúc tiến Du lịch tỉnh Nghệ An thì mặc dù ngành du lịch tỉnh đã hình thành nên tuyến du lịch đường ven sông Lam nhưng số lượng khách chọn tuyến này rất ít, không đáng là bao. Bà Lê Thị Thanh Thủy, Trưởng phòng Thông tin xúc tiến du lịch cho biết: Trước đây Trung tâm đã hình thành 2 tuyến du lịch đường sông và đường bộ ven sông Lam. Về phía đường sông thì do địa hình, dòng chảy không cho phép đảm bảo điều kiện an toàn nên sau vài chuyến ngành đã phải bỏ tuyến này không đưa vào khai thác. Về tuyến đường ven sông Lam “kén” du khách là do đối tượng khách trong tỉnh thì phần lớn họ đều biết đến các điểm tham quan, du lịch này nên không mấy người đi; còn đối với du khách ngoại tỉnh thì thời gian lưu trú không nhiều nên họ chỉ chọn đi, ở hai điểm là Cửa Lò và quần thể di tích Kim Liên. Vì thế chương trình này đành tạm gác lại.

Xét về bản chất, sở dĩ tuyến đường đáng lẽ ăn nên làm ra này bị quên lãng và khách “chê” là do các nguyên nhân sau: Trước hết, chưa quy hoạch hoàn chỉnh, hình thành đầy đủ các hành trình du lịch với các điểm cụ thể cũng như chưa chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá rộng rãi các tour, tuyến hấp dẫn này; Thứ hai, việc đầu tư ở các điểm di tích, thắng cảnh, khu nghỉ dưỡng chưa đồng bộ, còn thiếu phong phú các dịch vụ kèm theo; Chưa kêu gọi, huy động được các nhà đầu tư, chính quyền địa phương, người dân cùng tham gia xã hội hóa, đầu tư phát triển du lịch; Cơ sở vật chất hiện có chưa đáp ứng tốt yêu cầu của du khách, hình thức, nội dung tham quan thiếu phong phú; Môi trường du lịch còn để xảy ra ô nhiễm (do việc xây dựng, vận chuyển vật liệu của người dân, khai thác mỏ v.v…

Thấy rõ những hạn chế nêu trên, thời gian qua UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu Sở Xây dựng Nghệ An, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch xây dựng tuyến đường này thành tuyến du lịch bền vững, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đẩy nhanh việc quy hoạch tuyến đường, lộ trình phát triển du lịch và kêu gọi đầu tư. Đến nay, việc quy hoạch tuyến đường ven sông Lam đã được Viện qui hoạch kiến trúc xây dựng Nghệ An qui hoạch xong giai đoạn 2 từ Cửa Hội đến Bến Thuỷ. Các cơ sở du lịch gồm: Khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển Cửa Hội được tổ chức với hình thức nghỉ dưỡng sinh thái, kết hợp khai thác du lịch với bảo vệ rừng phi lao phòng hộ ven biển. Kiến trúc chủ yếu là nhà thấp tầng, mô hình là khu nghỉ dưỡng cao cấp; Khu du lịch sinh thái ven sông Hưng Hoà là điểm nhấn khai thác du lịch quan trọng trên toàn tuyến, với hệ thống khách sạn, khu vui chơi giải trí, khu tham quan rừng sinh thái ngập mặn; Khu cửa cống Rào Đừng thuộc xã Phúc Thọ là nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi: gần bờ sông, gần khu rừng bần, có mối liên hệ giao thông thuận tiện từ nhiều hướng, có thể kết hợp du lịch sinh thái và tham quan làng nghề truyền thống vạn chài; Trên toàn tuyến, tổ chức các cụm du lịch nhỏ, nhằm khai thác hệ thống cảnh quan ven sông được bố trí tại phường Nghi Hải, bãi bồi xã Hưng Hoà và cầu Hói Trại xã Phúc Thọ. Trên đường ven sông Lam cũng sẽ xây dựng những cầu cảng. Cầu qua sông Lam nối trục đường phía đông Thành phố Vinh sang Trung tâm thị trấn Nghi Xuân - Hà Tĩnh sẽ được xây dựng; Xây dựng khu du lịch ven sông bên cạnh cảng Bến Thủy mới và bến thuyền du lịch.

Trên cơ sở quy hoạch đã được tỉnh phê duyệt, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng đã lập các dự án tôn tạo, xây mới như Dự án bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị khu ngã 3 Bến Thủy với các hạng mục như phục hồi cột đèn lịch sử – di tích thời chống Pháp, xây mới tượng đài – biểu tượng cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 30-31; Dự án Khu du lịch đường ven sông Lam; Khảo sát lại, lập chi tiết tuyến du lịch ven sông Lam đường sông và đường bộ…Tuy nhiên, cũng theo Trung tâm xúc tiến du lịch thì ngoài nguồn vốn ngân sách của tỉnh, nguồn kinh phí của chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa thì nguồn vốn các nhà đầu tư hiện tại vẫn còn “bí”….Thiết nghĩ, những việc chuẩn bị để phát triển du lịch đường ven sông Lam như vậy là không thừa bởi với những chính sách ưu đãi đầu tư, cởi mở, thông thoáng của tỉnh Nghệ An (đang triển khai 4 tháng đầu năm đã thu hút được trên 50% chỉ tiêu vốn cần đạt được) các dự án du lịch ven sông Lam nhanh chóng sẽ được lấp đầy, lúc đó, tuyến đường ven sông Lam trở thành trục kinh tế quan trọng của tỉnh và ngành du lịch.

Thành Chung

Tin mới