Mạnh tay hơn trong quản lý ngoại hối và kinh doanh vàng

(Baonghean) - Để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về ngoại hối, ngăn chặn tình trạng đô la hóa nền kinh tế, xóa bỏ thị trường ngoại tệ tự do, ngày 20 tháng 10 năm 2010 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2011/NĐ-CP (Nghị định 95) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 202 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Bà Thu Thu - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An cho biết: Trong thời gian qua, mặc dù Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan đã tích cực thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao trong việc thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm về hoạt động ngoại hối và kinh doanh vàng, tuy nhiên, các hoạt động xử lý vi phạm này chưa đem lại hiệu quả cao. Việc mua, bán ngoại tệ ngoài các tổ chức tín dụng được phép có diễn biến phức tạp và hoạt động kinh doanh vàng có nhiều biến động bất thường. Tình trạng niêm yết, thanh toán hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ trái quy định tương đối phổ biến. Thực trạng này đã ảnh hưởng đến việc điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước, cũng như giảm hiệu quả của chính sách quản lý ngoại hối của Nhà nước ta. Một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là mức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực quản lý ngoại hối và kinh doanh vàng tại Nghị định 202/2004/NĐ-CP ngày 10/02/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng (Nghị định 202) còn thấp, chưa đủ nghiêm khắc để ngăn ngừa hành vi vi phạm. Chẳng hạn trong năm 2011, thanh tra Ngân hàng nhà nước chi nhánh Nghệ An đã tiến hành thanh kiểm tra  trong lĩnh vực tiền tệ và xử lý vi phạm song mức xử phạt cả năm cũng chỉ hơn 30 triệu đồng- số tiền quá ít so với sai phạm, không đủ sức răn đe.

Nghị định 95 tăng cường xử lý nghiêm các vi phạm về ngoại hối

và kinh doanh vàng.

Chính vì thế, Nghị định 95 có hiệu lực từ ngày 20/10/2011 nâng mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm quy định về quản lý ngoại hối và kinh doanh vàng tại các khoản 3, khoản 5 điều 18 Nghị định 202. Cụ thể, trên cơ sở đánh giá tính chất và mức độ ảnh hưởng của hành vi vi phạm đến sự ổn định kinh tế - xã hội, Nghị định 95 đã nâng mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm cho phù hợp với mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ngân hàng được quy định tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008. Bên cạnh việc nâng mức phạt, Nghị định 95 bổ sung chế tài xử lý nghiêm khắc hơn đối với các hành vi vi phạm như tịch thu tang vật là số ngoại tệ, đồng Việt Nam hoặc vàng đối với một số hành vi vi phạm. Cụ thể: Chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài và vào Việt Nam không đúng quy định của pháp luật; Mua, bán, thanh toán ngoại tệ với nhau không đúng quy định của pháp luật; Thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng vàng với nhau không đúng quy định của pháp luật; Kinh doanh, mua, bán vàng không đúng quy định của pháp luật. Cơ quan chức năng cũng sẽ tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký Đại lý đổi ngoại tệ hoặc Giấy phép hoạt động kinh doanh vàng trong thời hạn 12 tháng khi vi phạm lần đầu và tước không thời hạn khi tái phạm đối với các đại lý đổi ngoại tệ hoặc tổ chức kinh doanh vàng vi phạm.

Đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước có thể đình chỉ có thời hạn hoặc không có thời hạn việc thực hiện một hoặc một số hoạt động nghiệp vụ liên quan đến hành vi vi phạm hành chính theo quy định tại Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng. Nghị định 95 cũng bổ sung quy định về quản lý và sử dụng tiền thu phạt vi phạm hành chính và sửa đổi quy định về thẩm quyền xử phạt của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Như vậy, các quy định của Nghị định 95 đã tạo ra cơ chế xử lý nghiêm khắc hơn đối với hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối và quản lý kinh doanh vàng. Đồng thời, các quy định của Nghị định 95 cũng đòi hỏi tổ chức, cá nhân có liên quan cần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp triển khai thực hiện Nghị định 95 nhằm góp phần bình ổn thị trường ngoại hối và vàng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Và ngay sau khi ban hành Nghị định, ngày 25/10/2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành văn bản số 8373/NHNN-QLNH yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện quy định về quản lý ngoại hối và hoạt động kinh doanh vàng theo quy định tại Nghị định số 95.

Hiện NHNN chi nhánh Nghệ An đang tăng cường và duy trì đường dây nóng để tiếp nhận những thông tin từ tổ chức và cá nhân để xử lý theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm các quy định về quản lý ngoại hối và quản lý hoạt động kinh doanh vàng trên địa bàn; Phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý ngoại hối và quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo thẩm quyền.

Thu Huyền

Tin mới