Hưng Trung cần dự án nước sạch

(Baonghean.vn) Nằm cuối huyện Hưng Nguyên, nơi hợp lưu của kênh nhà Lê với sông Thanh Hương chảy từ Nghi Lộc, qua bara Nghi Quang đổ ra biển, Hưng Trung như một "cái túi" khổng lồ chứa "chất thải" từ phía thượng nguồn của 2 dòng sông. Điều này dẫn đến môi trường ở đây ngày càng bị ô nhiễm. Nhất là những ngày mưa bão, khi ba ra Nghi Quang đóng, nước đổ về ứ đọng gây ngập úng.

Năm mưa nhiều, cả xã ngập đến hàng mét. Nước về, mang theo rác rưởi, xác súc vật..., môi trường vốn đã bị ô nhiễm lại càng ô nhiễm thêm. Điều đáng nói là đã bao đời nay, người dân ở đây vẫn đang phải dùng chính nguồn nước ô nhiễm đó để sinh hoạt hàng ngày.

Theo ông Đặng Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã, Hưng Trung có 2.200 hộ dân, 9.360 nhân khẩu. Từ trước đến nay, người dân xã Hưng Trung do nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn nên không thể dùng để sinh hoạt được, nên nguồn nước sinh hoạt chủ yếu vẫn lấy từ sông. Được hệ thống máy bơm lên, qua kênh thủy lợi chảy vào các hồ lắng. Từ hồ lắng, nước chảy vào các giếng xây bằng gạch và bà con bơm nước từ đó về dùng để sinh hoạt hàng ngày như tắm giặt, ăn uống.

Hồ cát lọc - sáng kiến của gia đình ông Nguyễn Văn Khẩn, xóm 7 Hưng Trung (Hưng Nguyên)


Toàn xã chỉ có khoảng 20% số hộ có điều kiện xây được bể trữ nước mưa. Trước đây, khi hệ thống ba ra Nghi Quang chưa có, nước thủy triều lên xuống điều hòa nên mức ô nhiễm được giảm bớt. Từ ngày có bara, nước ứ đọng nên mức ô nhiễm tăng thêm. Vào ngày mùa, khi lúa trên đồng bị sâu bệnh phải phun thuốc diệt trừ, nguồn nước lại thêm một lần ô nhiễm.


Theo chân bác sĩ Nguyễn Văn Đào, Trạm trưởng Trạm Y tế xã đi kiểm tra các giếng nước nhà ông Nguyễn Văn Khẩn, ở xóm 7, là cán bộ y tế xóm nên ông sáng tạo ra cách lọc nước độc đáo hơn, sử dụng hố cát để lọc nước. Nước từ giếng làng được dẫn về qua hệ thống hố cát để loại bỏ bớt tạp chất rồi chảy vào giếng, từ đó được bơm lên bể chứa. Ông còn có sáng kiến, mùa mưa bão nước ngập, thì dùng ni lông bịt kín miệng giếng, không cho nước bẩn tràn vào. Sáng kiến của ông đã được phổ biến rộng rãi.


Để cải thiện nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân, trong những năm qua, bằng sự hỗ trợ của các chương trình, dự án, xã đã tiếp nhận 45 triệu đồng để giúp đỡ các gia đình chính sách, hộ nghèo xây dựng các chương trình chứa nước mưa như lu, bể. Các công trình này cũng giúp một số hộ có được nước để ăn uống. Để cải thiện triệt để, Hưng Trung cần có một nhà máy nước để cung cấp nước sinh hoạt cho bà con.

Trao đổi vấn đề này với ông Ngọc, ông cho biết. "Trước đây cũng có một vài người hứa "chạy" dự án nước sạch cho xã, nhưng đều tắc do nguồn vốn đối ứng không có". Theo ông Ngọc, để xây dựng một nhà máy nước cần có khoảng 16 tỷ đồng theo thời giá hiện nay. 60% nguồn kinh phí nhà nước, 40% còn lại là nguồn đối ứng của xã. Tính ra 1 hộ phải nộp 3-4 triệu đồng. Đây là một khoản tiền lớn đối với bà con Hưng Trung. Họ không thể lo nổi, nhất là trong điều kiện hiện nay, 2 năm liên tiếp vụ hè thu mất trắng, đời sống của bà con hiện đang gặp khó khăn, không có vốn đối ứng nên các nhà đầu tư về rồi lại đi.

Anh Tuấn

Tin mới