Nghề chẻ tăm hương ở Diễn An

(Baonghean.vn) Về làng nghề An Nam (xã Diễn An - Diễn Châu) những ngày này ai cũng cảm nhận được mùi hương trầm ngào ngạt, thanh tao lan toả. Tuy nghề làm hương diễn ra quanh năm, nhưng vào tháng cận Tết này, không khí làm việc tại các cơ sở sản xuất hương trầm đang diễn ra rất khẩn trương. Ở các nhà dân, tranh thủ lúc nhàn rỗi, từ những em nhỏ học mới lớp 3, lớp 4 đến những cụ già tóc bạc, ai nấy đều tất bật sản xuất hàng phục vụ cho mùa làm ăn tốt nhất trong năm.

Đi dọc theo con đường bê tông chạy quanh xóm 3, đâu cũng bắt gặp những đầu mẩu, bọng giang, lùng đổ trước cổng mỗi ngôi nhà hay đang phơi ngoài sân. Chị Nguyễn Thị Cảnh (ở xóm 3), vui vẻ góp chuyện: "Cả xóm làm nghề chẻ tăm hương nên đi đâu cũng thấy tre, thấy lùng là phải... Đây là một công việc nhẹ nhàng, ai cũng có thể làm được và mang tính chất gia đình. Chồng giúp vợ cạo cật tre hay pha thẻ; con trẻ học đến lớp 3 đã có thể phụ giúp được mẹ khâu chẻ tăm. Chúng tôi thường gọi vui đây là “nghề đi ngồi”, vì nhà nào rộng rãi, thoáng mát là được mọi người mang dao, tre đến lập thành hội thành phường; trong xóm có rất nhiều hội, như hội đàn ông, hội người già, hay hội chị em phụ nữ với nhau. Nếu một ngày tranh thủ được cả 2 buổi trưa và tối, mỗi người chẻ được khoảng 10kg tăm hương, trừ tiền nguyên liệu giá tại thời điểm là 1.600 đồng/kg cũng thu được trên 50.000 đồng. Tuy là nghề phụ, lấy công làm lãi nhưng nó đã góp phần không nhỏ trong tạo dựng kinh tế gia đình ổn định".

Nghề chẻ tăm hương ở xã Diễn An ( Diễn Châu) đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con nông dân.

Một thuận lợi cho việc phát triển làng nghề chẻ tăm hương ở Diễn An là các hộ dân có thể mua nguyên liệu của 2 cơ sở chuyên sản xuất hương trầm đóng ngay trên địa bàn xã. Đó là Công ty TNHH An Lập và Công ty Hương trầm Dũng Thuận. Hai doanh nghiệp này vừa cung cấp nguyên liệu thô vừa bao tiêu sản phẩm tăm hương cho cả vùng. Nguyên liệu là những đoạn tre, lùng đã được loại bỏ mắt (chỉ lấy phần ống suôn và được chẻ ra làm 4 phần), bó lại thành từng niền và cắt theo từng kích cỡ dài, ngắn của cây hương...

Bước đầu tiên người thợ phải xem nguyên liệu còn tươi hay đã khô; tươi thì dùng để chẻ ngay, nếu khô phải ngâm trong bể nước cho đến khi chúng dẻo trở lại. Tre, lùng cũng có nhiều loại tốt, xấu khác nhau, loại "ngon" là phải đang bánh tẻ, thẳng và còn tươi, loại này khi chẻ sẽ cảm thấy nhẹ tay và nhanh hơn. Nếu gặp phải hàng "xấu" (đang còn non, bị sâu hoặc không được thẳng) người thợ phải biết lựa chiều, lựa kiểu để chẻ sao cho không bị hao... Nhìn những động tác thoăn thoắt của người thợ, người xem dễ lầm tưởng đây là công việc nhẹ nhàng. Bởi với những người lâu năm trong nghề bàn tay như có mắt, biết cảm nhận, lựa chọn, phân biệt độ dày mỏng cho phù hợp rất nhanh chóng và chính xác; chỉ cần nhìn qua thanh lùng là người thợ biết được phải chẻ làm 3 hay 4 để phù hợp với kích cỡ của loại tăm đang chẻ.

Đến thăm Công ty TNHH Hương trầm An Lập, một đơn vị sản xuất hương trầm chuyên cung ứng nguyên liệu và tiêu thụ mỗi năm hơn 10 triệu sản phẩm tăm hương của làng nghề, chúng tôi được chị Hồ Thị Luận, con gái ông Hồ Sỹ Năm- Giám đốc Công ty, cho biết: Nghề làm hương thường chỉ rộ 4 tháng trước và sau Tết Nguyên đán.

Trước đây muốn làm hương trầm phải tìm cho được rễ trầm, nhưng sau này rễ trầm hiếm dần, người làm nghề có thể thay bằng rễ cây hương bài vì chúng có mùi hương tương tự. Để hương đốt lên có mùi thơm đặc biệt, cháy hết nén và xoắn vòng lộc, người làm nghề phải chọn lựa hương liệu rất kỹ. Ngoài thành phần không thể thiếu là ngũ vị thuốc bắc (quế chi, thảo quả, nụ tùng, nụ đinh hương, hoa hồi), còn phải kết hợp cùng với các loại thảo mộc khác như xuyên quy, trắc bách diệp, vỏ quả bưởi, hoa bưởi khô… Tất cả được trộn đều theo tỉ lệ nhất định rồi phơi khô, rang giòn sau đó giã nhỏ. Tăm hương được làm bằng ruột giang, tre hay lùng chẻ thành thanh nhỏ rồi phơi nắng, phơi sương làm sao không bị ải và cũng không giòn dễ gãy sau đó nhuộm phẩm đỏ phần gốc. Công đoạn khó và phức tạp nhất là khâu pha trộn bột hương, công việc này thường do người thợ chính có kinh nghiệm, tay nghề lâu năm đảm nhiệm, bởi nếu pha chế không đúng liều lượng, hương cháy sẽ không thơm...

Là nghề liên quan đến tâm linh, lương tâm không cho phép chúng tôi cẩu thả; xong mỗi mẻ hương đều phải cẩn thận đốt thử để kiểm tra chất lượng xem lõi có cháy đều hay không, hương thơm ra sao rồi mới xuất bán...

Chị Cao Thị Năm, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Diễn An, cho biết: "Với mong muốn mở rộng ngành nghề, phát triển nghề phụ để tăng thu nhập cho bà con nông dân. Năm 2006, xã đã xây dựng đề án, giao cho Hội Phụ nữ phối hợp với doanh nghiệp Hương trầm Dũng Thuận đóng trên địa bàn, cử các bí thư, xóm trưởng, chi hội trưởng phụ nữ của 9/9 xóm đi tham quan các cơ sở sản xuất hương trầm ở huyện Quỳ Châu và các huyện ngoại thành Hà Nội. Sau đó Hội Phụ nữ đã mời 3 cô giáo ở Hà Tây về mở 2 lớp học nghề chẻ tăm hương trong vòng một tháng cho 70 chị em của 9 xóm, và đến cuối năm 2006, cả xã đã có 135 gia đình tham gia.

Tính đến thời điểm này, Diễn An đã có 250 hộ làm nghề, giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động, riêng xóm 3 có 125 hộ/150 hộ sản xuất được gần 700 tấn tăm hương/năm; mức thu nhập bình quân đạt 1,2 - 1,5 triệu đồng/lao động/tháng... Nghề chẻ tăm hương thu nhập tuy không lớn nhưng đã giải quyết được việc làm lúc nông nhàn, sản phẩm làm đến đâu được bao tiêu đến đó và có ngay thu nhập nên bà con ai cũng phấn khởi. Đồng thời, nghề chẻ tăm hương đã giúp chị em phụ nữ gây được quỹ tiết kiệm (mỗi tháng đóng góp 80.000 đồng/người) để có đồng vốn giúp nhau xoá đói giảm nghèo".

Nghề chẻ tăm hương đã góp phần phát triển kinh tế của địa phương, mỗi năm thu về trên 3 tỷ đồng; nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 12 triệu đồng/người năm 2011. Với hiệu quả kinh tế từ làm nghề, tháng 1/2010, xóm 3 xã Diễn An đã được UBND tỉnh công nhận lên làng nghề với tên gọi " Làng nghề An Nam". Bước đầu tỉnh đã hỗ trợ làm đường phục vụ cho làng nghề dài 2,4km đường nhựa (đường rộng 6,5m, mặt trải nhựa rộng 3,5m), tổng kinh phí đầu tư là 8 tỷ 430 triệu đồng...

Không chỉ ở Diễn An, nghề làm tăm hương nay đã lan toả sang các xãlân cận như Diễn Trung, Diễn Lộc, Diễn Phú... với khoảng 600 hộ và hàng ngàn lao động tham gia. Và 100% hộ làm nghề ở xã Diễn An đều có đời sống khá hơn trước. Điển hình như gia đình anh Trần Văn Minh, chị Võ Thị Thanh ở xóm 3, hay anh Trần Văn Hùng ở xóm 4... nhờ có nghề chẻ tăm hương mà kinh tế gia đình dần được cải thiện.

Ngọc Anh

Tin mới