Kinh nghiệm nuôi hàu có hiệu quả

(Baonghean.vn) Hàu cửa sông (Crasostrea revularis) là loài nhuyển thể hai mảnh vỏ, vỏ to, dày, hình dạng vỏ thay đổi rất lớn, thông thường có hình bầu dục hoặc tam giác. Hàu cửa sông là loài thuỷ đặc sản có giá trị, chủ yếu sử dụng ở dạng tươi sống, được chế biến theo nhiều cách khác nhau như nướng, xào, lẩu, nấu cháo... là những món ăn bổ dưỡng.

Trước đây, bà con ngư dân đã biết lợi dụng các hòn đá kè sông, chân cầu cống tại các cửa lạch để khai thác hàu tự nhiên, kích cỡ hàu khoảng 50-150 mm. Năm 2003, Hợp phần dự án hỗ trợ phát triển nuôi thuỷ sản mặn lợ (SUMA) của chính phủ Đan Mạch xây dựng mô hình nuôi hàu tại Diễn Vạn dưới dạng mô hình "Xoá đói giảm nghèo" cho cư dân vùng bãi ngang ven biển. Qua thực tế sản xuất, con hàu không còn là đối tượng "xoá đói giảm nghèo" mà khi được đầu tư tốt, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu từ việc nuôi hàu. Nuôi hàu cửa sông hiện đã thực sự trở thành một nghề. Để đảm bảo cho nghề nuôi hàu có hiệu quả, ngoài việc tuân thủ các yêu cầu của kỹ thuật nuôi thì người nuôi cần lưu ý thêm một số điểm trong khâu quản lý, chăm sóc, lựa chọn thời điểm thu hoạch để sản phẩm có chất lượng tốt, lợi nhuận cao nhưng vẫn bảo vệ được nguồn lợi lâu dài.


1. Về quản lý, chăm sóc: Quá trình quản lý, chăm sóc bao gồm việc san thưa, phòng tránh các yếu tố môi trường bất lợi và diệt trừ địch hại cho hầu.


+ San thưa: Trong quá trình nuôi, khi hàu đang lớn dần thì người nuôi phải san thưa bằng cách làm thưa các chuỗi giá thể để đảm bảo điều kiện thức ăn cho hàu. Sau khi nuôi khoảng 6 tháng, nên thu tỉa bớt những con hàu lớn nhằm giảm mật độ nuôi để những con còn lại sinh trưởng nhanh;


+ Quản lý môi trường bãi nuôi: Nếu điều kiện môi trường không thuận lợi có thể hạ dây nuôi xuống sâu hoặc khi bãi nuôi bị nhiễm bẩn hay ảnh hưởng của lũ lụt phải di chuyển hàu đến vùng khác có môi trường tốt hơn. Chú ý theo dõi mật độ bám và vị trí bám của hàu trên dây nuôi, nếu hàu bám nhiều ở tầng trên của dây nuôi chứng tỏ nền đáy có vấn đề như oxy thấp, pH thấp hoặc bùn đáy quá dày, rong bám nhiều, đáy có nhiều khí độc... cần làm vệ sinh nền đáy, điều chỉnh giá thể thưa ra hoặc di chuyển đến nơi khác sạch hơn;


+ Tiêu diệt địch hại: Địch hại của hàu bao gồm các sinh vật cạnh tranh vật bám, sinh vật ăn thịt (sao biển, cá...), sinh vật đục khoét, sinh vật ký sinh và các loài tảo.


Đối với nhóm sinh vật bám: Phương pháp hiệu quả nhất là phơi sinh vật bám dưới ánh nắng mặt trời. Biện pháp hoá học là dùng sunphát đồng 1-2% trong 1 giờ, tuy nhiên phương pháp này tốn nhiều công sức và đắt tiền. Khi áp dụng biện pháp sinh học chúng ta phải hiểu rõ chu kỳ sống, đặc điểm sinh thái, đặc biệt là mùa sinh sản của các loài sinh vật bám để chủ động lấy giống tránh những thời điểm xuất hiện nhiều sinh vật bám;


Đối với nhóm sinh vật ăn thịt, đục khoét: Gồm các loài ốc tim gà, ốc ngọc, ốc gai, ốc đỏ, cua, còng, cáy, sao biển, cá... Với nhóm này, cách phòng trừ chủ yếu là nhặt bằng tay khi thuỷ triều xuống hoặc dùng bẫy và áp dụng phương pháp nuôi giàn, bè để hạn chế địch hại từ đáy. Ngoài ra, có thể thu gom để loại bỏ các bọc trứng của ốc vào mùa sinh sản của chúng (tháng 7-9);


Đối với nhóm sinh vật ký sinh, tảo: Định kỳ hoặc khi thấy hàu bị bám bẩn nhiều phải vệ sinh hàu bằng cách dùng bàn chải cọ rửa trên hàu để loại bỏ các chất bẩn, rong và sinh vật bám.


2. Về thu hoạch gắn chất lượng với thị trường và bảo vệ nguồn lợi: Khi hàu nuôi được 6-8 tháng tuổi có thể thu tỉa. Mùa vụ thu hoạch hàu có liên quan đến chất lượng sản phẩm. Vào mùa sinh sản, khi hàu được nuôi khoảng 12 tháng tuổi (còn gọi là hàu sữa), thịt hàu lúc bấy giờ có vị béo, mùi thơm, thịt nhiều, màu sắc đẹp, kích thước vừa phải, đồng đều kích cỡ, hình dạng bên ngoài gọn đẹp hấp dẫn, giá bán rất cao. Do đó, để có nguồn hàu sữa cung cấp cho thị trường quanh năm, người nuôi phải chủ động được nguồn giống nuôi gối đầu qua từng tháng theo tiến độ mỗi tháng, xuống giống 1 lần. Như vậy, đối với hàu thì mùa vụ khai thác tốt nhất là vào mùa sinh sản.

Duy Luân

Tin mới