Vướng mắc trong bàn giao lưới điện nông thôn

(Baonghean) Thực hiện chủ trương bàn giao lưới điện nông thôn của Chính phủ cho ngành Điện lực quản lý nhằm đảm bảo tính đồng bộ trong vận hành, duy tu bảo dưỡng và phát triển lưới điện. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trong và sau khi bàn giao đã xuất hiện nhiều vấn đề, vướng mắc.

Xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) là một trong những địa phương chưa thống nhất chủ trương bàn giao lưới điện nông thôn cho ngành Điện lực quản lý. Theo ông Hồ Khắc Huynh- Chủ nhiệm HTX Quỳnh Nghĩa- đơn vị đang thực hiện quản lý kinh doanh điện ở đây cho biết: “Khi có chủ trương bàn giao lưới điện nông thôn, xã đã tổ chức nhiều cuộc họp dân, thông qua các kỳ họp của HĐND và cho rằng lưới điện của xã còn đảm bảo chất lượng, kinh doanh có hiệu quả nên HTX tiếp tục khai thác sử dụng”.

                 Bão dưỡng, duy tu hệ thống điện lưới phòng chống lụt. Ảnh: T.C

Còn ông Hồ Đình Xích- Chủ tịch UBND xã Quỳnh Nghĩa thì cho biết: “Nếu để HTX chủ thể kinh doanh, người dân được “hưởng lợi” như hỗ trợ điện thắp sáng 20kw/tháng cho mỗi khu vực, hỗ trợ mắc bóng đèn thắp sáng ở khu vực công cộng để hạn chế xảy ra tai nạn. Vào các dịp lễ, hội, HTX sẽ hỗ trợ điện thắp sáng ở dọc đường, trường học. Xã lo ngại, nếu giao cho Điện lực quản lý, những lợi ích này sẽ bị cắt giảm. Bên cạnh đó, HTX còn tạo việc làm cho một số lao động của địa phương”. Ông Xích khẳng định, nếu Nhà nước bắt buộc bàn giao, xã sẽ thực hiện theo chủ trương, nhưng phía Điện lực phải hoàn trả trước vốn đầu tư cho địa phương.

Trực tiếp gặp một số người dân trong xã tìm hiểu về việc quản lý kinh doanh và chất lượng phục vụ điện của HTX Quỳnh Nghĩa, ông Hồ Thanh Xuân ở xóm Hòa Bình cho biết: “Địa bàn nơi gia đình lấy điện từ đường dây 110kv thường xuyên mất điện, điện yếu ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân”. Ông cho biết thêm quan điểm của người dân Quỳnh Nghĩa cho rằng, bàn giao lưới điện cho Điện lực hay tiếp tục để HTX quản lý thì điều quan trọng là chất lượng phục vụ, đảm bảo an toàn hành lang lưới điện… mới là điều người dân quan tâm và đó là trách nhiệm mà các chủ thể phải đặt lên hàng đầu.

Do nguồn vốn dành cho cải tạo, nâng cấp, phát triển lưới điện hạ áp của địa phương có hạn, trong khi trình độ chuyên môn kỹ thuật yếu nên nguy cơ mất an toàn trong sử dụng điện luôn ở mức báo động. Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Khắc Huynh khẳng định: “Khó khăn trong việc kinh doanh điện của HTX là các trạm biến áp quá tải, trong khi nhu cầu điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất của nhân dân ngày càng tăng cao, trạm biến áp của xã không đảm bảo công suất”.

Huyện Quỳnh Lưu là đơn vị có số lượng xã chưa bàn giao lưới điện nông thôn cho Điện lực quản lý nhiều nhất (5/8 xã trên địa bàn toàn tỉnh). Ông Phan Văn Đạt- Phó Giám đốc Điện lực Quỳnh Lưu cho biết: “Những xã nào lưới điện xuống cấp, kinh doanh không còn hiệu quả thì đã tổ chức bàn giao cho Điện lực tiếp nhận, còn những xã chưa bàn giao nhìn chung lưới điện hoạt động còn tốt, kinh doanh có hiệu quả. Mặc dù Điện lực Quỳnh Lưu đã nhiều lần làm việc với các địa phương, nhưng các xã chưa đồng tình thực hiện. Trong khi, nhiều xã lưới điện nguyên trạng bất cập, xuống cấp cần được duy tu bảo dưỡng. Các xã bàn giao, Điện lực Quỳnh Lưu tổ chức kiểm tra xử lý các điểm có nguy cơ mất an toàn và tổ chức bán điện đến tận hộ gia đình”.

Thực tế chung, tiến độ bàn giao lưới điện nông thôn và hoàn trả tiền đầu tư cho dân sau khi bàn giao trên địa bàn tỉnh còn chậm; giá cả, chất lượng điện năng cung cấp cho các hộ tiêu thụ ở vùng nông thôn còn nhiều bất cập… trách nhiệm quản lý và giải pháp để khắc phục các vấn đề được cử tri tỉnh nhà quan tâm phản ánh trong phiên chất vấn Sở Công Thương và Điện lực Nghệ An tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XVI vừa qua.

Theo ông Phan Thanh Tịnh- Giám đốc Sở Công Thương: Để thống nhất tiến độ bàn giao lưới điện hạ thế nông thôn, Sở Công Thương đã làm việc với Công ty Điện lực Nghệ An về tiến độ tiếp nhận. Đến nay, Công ty Điện lực Nghệ An đã tiếp nhận 271 xã. Ước tính tổng giá còn lại tài sản tiếp nhận là 90 tỷ đồng (trong đó có cả vốn của dân góp và vốn đầu tư của Nhà nước). Ngay sau tiếp nhận, Công ty Điện lực Nghệ An đã đầu tư 15 triệu đồng/xã nhằm xử lý ngay những điểm trọng yếu, mất an toàn trong công tác vận hành lưới điện; tổ chức ký lại hợp đồng mua bán điện và thay thế toàn bộ công tơ điện cũ. Để thực hiện việc cải tạo và vận hành lưới điện hoàn chỉnh cần phải có thời gian, lộ trình đầu tư, nguồn vốn đầu tư khá lớn. Hiện ngoài vận động các đơn vị còn lại sớm bàn giao lưới điện hạ áp cho ngành Điện, công ty còn tranh thủ các nguồn vốn vay ưu đãi trong và ngoài nước để tiếp tục hoàn thiện lưới điện nông thôn nhằm đáp ứng chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn. Nghệ An là 1 trong 4 tỉnh của cả nước được vay vốn Ngân hàng tái thiết Đức đầu tư cho 274 xã là 746 tỷ đồng, số hộ dân được hưởng lợi từ dự án dự kiến 89.263 hộ.

Ông Trịnh Phương Trâm- Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An cho hay: “Nguyên nhân là giữa các cơ quan chức năng, ngành Điện và HTX chưa thống nhất trong thực hiện quy trình và xác định giá trị tài sản bàn giao theo quy định. Việc bàn giao điện nông thôn đến nay vẫn chậm vì nhiều lý do. Trước hết là có một số địa phương không muốn bàn giao lưới điện do những tổ chức làm dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh điện bị mất quyền lợi vì họ đang hưởng lợi nhuận. Nhiều nơi đưa ra yêu sách là ngành Điện lực phải hoàn trả vốn, tiếp nhận toàn bộ số nhân lực hiện có. Nhiều địa phương đã và đang triển khai dự án REII, vì vậy khối lượng tiếp nhận và giá trị hoàn trả rất lớn. Bên cạnh đó, hiện nay hầu hết các tổ chức kinh doanh điện đều có quá nhiều lao động. Do đó, vấn đề tiếp nhận nhân lực từ các tổ chức này là hết sức khó khăn, nhất là hầu hết số lao động này lại chưa đáp ứng chuyên môn nghiệp vụ”.

Để hoàn thành chủ trương tiếp nhận lưới điện nông thôn trên địa bàn tỉnh, ngoài sự nỗ lực của ngành Điện lực, thực tế cho thấy, cần sự đồng thuận và hỗ trợ tích cực của các cấp lãnh đạo địa phương cũng như của người dân đang sử dụng điện ở nông thôn.

Lê Thanh

Tin mới