Chè gay: Khẳng định thương hiệu

(Baonghean) Tết lại về, chúng tôi  cùng nhau ngược tuyến Anh Sơn, thăm  đất  Cao- Lĩnh. Xứ sở chè Gay với sản phẩm chè xanh đang ngày ngày được bà con nhân dân thành phố “săn”tìm thưởng thức. Trong tiết trời rét lạnh và bộn bề với vụ xuân,. bà con vẫn dành thời gian chăm sóc chè chuẩn bị chè vụ Tết.

Những ngày cuối năm, chúng tôi hành trình ngược theo Quốc lộ 7 về với Cao Sơn... Nhìn lên phía hai bên sườn đồi, các đồi chè xanh nằm san sát.  Chị Nguyễn Thị Hoa xóm 8, Cao Sơn hiện có gần 1 ha chè thực phẩm. Đồi chè của chị được trồng cách đây 10 năm trước. Đang ngắm ngía mấy bó chè vừa buộc sẵn, chị phấn khởi: “Gần tết chè đắt hơn ngày thường, mỗi ngày 2 mẹ con tranh thủ lên đồi kiếm thêm được vài chục bó chè là có tiền trăm rồi. Tư thương đánh xe đi vào tận nhà mua hàng, không phải mang ra chợ nhập bán như trước”. Từ đồi chè chị Hoa, phóng rộng tầm mắt nhìn về phía các chân đồi, nhà nào cũng trồng chè, có những vùng đồi chè tốt vươn quá đầu người. Lá, cành chè tươi xanh đầy sức sống. Nhiều hộ bà con xóm 6 như Đặng Thị Thi, Nguyễn Văn Châu mỗi hộ có từ 3 - 4 ha chè.

Mẹ con Chị Nguyễn Thị Hoa ở xóm 8, xã Cao Sơn bó chè chuẩn bị đưa ra thị trường.

Theo chị Nguyễn Thị Hoa - xóm 2, Lĩnh Sơn, sát Tết, chè sẽ có giá gấp 2 lần. Đây là cơ hội “hái” ra tiền. Trồng chè khó khăn ở thời điểm trồng mới. Chi phí khai hoang, múc đất, đào rãnh mất gần 10 triệu đồng/1 ha. Giống chè cũng phải mua tận các đồi chè Cao Sơn, Lĩnh Sơn. Chè được trồng và thu hoạch từ 4 năm trở lên sẽ cho quả và hạt. Hạt chắc sẽ được lựa chọn làm giống. Giá giống chè vì thế cũng đắt, khoảng 500 ngàn đồng/tạ. Rút kinh nghiệm từ các năm trước, năm nay chị không bón nhiều đạm vì sợ lá chè xanh đậm, bản lá to, khách không ưa. Chè đạt chuẩn và được giá là loại chè có màu xanh non, lá dày, thơm.

Theo chân cán bộ phụ nữ xã, chúng tôi thăm đồi chè 2 ha của gia đình chị Trần Thị Hương - đây được xem là một mô hình trồng chè xanh cho thu nhập khá của xã. Toàn bộ diện tích đồi chè của chị được tấp tủ bằng cỏ tranh, cây bụi. Chị Hương cho hay: “Chúng tôi chỉ biết ủ phân hữu cơ vi sinh để bón cho chè, không sử dụng thuốc hay dạng phân hóa học nào khác nên mới có thể đảm bảo được chè sạch. Đặc biệt, sau lứa hái đầu tiên sẽ được làm sạch cỏ, đào lớp đất nhẹ và tấp tủ bổi, lá cây tranh, cây cỏ xuống. Theo ý kiến của chị Hương và nhiều bà con trồng chè xanh nơi đây  thì tấp tủ cho chè bằng cây bổi là giải pháp tốt nhất để tăng độ ẩm cho chè, vừa đảm bảo chất dinh dưỡng trong đất và hạn chế cỏ dại phát triển.

So với trồng chè công nghiệp thì trồng chè thực phẩm luôn có thu nhập ổn định. Một phần vì thị trường chè Gay ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng, mặt khác vì sản phẩm này cũng ít phụ thuộc vào sự biến động của giá cả thị trường như các mặt hàng nông sản khác. Giá chè bình quân ngày thường bán khoảng 4-5 ngàn đồng/bó. Hiện nay, chè có xu hướng tăng lên 7 ngàn đồng, 10 ngàn đồng/bó, và với mức giá này nhà chị có thể thu về ước gần 20 triệu đồng trong dịp bán chè Tết.

Cây chè xanh Cao Sơn, Lĩnh Sơn có từ những năm 30, 40. Lúc bấy giờ, người dân Lĩnh Sơn không quản ngại đi bộ cả chục cây số vào vùng Khe Răm, Khe Bùi, Bò Lư phát rãy, trồng chè. Năm 1970, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, chợ, hệ thống xe cộ thông thương, vùng chè Gay đã quy tụ gần 500 hộ dân gắn với nghiệp trồng chè, phần đa là người dân Lĩnh Sơn và Cao Sơn sống dọc tuyến Quốc lộ 7. Từ năm 1988, sau khi nhận thấy lợi nhuận, dễ trồng, sản phẩm chè Gay không đủ để đáp ứng cho thị trường, xã đã vận động người dân Cao Sơn nhân rộng diện tích từ 100 ha lên đến trên 400 ha

Ông Mai Vương Minh - Bí thư Đảng ủy xã Cao Sơn, cho biết: Từ hiệu quả kinh tế - xã hội và tính thích nghi trên vùng đất đồi Cao Sơn, xã xác định cây chè thực phâm là cây xóa nghèo và làm giàu cho bà con nông dân. Để phát triển cây chè, xã tập trung vận động tập trung phát triển diện tích, xây dựng cơ chế khuyến khích các hộ trồng chè. Đối với những hộ trồng và kinh doanh từ 1 ha trở lên được hỗ trợ cho vay với lãi suất thấp 0,9%, đối với những hộ trồng mới xã hỗ trợ cho vay phân, chịu lãi suất ngân hàng 6 tháng đầu. Đăc biệt, hiện nay trên 280 ha/430 ha chè được triển khai tấp tủ, chiếm  trên 60%. Theo đánh giá của ông Minh thì hàng năm bà con nhân dân trồng chè Gay thu về gần 18 tỷ đồng và cây chè thực sự trở thành cây xóa đói, giảm nghèo của bà con nơi đây.

Lương Mai

Tin mới