Dấu ấn vị thủ lĩnh xóa đói nghèo

(Baonghean) - Về công tác ở xã Hồng Sơn - một xã miền núi của huyện Đô Lương, chúng tôi gặp cựu chiến binh Nguyễn Thanh Cúc, đã có gần 40 năm hoạt động ở địa phương. Trong đó, 18 năm làm bí thư, xóm trưởng.

Ông Cúc kể, những năm 1980 – 1990, đường vào xóm núi gập ghềnh những lối mòn hoang dại – Mùa khô bay mù bụi đỏ, mùa mưa lầy lội đầy sên, vắt, muỗi vằn...,  80 hộ dân sống rải rác trên những sườn núi khô khốc với diện tích 40 km2 – Mùa màng lay lắt với cây lúa rẫy cùng những nương sắn bạc màu và ngô, lạc luôn mất mùa trong khô hạn. Thời gian này, lương thực từng hộ dân thiếu trầm trọng, những cánh rừng dần trơ trụi bởi bàn tay người đốt than, nấu vôi, đốn củi…

“Từng là người lính Trường Sơn trong những năm đánh Mỹ, 7 năm ở chiến trường (1969-1975), nước nhà thống nhất, phục viên về địa phương, là thương binh 4/4.

Vừa làm ruộng, vừa làm cán bộ cơ sở, mình luôn băn khoăn: đất đai thì mênh mông đồi núi, những thung lũng hun hút, suối khe dư dật nguồn nước mùa mưa lũ… sao dân cư nghèo mãi? Sao bát cơm độn đầy khoai sắn và cơn đói cứ dai dẳng những ngày giáp hạt? Mình nghĩ phải cùng với tập thể tìm cách tháo gỡ…” - ông Cúc kể.

Ông Nguyễn Thanh Cúc chăm sóc vườn mướp đắng.

Nghĩ là làm, ông cùng với cấp ủy, ban cán sự xóm, đề xuất với chính quyền địa phương để củng cố xây dựng hệ thống thủy lợi. Đó là lý do vì sao bây giờ xóm núi có hồ đập, hệ thống tưới tiêu ổn định. Hiện tại, với 93 hộ, 415 nhân khẩu, xóm núi đã có 20 ha ruộng lúa bậc thang 2 vụ lúa, một vụ màu.

Bây giờ mọi thứ đã khác, xóm núi đã từng bước khởi sắc cùng quê hương, đất nước. Cùng với sự chỉ đạo, hỗ trợ của các cấp, sự nỗ lực của người dân, sự năng động tận tụy của bí thư, xóm trưởng mà người dân yêu mến gọi ông là “cánh chim đầu đàn”. Những đồi núi trọc chang chang nắng ngày xưa giờ đã lên xanh từ những cánh rừng tái sinh được khoanh nuôi, chăm sóc bên 15 ha rừng trồng keo và bạch đàn.

Giữa mùa hè mà miền đất này trở nên râm mát bởi miên man màu xanh của lúa, chè và những vườn cây ăn quả. Những cánh rừng ngào ngạt hương hoa trong rù rì bay của những đàn o­ng mật. Ông Cúc cho hay: “Khi người dân không còn thiếu lương thực thì sẽ có điều kiện thoát khỏi độc canh cây lúa để xây dựng những mô hình kinh tế sản xuất nông – lâm sản hàng hóa…”.

Hiện tại, chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn, gia cầm và nuôi trồng thủy sản là thế mạnh ở đây, cùng với mướp đắng, bí xanh, nuôi o­ng lấy mật đang ngày càng được nhân rộng.

Có những hộ trồng rừng sau 5 năm thu được 70 triệu đồng/ha. Mướp đắng mỗi năm 2 vụ thu được 7 triệu đồng/sào, cùng đàn trâu, bò, lợn gà, ao cá cho nguồn thu 150 triệu đồng mỗi năm.

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, ông Cúc cùng chi bộ, các đoàn thể đã vận động bà con góp tiền xây dựng nhà văn hóa, hiến đất làm đường bê-tông liên xã.

Trong ngôi nhà mới khang trang của vợ chồng bí thư, xóm trưởng sau mấy chục năm làm lụng từ 7 sào lúa, 0,5 ha cây màu như mướp đắng, ngô, lạc và đàn trâu, bò, lợn nái, gà, vịt, ao cá. Ông Cúc nói với chúng tôi: “Tính bình quân thu nhập mỗi năm 80 triệu đồng, nuôi 4 đứa con ăn học, rồi có ngành nghề, bởi vậy, về già rồi mới làm được ngôi nhà này…”.

Những tấm huân chương, bằng khen của ông được treo trang trọng trên bức tường ở ngôi nhà mới: Huân chương Giải phóng hạng Ba, Bằng khen của UBND tỉnh, UBND huyện… và Huy hiệu 40 năm tuổi đảng đã nói lên chặng đường phấn đấu không mệt mỏi của ông trong chiến đấu và xây dựng ở địa phương. Đã vượt qua 60 tuổi, sau những công việc vất vả lo việc nhà, việc xóm, chúng tôi thấy ông rất trẻ với phong trào thể dục thể thao và văn nghệ của xã. Nghe ông thổi sáo trong đêm sâu của núi đồi, tiếng sáo nghe thăm thẳm gợi nhớ về núi rừng Trường Sơn một thuở và xôn xao núi đồi quê ông đang từng ngày đổi mới…

Bài, ảnh: Võ Văn Vinh

Tin mới