Phát triển rừng phải song hành với tạo sinh kế cho người dân

(Baonghean) - Công tác phát triển và bảo vệ rừng không chỉ góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội - du lịch, mà còn có vai trò vô cùng quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, giữ môi trường sống. Khi rừng bị chặt phá bừa bãi, sẽ làm tăng tính cực đoan của các hiện tượng thời tiết, bão gió, lốc xoáy, nhiệt độ nóng lên… chưa kể là lũ quét, lũ ống. Xác định được tầm quan trọng đó, nhiều năm qua Công ty TNHH - MTV Nông lâm nghiệp sông Hiếu đã thực hiện tốt công tác phát triển vốn rừng, tạo việc làm, thu nhập cho hàng ngàn lao động từ rừng. Công ty còn tự trích nguồn kinh phí hàng năm để bảo vệ rừng phòng hộ, tái sinh rừng tự nhiên, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bà Nguyễn Thị Mai ở xã Nghĩa Mai - Nghĩa Đàn cho biết: Trước đây, một số diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ bị chặt phá, đốt nương làm rẫy, vì vậy cứ mưa lớn là đất đá từ trên núi cao lại bị sạt lở, nước mưa dâng tràn khe suối, phá hỏng đường giao thông, ngập lụt khắp ruộng đồng, nhà cửa. Gần chục năm nay, những cánh rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn được bảo vệ tốt hơn. Người dân phần nào giảm được nỗi lo lở núi, sạt đất, mùa màng thất bát, trắng tay. Diện tích khu vực ven núi đều trồng được mía và các cây màu khác để cải thiện cuộc sống. Ông Hoàng Văn Nhượng - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Mai - Nghĩa Đàn cho biết: Năm vừa qua xã đã phủ xanh đất trống đồi trọc được hơn 700 ha, cùng với việc bảo vệ tốt rừng đầu nguồn của Lâm trường Nghĩa Đàn, trong vùng đã tạo được “vành đai xanh” bảo vệ môi trường sinh thái vô cùng quan trọng. Đến nay, trên 300 hộ dân của các xóm 11,13,18 không phải chạy lũ như trước đây.

Men theo con dốc uốn lượn dựng đứng, vào tổ bảo vệ rừng phòng hộ Chuột Bạch ở xã Nghĩa Mai. Anh Võ Quang Hải, Tổ trưởng tổ bảo vệ rừng chia sẻ: Chỉ cách trung tâm huyện gần 20 km, nhưng ở đây không có điện, giao thông cách trở. Vượt lên mọi khó khăn, 7 anh em đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng phòng hộ và rừng tự nhiên theo tuyến dọc sông Hiếu và giáp với Thanh Hóa. Mỗi chuyến đi tuần rừng thường từ 3 - 4 ngày. Ngoài bảo vệ rừng, chúng tôi có nhiệm vụ hướng dẫn cho bà con kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng nguyên liệu.

Rừng phòng hộ đầu nguồn ở Quỳ Hợp

Còn ông Nguyễn Văn Khang - Giám đốc Lâm trường Nghĩa Đàn cho biết: Hàng năm, lâm trường tập trung trồng xen rừng phòng hộ trên 50 ha và 300 ha rừng nguyên liệu. Đến nay, lâm trường đã phủ xanh 1.702 ha rừng phòng hộ và bảo vệ trên 3.000 ha rừng tự nhiên. Diện tích rừng của lâm trường đều nằm ở vị trí xung yếu, giữ độ ẩm cho rừng đầu nguồn, công trình Thủy lợi bản Mồng và nhánh khe Tòng giáp ranh giữa Nghĩa Đàn và Thanh Hóa. Rừng được bảo vệ và phát triển tốt, nên nguồn nước ở các hồ đập thủy lợi, dòng khe vùng này khá ổn định, đủ để đảm bảo nước tưới cho nhiều diện tích đất canh tác của xã Nghĩa Mai, Nghĩa Minh (Nghĩa Đàn). Từ khi những cánh rừng đầu nguồn được bảo vệ tốt, đã chống được sạt lở đất ở nhiều điểm của Nghĩa Đàn. Lâm trường còn trồng phủ xanh trên 2.000 ha rừng, hàng năm thu hoạch trên 300 ha, thu hoạch đến đâu, trồng rừng đến đó. Cũng từ trồng và khai thác rừng đã tạo việc làm thường xuyên cho khoảng trên 400 lao động, chủ yếu lao động địa phương.

Lâm trường Nghĩa Đàn còn sử dụng tiền hỗ trợ bảo vệ rừng 200 ngàn/ha để thành lập được 3 tổ bảo vệ rừng chốt chặn tuần tra kiểm soát ở các điểm xung yếu tại Nghĩa Mai và Nghĩa Yên, nhờ vậy hạn chế được nạn chặt phá rừng đầu nguồn.

Lâm trường Đồng Hợp nhiều năm qua cũng tập trung phục hồi tái sinh 1.928,91 ha rừng tự nhiên khá hiệu quả. Ông Hồ Thanh Hùng - Giám đốc Lâm trường Đồng Hợp cho biết: Diện tích trên chủ yếu là rừng tự nhiên nghèo, phần lớn nằm ở vị trí xung yếu, nên việc nuôi dưỡng và phục hồi, giữ rừng tự nhiên đòi hỏi rất cấp bách. Lâm trường đã thành lập 6 tổ quản lý bảo vệ rừng với 19 cán bộ. Tập trung thực hiện nhiệm vụ khoanh nuôi, tái sinh rừng tự nhiên. Tuy nhiên, muốn bảo vệ tốt rừng tự nhiên, vấn đề đặt ra là phải cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân sống quanh rừng.

Xác định rõ sự liên quan đó, lâm trường đã giao khoán trên 500 ha rừng tự nhiên cho bà con địa phương tự bảo vệ và được hưởng lợi nhuận theo thời gian bảo vệ. Trong số trên 2.000ha rừng trồng, có 600 ha được liên doanh với bà con địa phương theo cơ chế hai bên cùng hưởng lợi nhuận. Cụ thể, khi thu hoạch bà con hưởng 49%, lâm trường hưởng 51%. Ông Hùng giải thích: Lâm trường tùy thuộc vào năng lực và nguyện vọng của các hộ dân địa phương để cùng phối hợp, chia sẻ trách nhiệm, việc làm và lợi nhuận. Lâm trường có đất, đầu tư vật tư phân bón, giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng. Bà con bỏ công sức trồng, chăm sóc và bảo vệ.

Nhờ sự phối hợp, liên doanh, liên kết này mà nhiều năm qua đời sống của bà con đã nâng lên rõ rệt, thậm chí nhiều hộ vươn lên làm giàu. Như ông Nguyễn Văn Lộc ở Đồng Hợp phối hợp với lâm trường trồng hơn 4 ha rừng nguyên liệu kết hợp chăn nuôi, trong 5 năm doanh thu trên 400 triệu đồng… Đời sống bà con “vùng đệm” khá lên, thì những cánh rừng tự nhiên ở Lâm trường Đồng Hợp cũng ngày càng xanh tốt, có tác dụng hữu hiệu trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, chống sự biến đổi khí hậu của trái đất đang ngày càng nóng lên.

Ông Hồ Đình Thế - Tổng Giám đốc Công ty TNHH - MTV Nông lâm nghiệp sông Hiếu cho hay: Trước diễn biến của biến đổi khí hậu, ngoài kinh doanh từ rừng, công ty đặt nhiệm vụ hàng đầu là tăng độ che phủ của rừng thông qua bảo vệ tốt rừng phòng hộ và rừng tự nhiên, tăng cường trồng rừng và tái trồng rừng. Trước tiên, đối với 8.619,7 ha rừng phòng hộ, chủ yếu nằm ở vị trí xung yếu (đây là nhiệm vụ công ích) đơn vị coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Theo quy định, loại rừng này được Nhà nước hỗ trợ 200.000 đồng/ha kinh phí bảo vệ (tương đương trên 1,4 tỷ đồng/năm). Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn ngân sách, hàng năm Nhà nước chỉ hỗ trợ được 300 triệu đồng.

Công ty đã tự cân đối, hàng năm chi trả được gần 1 tỷ đồng cho công tác bảo vệ rừng phòng hộ. Cụ thể, thành lập gần 30 tổ bảo vệ rừng, đóng chốt ở các vị trí xung yếu, để chốt chặn bảo vệ rừng đầu nguồn. Diện tích rừng phòng hộ chủ yếu ở vùng sâu vùng xa, giáp ranh với tỉnh Thanh Hóa, nhưng nhờ làm tốt công tác tuần tra kiểm soát bảo vệ, nên hầu hết diện tích rừng phòng hộ trong khu vực không bị chặt phá. Đối với diện tích rừng tự nhiên 19.124,3 ha, theo quy định, diện tích này Nhà nước sẽ hỗ trợ 3,8 tỷ đồng, nhưng do khó khăn về nguồn kinh phí, hàng năm Nhà nước chỉ hỗ trợ được 300 triệu đồng.

Bằng nội lực, tự cân đối, hàng năm công ty đã chi 1,9 tỷ đồng cho công tác bảo vệ rừng tự nhiên, chủ yếu bằng biện pháp khoanh nuôi tái sinh. Nhờ làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ và rừng tự nhiên, nên nguồn nước của các dòng chảy, các hồ chứa trong lưu vực được đảm bảo điều tiết hài hòa, hạn chế lũ lụt và giảm xói mòn, sạt lở đất, bảo vệ môi trường sinh thái rất hữu hiệu. Trong 9.100 ha quy hoạch trồng rừng nguyên liệu, Công ty đã trồng được 7.419 ha, riêng từ đầu năm 2013 đến nay đã trồng mới được 844,56 ha, tạo 2,3 triệu cây giống, số vốn đầu tư 8,2 tỷ đồng (chủ yếu nguồn vốn của công ty).

Có thể thấy, với phương châm: Bảo vệ và phát triển rừng phải đi đôi với việc tạo sinh kế cho người dân, thì rừng mới phát triển bền vững. Đây chính là cách đi đúng hướng, hữu hiệu góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và của người dân trong vùng phát triển rừng; bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bài, ảnh: Văn Trường

Tin mới