Hạ tầng lưới điện nông thôn xuống cấp: bao giờ dân hết khổ?

(Baonghean) - Về một số huyện, thị trước kỳ họp thứ 10 của HĐND tỉnh, nơi nào cũng thấy, cũng nghe cử tri bức xúc, phàn nàn về chất lượng hạ tầng lưới điện hạ áp nông thôn. Cử tri mong muốn tại kỳ họp này, các đại biểu HĐND tỉnh sẽ làm rõ được các vấn đề liên quan...
Chúng tôi đến xóm 12, xã Long Sơn (Anh Sơn) vào một chiều muộn, dù đã nhọ mặt người nhưng tuyệt nhiên không thấy gia đình nào sáng điện. Hỏi ra mới biết, vì giá điện quá đắt đỏ nên chỉ đến khi ăn cơm họ mới dám bật. Và xong bữa nếu không có việc gì cần thiết thì họ đi ngủ sớm, chỉ để 1 bóng tiết kiệm điện cho con nhỏ học bài. 
Anh Mai Văn Khư -   xóm trưởng xóm   Đồng Minh, phải dùng   đèn ắc quy để tìm tài liệu.
Anh Mai Văn Khư - xóm trưởng xóm Đồng Minh, phải dùng đèn ắc quy để tìm tài liệu.
Xóm 12 nằm sát kề Tổng đội TNXP 1 và gần như biệt lập hoàn toàn với khu vực còn lại của xã Long Sơn. Năm 1996, khi toàn xóm mới chỉ có 60 hộ dân, ban cán sự xóm đã vận động các gia đình góp tiền để mua dây điện trần, cột gỗ, công tơ lắp đặt hệ thống đường điện rồi xin sử dụng nhờ trạm biến áp của Tổng đội TNXP 1. Cả xóm dùng một công tơ tổng đặt ngay sau trạm biến áp. Xóm cử ra một ban quản lý điện, hàng tháng đi đọc công tơ của từng hộ dân và công tơ tổng xác định chênh lệch hao hụt điện rồi chia bình quân cho tất cả các hộ. Giá điện những năm đầu là 1.000 đồng/KWh, sau tăng lên 1.400 đồng, 1.700 đồng... và nay là 3.450 đồng/KWh, thậm chí trong tháng 10/2013 cả xóm đã phải chịu giá điện 3.750 đồng/KWh.
Giá điện quá cao, trong khi thu nhập chỉ dựa vào mấy sào ruộng (xóm có 126 hộ, hơn 400 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo là 23,3%) khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn. Nhiều gia đình không có tiền để sử dụng điện và phải dùng đèn dầu để sinh hoạt như gia đình anh Hà Văn Long, Nguyễn Văn Hải, bà Trần Thị Vân… Vì giá điện quá cao nên có 10 hộ dân đã mua dây kéo từ xã Cao Sơn về để mua điện sử dụng. Một số gia đình ở sát nhau thì dùng chung một công tơ điện cho "đỡ tốn kém". Bà Trương Thị Lan (60 tuổi) và em trai Trương Hữu Mạnh ở sát vách nhau. Vì giá điện quá cao, hai chị em bà Lan dùng chung một nguồn điện với 3 thiết bị là 2 chiếc bóng tiết kiệm điện và 1 chiếc tivi. Chỉ có vậy nhưng có tháng, bà Lan và ông Mạnh phải đóng đến 115.000 đồng tiền điện.
Từ nhiều năm nay, câu chuyện giá điện và quản lý điện là vấn đề "nóng" ở xóm 12. Xóm đã bầu ra một ban quản lý gồm 4 người, xóm trưởng, phó bí thư chi bộ làm công tác giám sát. Ông Trần Văn Bình - xóm trưởng cho biết, nguyên nhân dẫn đến giá điện trong xóm quá cao là do hao hụt đường dây. Tổng đội TNXP bán điện cho xóm giá 1.700 đồng/KWh, nhưng đường dây từ công tơ tổng về đến hết xóm dài hơn 6km, dây điện trần đi giữa rừng cây bụi nên lượng điện hao hụt rất lớn. Mặt khác, các hộ dân nằm rải rác, biệt lập với nhau, có những gia đình nằm cách nhau cả quả đồi nên ban quản lý điện rất khó kiểm soát được tình trạng thất thoát. “Vì lượng hao hụt quá cao nên chúng tôi chỉ còn cách chia đều điện hao hụt cho tất cả các hộ dân trong xóm để tính giá điện. Mong muốn lớn nhất của xóm là có được một trạm hạ thế và được sử dụng điện tại gia theo giá điện của Nhà nước quy định”, ông Bình nói. Đồng thời ông cũng tâm sự rằng, vấn đề này đã được người dân đưa ra chất vấn rất nhiều trong các lần HĐND các cấp khi về tiếp xúc cử tri, thậm chí đã có lần chất vấn cả các đại biểu Quốc hội nhưng vẫn chưa có thay đổi.
Không có điện, anh Hoàng Văn Tùng (xóm Đồng Minh) phải chạy máy nổ để phục vụ sản xuất.
Không có điện, anh Hoàng Văn Tùng (xóm Đồng Minh) phải chạy máy nổ để phục vụ sản xuất.
Theo một cán bộ huyện Anh Sơn, cuối tháng 10/2013, cử tri đã có ý kiến với tổ đại biểu HĐND tỉnh về vấn đề điện nông thôn rằng: Tại kỳ họp thứ 6, Sở Công Thương đã hứa sẽ chỉ đạo, phối hợp với ngành Điện khảo sát, thống kê những khu vực dân cư các nông, lâm trường, Tổng đội TNXP, dân cư sống xen kẽ những vùng này để có biện pháp giảm tiền điện, vì họ còn phải chịu mức đóng tiền điện kinh doanh. Tại sao gần 1 năm vẫn chưa thấy thực hiện? Việc bàn giao lưới điện cho ngành Điện quản lý đã được thực hiện nhưng kinh phí đầu tư ban đầu của các HTX, người dân đóng góp lại chậm được hoàn trả là sao?... 
Dân cư xóm Đồng Minh, Đồng Thanh, Tân Minh (xã Quỳnh Lập, Quỳnh Lưu) có kinh tế khá hơn xóm 12 (xã Long Sơn, Anh Sơn), nhưng chất lượng điện thì lại tồi tệ hơn gấp bội. Theo anh Hoàng Văn Tùng (xóm Đồng Minh), nhân dân 3 xóm đầu tư đường điện từ năm 1999, tuy nhiên, chỉ được 3 năm đầu chất lượng điện ổn định còn sau đó cứ chập chờn, lúc có lúc không, cho đến thời điểm hiện tại thì cực kém. Anh Tùng bức xúc: "Nhà tôi có đầy đồ điện bị hỏng, từ ti vi, nồi cơm điện, quạt, bóng điện... Khổ với điện lắm". Gia đình anh Tùng hành nghề đóng tàu cá, vì không thể trông cậy vào lưới điện của xóm nên anh phải mua máy nổ để sử dụng, một năm hết xấp xỉ 100 triệu đồng tiền dầu. Ở xóm Đồng Minh, rất nhiều gia đình sản xuất, kinh doanh phải mua máy nổ để sử dụng, thậm chí, có những gia đình nuôi tôm phải mua đến 3 - 4 chiếc máy nổ.
Theo anh Mai Văn Khư - Xóm trưởng xóm Đồng Minh, cả 3 xóm với trên 600 hộ, 2.200 khẩu dùng chung một trạm biến áp, đường dây đầu tư đã lâu xuống cấp nhiều, trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện của dân trong sản xuất, kinh doanh rất lớn nên không chịu tải nổi, xẩy ra chập cháy thường xuyên. "Ngành Điện Quỳnh Lưu đã về kiểm tra, nhân dân mong muốn được ngành tiếp quản để nâng chất lượng điện. Tuy nhiên, họ không tiếp nhận vì 3 xóm nằm trong khu công nghiệp Đông Hồi nhưng khu công nghiệp đến đời thủa nào mới xong, trong khi dân rất khổ vì điện. Ban đêm các cháu không có điện để học, bản thân tôi làm sổ sách cho xóm cũng phải dùng đèn ắc quy. 7 năm trời rồi chứ ít gì đâu..." -
Anh Khư than thở. Cũng chung cảnh ngộ là Trường Tiểu học Quỳnh Lập B. Thầy Hiệu trưởng Phan Văn Sáng cho biết: Nhà trường chúng tôi cũng hết sức khốn khổ vì điện và vì nằm trong vùng quy hoạch khu công nghiệp Đông Hồi, muốn sửa sang nhà cửa, hệ thống điện nhưng chẳng được phép. Vì điện yếu, nhà trường đã thay toàn bộ bóng nê-ông bằng bóng tiết kiệm điện, vậy mà nhiều lúc cũng chẳng sáng nổi. Cũng vì điện chập chờn, hôm khai giảng, toàn bộ hệ thống loa đài, tăng âm đã bị cháy hỏng...".
Ông Trần Đình Chiến - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lập cũng xác nhận việc nhân dân 3 xóm Đồng Minh, Đồng Thanh, Tân Minh mong muốn được cải tạo lại hệ thống điện từ đã lâu nhưng vì nằm trong vùng quy hoạch khu công nghiệp Đông Hồi nên đành chịu. UBND tỉnh về làm việc với KCN và đã hứa với dân sẽ xây dựng đường điện 35 kWA, tuy nhiên cột điện dựng đã khá lâu nhưng chẳng thấy mắc dây. Việc bàn giao lưới điện cho ngành Điện quản lý cũng không thực hiện được vì lý do xã Quỳnh Lập có dự án điện RE2. Nếu nhận bàn giao, ngành Điện ngại sẽ phải gánh trả vốn vay thực hiện dự án này...
Bất cập về vấn đề điện ở Hoàng Mai không chỉ xẩy ra ở xã Quỳnh Lập. Theo ông Lê Sỹ Chiến - Phó Chủ tịch UBND Thị xã Hoàng Mai thì việc cung cấp điện sinh hoạt và sản xuất trên toàn địa bàn thị xã thời gian qua là không đáp ứng yêu cầu. Điện yếu và mất điện không được báo trước xẩy ra thường xuyên. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân, doanh nghiệp và các tổ chức trên địa bàn khiến dư luận rất bức xúc đòi hỏi ngành Điện phải nâng cao chất lượng. Nguyên nhân của tình trạng trên là do hạ tầng lưới điện hạ áp và trung áp đều yếu, trong khi đó các dự án đầu tư về điện hầu hết dở dang và chậm tiến độ; một số thì bị hư hỏng sau bão lũ chậm được khắc phục.
Bên cạnh đó, công tác quản lý, nhất là quản lý lưới điện hạ áp có vấn đề... "Chúng tôi đã làm việc với Điện lực Quỳnh Lưu, Trạm điện Hoàng Mai về việc quy hoạch, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hệ thống điện và việc bàn giao lưới điện. Đồng thời đã yêu cầu các đơn vị này khi cần cắt điện thì phải có kế hoạch từ trước. Trường hợp mất điện do sự cố thì phải kịp thời khắc phục trong thời gian sớm nhất... Chúng tôi cũng mong muốn Điện lực Nghệ An sớm thành lập Điện lực Hoàng Mai để thuận lợi trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ" - ông Chiến nói.
Theo nguồn tin chúng tôi có được thì trước thềm kỳ họp thứ 10 của HĐND tỉnh, các tổ đại biểu HĐND tỉnh đã về địa bàn các huyện tiếp xúc cử tri và đã nhận được nhiều kiến nghị xoay quanh hạ tầng lưới điện nông thôn. Tại huyện Quỳnh Lưu, cử tri phản ánh tiến độ bàn giao lưới điện nông thôn và hoàn trả tiền đầu tư cho dân sau khi bàn giao vẫn chưa được thực hiện dứt điểm; cơ sở hạ tầng đường điện sau khi bàn giao xuống cấp nghiêm trọng mà không được sửa chữa. Còn cử tri các xã Quỳnh Lâm, Quỳnh Lập, Thị xã Hoàng Mai thì công tác cung ứng điện, chất lượng điện thực hiện giá bán điện cho dân còn nhiều bất cập, gây nhiều khó khăn cho sinh hoạt của dân.
Tại huyện Yên Thành, cử tri đề nghị: HĐND tỉnh cần có ý kiến với Quốc hội để có cách chi trả đền bù đường điện hạ áp cho các xã đã bàn giao tài sản cho ngành Điện quản lý vì theo Thông tư 06 việc đền bù gặp nhiều khó khăn; Chỉ đạo Điện lực Nghệ An tiếp nhận lưới điện của 16 xã còn lại. Cũng ở huyện Yên Thành, cử tri còn kiến nghị hệ thống đường dây, cột điện xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Tương tự, cử tri huyện Diễn Châu kiến nghị: Hiện nay việc hoàn trả lưới điện triển khai chậm; tại một số địa phương đường điện hạ thế sau khi bàn giao cho ngành Điện chậm được nâng cấp, nguy cơ mất an toàn lưới điện rất cao, chất lượng điện phục vụ sinh hoạt cho nhân dân rất thấp...
Báo Nghệ An các số ra ngày 14, 15, 16/8/2013 từng đăng tải loạt bài "Bao giờ hạ tầng lưới điện nông thôn đạt chuẩn?", nội dung tập trung vào hai vấn đề: Chất lượng lưới điện hạ áp nông thôn và công tác hoàn trả sau khi ngành Điện tiếp nhận. Loạt bài này đã dẫn ra chi tiết thực trạng xuống cấp nghiêm trọng của lưới điện hạ áp nông thôn ở nhiều địa phương như: Nam Đàn, Thanh Chương, Anh Sơn, Tân Kỳ...; trong khi đó, do "độc quyền" nên ở một số nơi CBNV ngành Điện đã có hành vi nhũng nhiễu người dân khi họ có nhu cầu đấu nối, lắp đặt, sửa chữa... Đồng thời, đã nêu rõ những bất cập, hạn chế trong công tác hoàn trả vốn, ngoài nguyên nhân khách quan thì các cơ quan liên quan chưa thực hiện tốt nhiệm vụ của mình... Có thể khẳng định, các vấn đề liên quan đến hạ tầng lưới điện hạ áp nông thôn đang khiến cử tri toàn tỉnh lo lắng và mong các cơ quan liên quan, những người có trách nhiệm sẽ trả lời cụ thể, rõ ràng tại kỳ họp thứ 10 của HĐND tỉnh!

Tập đoàn Điện lực Việt Nam quy định công tác quản lý kỹ thuật - vận hành và công tác an toàn lưới điện hạ áp nông thôn sau khi tiếp nhận như sau: "...Ngay sau khi tiếp nhận các Công ty Điện lực; Điện lực huyện, quận, thành phố, thị xã phải có văn bản gửi tới chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước các tồn tại về mặt kỹ thuật và các nguy cơ gây mất an toàn của lưới điện hạ áp nông thôn mới tiếp nhận bàn giao, trong đó cần nêu thời hạn khắc phục các tồn tại có nguy cơ gây mất an toàn trên lưới; Ngay sau khi tiếp nhận các đơn vị phải khắc phục các tồn tại, sửa chữa tối thiểu lưới điện đảm bảo điều kiện vận hành an toàn và kinh doanh bán điện...

Thông tư liên tịch số 06/2010/TTLT-BCT-BTC, ra ngày 3/2/2010, hướng dẫn giao, nhận và hoàn trả vốn đầu tư lưới điện hạ áp nông thôn đã nêu rõ: Căn cứ quyết định của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Công ty điện lực nhận bàn giao công trình lưới điện hạ áp nông thôn nào thì thực hiện hoàn trả trực tiếp cho bên có công trình lưới điện bàn giao theo hồ sơ nhận bàn giao. Đối với các công trình lưới điện hạ áp nông thôn do huy động vốn góp của dân thì Công ty Điện lực chuyển tiền cho UBND xã nơi có công trình lưới điện hạ áp nông thôn bàn giao để UBND xã hoàn trả cho từng người dân có góp vốn. Việc hoàn trả vốn cho các chủ đầu tư thực hiện chia đều trong 3 năm kể từ năm 2010 đến hết năm 2012. Kết thúc việc hoàn trả vốn trước ngày 31 tháng 12 năm 2012.

Nhóm P.V

Tin mới