Trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc nâng cao chỉ số PCI

(Baonghean) - Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là chỉ số để đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành trong việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh.
Trong các tỉnh có chỉ số PCI được cải thiện trong những năm qua, cơ bản đều là những tỉnh có các tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển mạnh như: Thanh Hóa, Lào Cai, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế... Điều đó đồng nghĩa với việc cải thiện chỉ số PCI không chỉ là nỗ lực, cố gắng từ phía chính quyền mà còn là sự nỗ lực, cố gắng để phát triển của khu vực doanh nghiệp. Hơn ai hết cộng đồng doanh nghiệp hiểu rõ về môi trường kinh doanh mình đang hoạt động có những ưu, khuyết điểm gì, tồn tại, vướng mắc nào thường gặp phải khi giao dịch với các cơ quan nhà nước. Tuy vậy để chỉ ra những điểm hạn chế cũng như những vướng mắc, khó khăn của chính quyền là không dễ chút nào vì nhiều doanh nghiệp vẫn còn e ngại, nhất là đối với khu vực dân doanh cho dù khu vực có vai trò thúc đẩy tích cực tới quá trình cải cách ở địa phương. 
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay đã có những tổ chức đại diện cho doanh nghiệp như: Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hội doanh nghiệp tiêu biểu, Hội doanh nhân trẻ, Hội doanh nghiệp cựu chiến binh và các hội đặc thù như Phòng Thương mại công nghiệp (VCCI) đại diện cho giới doanh nghiệp, Liên minh HTX đại diện cho khu vực kinh tế tập thể… Thời gian qua, việc cải thiện môi trường kinh doanh trên địa bàn Nghệ An có sự góp phần không nhỏ của các tổ chức này. Đây là cầu nối hữu hiệu, là kênh kết nối thông tin giữa doanh nghiệp - chính quyền và ngược lại. Các hiệp hội đã góp tiếng nói phản biện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, trên thực tế các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn tâm lý e ngại khi đưa ra kiến nghị, phản ánh khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp tại các buổi hội thảo, đối thoại lớn hoặc khi có khó khăn, vướng mắc thì lúng túng, băn khoăn khi không biết phải trao đổi, làm việc với cơ quan nào. Bên cạnh đó, việc tổng hợp, phản ánh của các tổ chức hiệp hội chủ yếu vẫn theo chiều tích cực, nên nhiều khi các khúc mắc thực sự của doanh nghiệp không được quan tâm giải quyết kịp thời, dẫn đến trường hợp không thấy doanh nghiệp phàn nàn, phản ánh nhưng lại phản ánh trong phiếu điều tra, làm cho mức độ trung thực, sự tin tưởng trong quá trình cải thiện môi trường kinh doanh bị ảnh hưởng; mặt khác còn làm cho việc bổ sung, sửa đổi các chính sách không "trúng" với thực tiễn dẫn đến hiện tượng cơ chế chính sách vừa ra đời đã lạc hậu.
Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động, các tổ chức hội đại diện cho khu vực doanh nghiệp vẫn phảng phất mô hình hoạt động kiểu "hành chính nhà nước" nên chưa thực sự trở thành những "bà đỡ" cho các đơn vị thành viên. Các góp ý, ý kiến phản biện của các tổ chức hiệp hội vẫn còn có hiện tượng hình thức, chiếu lệ, chung chung, chưa thực sự đi sâu vào từng lĩnh vực, hay chuyên ngành hoạt động của doanh nghiệp, làm cho xong. Chính vì vậy, các vấn đề liên quan nhiều đến doanh nghiệp như: tiếp cận đất đai, tính minh bạch của các chủ trương chính sách, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ đào tạo lao động... chưa được cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức hiệp hội quan tâm, thông tin thường xuyên, cộng tác với các cấp chính quyền, với các cơ quan quản lý nhà nước.
Đã vậy, một số hiệp hội vẫn hoạt động mang tính hình thức, không thực sự tạo niềm tin với doanh nghiệp và không trở thành "nơi muốn đến" của doanh nghiệp; khả năng nắm bắt tình hình hoạt động, khó khăn của các doanh nghiệp một cách nhanh chóng còn nhiều hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được mong muốn, yêu cầu của doanh nghiệp thành viên. Nguyên nhân của tình trạng này một phần do hầu hết tổ chức hiệp hội hoạt động kiêm nhiệm (trừ các tổ chức hội đặc thù) nên có những hạn chế nhất định trong tổ chức bộ máy, đảm bảo nguồn  tài chính thường xuyên; tổ chức hoạt động chưa chuyên nghiệp và đảm bảo hiệu quả cả đối với cơ quan quản lý nhà nước lẫn doanh nghiệp.
Hơn ai hết các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và bản thân doanh nghiệp phải hiểu rõ nâng cao chỉ số PCI là nhằm vào cải thiện môi trường cho chính doanh nghiệp hoạt động thuận lợi hơn. Đó không chỉ là nhiệm vụ của các cấp các ngành mà đó còn là trọng trách của chính các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và của chính các doanh nghiệp để môi trường kinh doanh của chính mình được tốt hơn, có như vậy, khi PCI cải thiện thì mới thực sự có hiệu quả và bền vững.
Phan Cường

Tin mới