Làng chài Lộc Thọ Kiên trì bám biển

(Baonghean) - Đài báo phía bể có dông gió, lẽ ra ém thuyền vào hói rồi kiếm chút mồi ngồi nhậu chơi xem “uôn cúp”. nhưng các nhà chài làng Lộc Thọ (xã Phúc Thọ - Nghi Lộc) vẫn cứ dong thuyền ra ngư trường. Cái gan góc một phần, nhớ biển một phần, phần nữa hình như những ngày này không ai nỡ xa biển. Vả lại, túc tắc thế mà mỗi nhà cũng cứ kiếm triệu bạc một đêm, sao không đi... 

Lộc Thọ là tên chữ (trước đó là Cổ Đại và Văn Hiến), và vị trí trung tâm không gian làng xưa là xóm 17 Phúc Thọ bây giờ. Buổi sáng, khi đang đợi ngư dân đi chuyến biển đêm về để hỏi chuyện làm ăn, tôi đã được xóm trưởng Nguyễn Võ Tùng dẫn đi xem quang cảnh làng chài. Giao thông nội xóm đã bê tông hóa rộng rãi, còn mấy trăm mét nữa chắc cũng sẽ hoàn thành trong năm 2014 này. Còn nhà dân thì cứ vùn vụt cao tầng, hầu như lúc nào cũng có nhà đang thi công. Chắc chẳng mấy năm nữa là Lộc Thọ kiến thiết không thua kém gì phố xá Vinh hay Cửa Lò. Mấy hộ nghèo đều rất nỗ lực thoát nghèo, mỗi năm lại thoát được vài hộ. Khấm khá cái ăn rồi, người làng Lộc Thọ bắt đầu đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao đời sống tinh thần; nhìn nhận lại những giá trị văn hóa cả vật thể và phi vật thể vừa phong phú vừa có cái độc đáo riêng. 
Ngư dân Lộc Thọ vá lưới chuẩn bị  chuyến biển mới.
Ngư dân Lộc Thọ vá lưới chuẩn bị chuyến biển mới.
Thế làng vạn chài mấy đời trước thắt thẻo bám vào cửa sông Lam ấy, lại từng có tới 1 ngôi đình, 3 cái đền và 1 ngôi miếu đều mấy trăm năm tuổi, kiến trúc hoành tráng và cầu kỳ với mấy lễ hội hàng năm được tổ chức rất quy mô đình đám. Tiếc là, những giá trị vật thể và phi vật thể ấy, trong giai đoạn kháng Mỹ thoắt mấy bận biến cố, chỉ còn kịp để lại những nuối tiếc trong ký ức lớp người già bây giờ... Nay, trên nền đình làng xưa, đã được dựng lên nhà văn hóa xóm mô phỏng kiến trúc đình cổ, ngoảnh mặt ra sông, có lớp rừng bần trồng mới thay thế cho màu xanh vườn cây cổ thụ soi bóng bến nước vốn tấp nập thuyền chài. Nơi đền Trung trước đây ở giữa làng, còn giữ lại được cây phượng và cây đa cổ thụ, rễ cành vấn vít, thân cuộn lên những ụ mắt thời gian như chứng nhân cho mấy trăm năm “biển đời” một làng chài có sự vận động nhân sinh độc đáo. Làng lại còn giữ được hai ngôi giếng cổ xây hình vuông, bốn phía thành giếng bên trong bìa đá là lớp gỗ lim phiến dày, dưới đáy giếng cũng lót bốn lớp gỗ lim phiến như thế, các giếng nay vẫn được người dân bảo quản, sử dụng.
Cơ sở đóng tàu, thuyền ở làng chài Lộc Thọ.
Cơ sở đóng tàu, thuyền ở làng chài Lộc Thọ.
Tôi dẫn giải một chút như thế về “văn vật” của làng Lộc Thọ, là bởi “bắt” được cái ý ngập ngừng giãi bày của cụ ông Trần Văn Huệ, tuổi nay tròn 70 (cụ sinh năm 1944). Ngôi nhà cụ Huệ là một trong những số ít nhà cấp bốn xây cất lè tè thường thấy ở các làng chài thuở mới làm cuộc “cách mạng” từ cuộc sống quanh năm dập dềnh “nốc nác” lên xây nhà định cư trên bờ. Cụ kêu mệt, kéo cái hơi thở đã chớm khò khè của tuổi già, nhưng khuôn mặt và ánh mắt như sáng bừng lên khi hồi tưởng: “Làng xưa trước xây nên đình, đền như thế, nhưng sinh sống đều ở dưới nốc (thuyền chài). Lên bờ là chỉ để mua bán, sinh hoạt tâm linh và một năm bày 2 lễ hội rằm tháng Giêng và rằm tháng Sáu lịch ta. Tôi lên chín, lên mười còn chứng kiến hội làng cờ trống, kiệu lọng rộn ràng, nam nữ xanh đỏ xống áo đồ lễ tế hân hoan lắm... Thật tiếc! Phải chi giữ được mọi thứ đến bây dừ làng còn giàu lên nữa nhờ tham gia làm du lịch!”. Tôi tin lời cụ Huệ, bởi với một dải đất vùng cửa bể bề ngang vài trăm mét, chiều dài chỉ ngót cây số mà có những 3 ngôi đền, một ngôi đình quy mô với những sắc phong có tên có tuổi, có lễ hội đầy tín ngưỡng tâm linh của một làng chài, lại nằm sát tuyến thủy bộ du lịch ven sông Lam, cách Cửa Hội vài cây số... nếu được bảo tồn thì chắc chắn là một địa chỉ du lịch hấp dẫn, cơ hội làm giàu mới cho người làng...
Hơn 9 giờ sáng. Các thuyền chài lục tục kéo về cửa lạch rào Đừng. Thuyền đi lộng từ nửa đêm trở về đấy! Tôm ghẹ, cá mú đã cập dưới bến Cửa Hội bán hết. Ngư dân neo thuyền, lên những chiếc cầu khỉ bằng tre, mét bắc lắt lẻo, tít tắp ngang trên bãi sú vẹt vào làng. Nhà chài Trần Văn Sinh bảo, đêm qua vợ chồng coi trận 1 “uôn cúp”, xong mới chạy thuyền ra đánh bắt ở vùng đảo Nồm, Láp, được 7 cân bề bề (tôm tít) về bán “tươi” đút túi 700 ngàn đồng, trừ đi chi phí tiền dầu, là lãi hơn 500 nghìn. Ấy là vì đài báo dông gió, không bám ra khơi chút nữa kiếm thêm ít ghẹ, cá ộp, cá ba gai bán thập cẩm có khi được hơn triệu bạc. Nhà chài Sinh hẹn chiều ra thuyền vá lưới kể chuyện bể, giờ “xin phép nhà báo về ngủ bù đoạn thức xem uôn-cúp đêm qua”. 
Thuyền cá làng Lộc Thọ chủ yếu đi lộng nên đóng chỉ trên dưới 10CV. Một vài thuyền 40CV tích cực bám khơi, thì mỗi đêm như thế thu vài, ba triệu đồng. Ở Lộc Thọ, đi biển thường mỗi thuyền một cặp vợ chồng. Con cái cho chúng nó nghỉ để học hành, học xong đứa đi xuất khẩu lao động, đứa ngành nghề công chức phần đa thành đạt. Làng chài mấy đời thất học, nên bây giờ chú trọng cái chữ cho lũ trẻ. Xóm trưởng Tùng cho hay là mấy năm lại nay, năm nào xóm cũng có con em thi đậu đại học, cao đẳng, có năm đậu những 10 đứa. Nhà có của ăn của để một nhẽ, nhà nghèo cũng cố cho con ăn học. Như nhà chài Phạm Văn Nhâm diện hộ nghèo có 4 con thì 3 đứa học đại học và 1 đứa đang học lớp 11; hộ Nguyễn Thị Hoa góa chồng buôn tôm bán tép các chợ quê mà vẫn nuôi 3 con học đại học, nay 2 đã ra trường, có việc làm ổn định... 
Nhà của ngư dân Trần Văn Vịnh đích thực là một biệt thự, nội thất đắt tiền, bóng loáng rất xứng tầm “ngoại thất”. Tôi hỏi cái thuyền nhỏ nhỏ chưa đến chục mã lực ít khi bén khơi mà gây dựng cơ ngơi đến ở phố cũng thèm muốn thế này a? Nhà chài Vịnh bảo, à là cũng nhờ có con đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc, nhưng không có cái nền tảng từ quá nửa đời người đi khơi, đi lộng coi biển là nhà, cóp nhặt tích lũy thì dễ đâu kiến tạo được cái cơ ngơi để lại cho con cháu như thế này. Cứ “củ tỉ” nó ra cho rõ, mỗi đêm kiếm ít cũng triệu bạc, thì tháng khoảng 20 đêm bám biển kiếm vài chục triệu đồng, dễ nông ngư nghiệp của cái xã Phúc Thọ này ở đâu “ăn” hơn nghề biển?. Xóm trưởng Tùng nhẩm tính, làng Lộc Thọ có 20/120 hộ đi biển, thuyền lớn, thuyền bé cộng lại trung bình cứ mỗi rạng ngày ra là thu về gần 40 triệu đồng tiền mặt, vị chi tháng thu gần 1 tỷ đồng; rồi mấy chục con em đi xuất khẩu lao động cũng tháng gửi về mấy trăm triệu, cộng với các hộ còn lại làm đủ nghề dịch vụ hải sản, mây tre đan, đóng thuyền... cho thu nhập ổn định, nếu cứ “bổ” đầu hơn 500 nhân khẩu ra chia, là thu nhập bình quân gần 3 triệu đồng/người/tháng, chỉ số ấy đang cao nhất xã Phúc Thọ. 
Hỏi chuyện đi khơi đi lộng, nhà chài Vịnh “độp” một cái: “Nhà báo lần này về là viết thật chứ?”. Thấy tôi ớ ra, anh nói tiếp: “Là vì có mấy chuyện qua các cuộc đại biểu về tiếp xúc cử tri nhà tui báo cáo mà mãi không thấy trả lời. Ấy là, dân làng Lộc Thọ đi biển tuân thủ rất tốt quy chế, quy định của pháp luật trên biển. Nhưng ngư dân địa phương khác vẫn nổ mìn, kích điện bắt cá tận diệt nguồn lợi ngư trường; có thuyền đi giã cậy to, chạy quét không kể chi an toàn trên biển cho thuyền nhỏ đi lộng của ngư dân Lộc Thọ. Bây giờ Nhà nước đang kêu gọi ngư dân tăng cường bám biển, đề nghị nên xử lý nghiêm mấy “anh” ấy!”. Tôi nói là việc ấy thì nên phản ánh, và rồi các cấp sẽ phải xử lý nghiêm chớ! Ngày nọ ngày kia biên phòng, kiểm ngư đã bắt xử lý mấy vụ đó thôi!... Lúc này, nhà chài Vịnh mới hạ giọng tâm sự, là vì sức khỏe yếu, không thì sẽ cải hoán cái thuyền để vươn khơi, vừa tăng thu nhập, vừa hưởng ứng tinh thần bám biển của ngư dân cả nước.
Ở Lộc Thọ, tàu thuyền hỏng hóc hay muốn đóng mới, cải hoán thì thuận lợi vì có ngay cơ sở mộc, cơ khí “hàng hải” của người làng: ông Trần Văn Tuấn, năm nay gần 60 tuổi, trước từng đi bộ đội, ra quân về tham gia đi biển và sau đó mở nghề đóng, sửa chữa tàu thuyền đã hơn 20 năm. Ông Tuấn vừa lách cách mở cánh cổng xưởng, vừa nói: “Hôm nay có 3 tàu vào sửa chữa, tôi huy động cả 17 công nhân làm việc, nhưng giờ trưa anh đã về nghỉ”. Xưởng của ông đóng bên mép lạch rào Đừng trong khuôn viên cả nghìn mét vuông. Trong nhà xưởng có 3 tàu cá: 2 cái của Hà Tĩnh và 1 cái của Quảng Bình đang vểnh mũi chờ sửa chữa.
Ông Tuấn trước cũng là một ngư dân lão luyện, nay mở nghề này, ông đào tạo 2 con trai thành 2 “quản đốc” giỏi giang tay nghề, để xưởng của ông có thể đóng mới tàu 250CV. Từ đầu năm 2014 đến nay, ông đã đóng mới được 5 chiếc từ 40 - 150 CV, còn tiếp nhận sửa chữa thì không tính hết. Ông bảo: “Mở xưởng tạo công ăn việc làm ổn định cho con cháu và người làng là chính... Làm nghề, tôi nhận thấy là người làng chài Lộc Thọ nhà đang đi nghề thì nhấm nhứ muốn cải hoán lên tàu to, nhà từng “đứt” nghề cũng muốn trở lại đi biển, nhưng đóng thuyền nhỏ đã có quy định cấm, thuyền lớn thì không vốn và vay thì rất khó. Nếu bây giờ Nhà nước mà có cơ chế khuyến khích ngư dân phát triển nghề bám biển, tôi đảm bảo ở Lộc Thọ có ối nhà nhiệt tình đón nhận và vận dụng hiệu quả”.
Xóm trưởng Tùng cũng khẳng định lại, tổng hợp đánh giá các nghề nông - ngư - TTCN ở xã Phúc Thọ hiện nay, thì chưa có nghề nào thu nhập cao hơn nghề khai thác hải sản của làng Lộc Thọ. Tôi xuôi xóm 16 Phúc Thọ giáp ngay xóm 17, là một phần của làng chài Lộc Thọ xưa, ăn bữa cơm trưa với nhà chài Ninh là chỗ thâm giao. Nghe bản tin thời sự ti-vi thông tin về tình hình Biển Đông, nhà chài Ninh nói mãi về cái “máu” ưa phiêu lưu sóng to gió lớn của mình; thực ra tôi biết là ông lại bức bối chuyện thiếu vốn để cải hoán cái thuyền cá lớn hơn mà vươn khơi được càng xa càng tốt... Đọc trong cái khát khao ấy, thì vẫn dễ nhận ra tình yêu sông nước, niềm gắn bó biển cả quê hương của mọi người làng chài Lộc Thọ!
Bài, ảnh: Đình Sâm

Tin mới