Chợ phiên Tam Thái

(Baonghean) - Có địa thế thuận lợi, lưng tựa sông Lam, mặt hướng Quốc lộ 7, được đầu tư xây dựng với nguồn kinh phí 7 tỷ đồng và hoàn thành vào năm 2009, nhưng đã hơn 5 năm, chợ vùng Tam Thái không hoạt động. Không thể để một dự án tiền tỷ "đắp chiếu", UBND huyện Tương Dương đã vào cuộc đứng ra tổ chức "chợ phiên"...
Toàn cảnh chợ Tam Thái trong phiên đầu, ngày 14/9.
Toàn cảnh chợ Tam Thái trong phiên đầu, ngày 14/9.
Vui phiên đầu
Từ sáng 14/9/2014, phiên đầu của chợ Tam Thái đã tấp nập người vào ra. Xe máy, xe đạp, ô tô choán hết khoảng sân ngoài chợ. Cờ vui, băng rôn, khẩu hiệu, các bảng biểu giới thiệu kế hoạch tổ chức chợ phiên, các nhãn hàng... giăng mắc khắp các khoảng tường rào. Tiếng người bán, kẻ mua trao đổi, tiếng loa phóng thanh giới thiệu về kế hoạch tổ chức chợ phiên, về các sản phẩm đặc trưng vùng, những ưu đãi đối với các hộ đăng ký kinh doanh. Tất cả cộng hưởng tạo nên một không khí nhộn nhịp, tươi vui.
Đình chợ là nơi ưu tiên các sạp hàng của 7 xã dọc Quốc lộ 7 bày bán, giới thiệu sản phẩm. Người dân xã Tam Thái chiếm số đông, sản phẩm là các loại nông sản ngô, gạo, bí xanh, bí ngô, măng tươi, măng khô, măng muối chua, nấm, mộc nhĩ... và các loại thịt lợn, thịt bò, gà, cá sông; bên cạnh đó là các sản phẩm bánh được chế biến từ ngô nếp, moọc, rượu cần. Khu vực của xã Thạch Giám cũng có khá nhiều mặt hàng, nổi lên là một số loại nông sản có giá trị như ngọn su su, dưa chuột, hồng, bí ngô, dưa nương... Với xã Lưu Kiền, chủ công là các sản phẩm rèn như dao quắm, dao cắt lúa, dao nhọn, dao thái, dao cắt cỏ... Còn xã Xá Lượng tập trung vào các loại quả như cà ngọt, chanh. Các xã Tam Đình, Tam Quang, Tam Hợp... cũng có khá đông người dân đến chợ, trưng bày, bán các sản phẩm nông sản, hàng mây tre đan do tự chính gia đình làm ra. Chợ phiên Tam Thái còn xuất hiện khá đông các mặt hàng may mặc sẵn, chiếu, la gim, hàng tạp hóa do người các địa phương Đô Lương, Anh Sơn... mang tới và các giống cây trồng rừng của công ty lâm nghiệp huyện.
Hòa trong không khí chợ phiên, bà Kha Thị Hồng (bản Na Tổng, Tam Thái), bán măng tươi vồn vã chào mời: "Măng tươi mới, rẻ bà con mua đi". Rồi vui vẻ: "Măng là của gia đình trồng từ dự án của Ban định canh, định cư tỉnh. Trước đây, chúng tôi nhập cho thương lái, hoặc bán di động dọc Quốc lộ 7. Khi huyện mở phiên chợ, xã vận động gia đình tôi vào bán. Nếu chợ cứ đông vui thế này thì thích quá...". Sạp hàng thổ cẩm và xà tích (một loại trang sức của phụ nữ vùng cao) của bà Lương Thị Lan (bản Mét, Thạch Giám) thu hút đông người xem, mua. Bà Lan đã bán được 6 bộ xà tích, và một ít tấm thổ cẩm. Bà Lan nói: Xà tích là tôi đặt mua từ Thái Bình, hàng thổ cẩm do gia định dệt lấy. Ở bản Mét, tôi cũng có gian hàng bày bán tại nhà. Nghe nói Tam Thái mở chợ nên đăng ký bán thử. Phiên đầu này thấy vui vì bán được hàng. Thuận lợi thế này, cứ đến phiên lại về đây bán...". Quầy hàng đồ rèn của người dân các bản Lưu Thông, Xoóng Con của xã Lưu Kiền có rất đông người mua. Chị Lương Thị Long - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cười rõ tươi: Bây giờ phải về lấy thêm rồi. Tưởng đưa mấy chục bộ giới thiệu là chính, nào ngờ bán hết nhẵn. Theo chị Long, xã Lưu Kiền có nghề rèn truyền thống của đồng bào Thái, nhân dân trong vùng đều biết tiếng nên vừa bày ra đã có người đến mua. Đặc sản cà ngọt của xã Xá Lượng cũng rất hút khách. Quầy giống cây rừng của Công ty Lâm nghiệp Tương Dương cũng có đông người xem, mua. Công ty Lâm nghiệp bày các giống cây sưa đỏ, xoan đào, xoan ta, mỡ, mét, xoài ghép Tương Dương. Chị Nguyễn Thị Liên, cán bộ công ty cho biết: Ý tưởng của chúng tôi là nhằm giới thiệu sản phẩm để nhân dân nhận biết giống cây trồng rừng có giá trị là chính. Vậy nhưng cũng đã có đông người xem rồi mua...". Tại quầy hàng may mặc sẵn của chị Nguyễn Thị Tuyến - công dân xã Đỉnh Sơn (Anh Sơn) có rất đông người xem, ướm thử. Chị Tuyến có xe ô tô tải nhẹ, nhiều năm qua vận chuyển hàng may đi dọc Quốc lộ 7, hoặc vào các bản xa bán cho nhân dân. Chị nói: Bây giờ kỳ giao mùa nên mọi người xem là chính chứ ít khi mua. Dù vậy, tôi đã đăng ký để bán ổn định tại chợ Tam Thái. Hy vọng chợ sẽ duy trì được như phiên đầu...".
Không ít người đến chợ để mua hàng và bày tỏ mong muốn chợ được duy trì. Bà Lương Thị Hoa, trú tại bản Chung Yên, xã Tam Đình, cách chợ Tam Thái gần 9 km đến chơi chợ "vì nghe nói có chợ phiên thì vui lắm". Bà Hoa nói: Tam Đình không có chợ. Mỗi khi cần lại phải xuống chợ Khe Bố cách nhà gần 10 km, hoặc lên tận chợ Hòa Bình. Nếu chợ Tam Thái duy trì được thì dân Tam Đình có nơi bán sản phẩm và mua đồ dùng cần thiết...".
Quầy hàng thổ cẩm ở chợ Tam Thái.
Quầy hàng thổ cẩm ở chợ Tam Thái.
Chưa hết lo
Nhìn cảnh phiên chợ đầu tấp nập, cán bộ xã Tam Thái ai nấy đều "sướng cái bụng". Phó Chủ tịch UBND xã, trí thức trẻ Vi Viết Kiều cho biết: "Thực hiện chỉ đạo của huyện, 15 ngày qua xã tập trung làm vệ sinh, bài trí lại chợ; giao cho các tổ chức hội liên tục tuyên truyền cho bà con. Làm rất chu đáo nhưng vẫn lo. Hôm nay thấy người bán, kẻ mua đông đúc thì yên tâm lắm. Mấy năm rồi, nhìn chợ lèo tèo 4 - 5 quầy ốt mà xót ruột. Mong sau này, chợ sẽ hoạt động được...". 
Niềm vui xen với những băn khoăn của Phó Chủ tịch xã Vi Viết Kiều hoàn toàn xuất phát từ thực tế và đây cũng là tâm tư của cán bộ huyện Tương Dương. Chợ Tam Thái được đầu tư xây mới đạt chuẩn với nguồn kinh phí 7 tỷ đồng, nhưng hơn 5 năm qua không thể phát huy. Để "làm mới" chợ Tam Thái, huyện Tương Dương đã quyết định thay chính quyền xã đứng ra tổ chức chợ phiên, mỗi tháng 2 ngày (14 -15 AL). Huyện đã chỉ đạo 7 xã dọc QL7 và Thị trấn Hòa Bình vận động các hộ kinh doanh, người dân có sản phẩm hàng hóa tự sản xuất đem đến bán, tuyên truyền cho nhân dân biết để đến chợ mua hàng; hỗ trợ tiền vận chuyển hàng hóa, xăng xe đi lại. Bên cạnh đó, mời các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, các huyện bạn, trên địa bàn đưa hàng hóa tới tham gia. Phòng Công Thương phối hợp Trung tâm Văn hóa thực hiện truyền thanh lưu động, và thông tin liên tục trên các đài truyền thanh xã cho tới ngày mở chợ. Khép lại ngày đầu của chợ phiên Tam Thái, anh Nguyễn Văn Thắng - Phó phòng Công Thương Tương Dương cho biết: "Sau ngày đầu, kết quả rất khả quan. Với đà này, phiên chợ sau chắc chắn hàng hóa sẽ phong phú hơn. Thấy ai cũng phấn khởi nhưng chúng tôi vẫn chưa thể yên tâm vì thực tế kết quả phiên đầu tiên có được là bởi có sự tác động của chính quyền các cấp. Chỉ khi nào việc tới chợ trở thành thói quen của người dân thì khi đó mới thực sự thành công...". Theo kế hoạch, huyện Tương Dương sẽ tiếp tục chủ trì tổ chức chợ phiên Tam Thái thời gian từ 3 - 5 tháng. "Sẽ mời các doanh nghiệp ở tỉnh, các huyện bạn, trên địa bàn về mở đại lý; tiếp tục chỉ đạo các xã và tập trung tuyên truyền để tạo dấu ấn đậm nét về chợ Tam Thái trong nhân dân..." - anh Thắng nói.
Dù có địa thế đẹp, được đầu tư xây dựng lớn, vậy nhưng chợ Tam Thái nằm giữa Thị tứ Khe Bố và Thị trấn Hòa Bình, là những trung tâm thương mại lâu đời của Tương Dương nên thực tế rất khó để hoạt động nếu không có những phương án thúc đẩy kinh doanh hợp lý.  Dự phiên chợ đầu, chúng tôi thấy rằng tuy sự vào cuộc của huyện Tương Dương không sớm, nhưng đây thực sự là một nỗ lực đáng ghi nhận. Và mong sao, chợ Tam Thái sẽ nên "duyên", níu chân được người mua, người bán để trở thành một trung tâm thương mại sầm uất.
Bài, ảnh: Nhật Lân

Tin mới