Báo động ô nhiễm nước thải ở TP. Vinh

(Baonghean) - Trên địa bàn TP. Vinh, tình trạng ô nhiễm nguồn nước thải xảy ra ở nhiều nơi do nước thải công nghiệp, sinh hoạt chưa được xử lý xả thải trực tiếp vào môi trường. Trước tình trạng đó, các cấp, ngành đã có những giải pháp xử lý, khắc phục. Tuy nhiên, công việc này mới chỉ dừng lại ở một vài cơ sở với quy mô nhỏ lẻ, mà chưa có giải pháp tổng thể, nên gây ô nhiễm trầm trọng tại các hồ chứa nước và lưu vực các sông trên địa bàn thành phố. 

Nước thải chưa được xử lý
Số liệu nghiên cứu trong những năm gần đây cho thấy, nước thải từ hoạt động công nghiệp thải ra môi trường khoảng 1.767 m3/ngày, đêm, chiếm 37%; nước thải từ y tế cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ trong tổng lượng thải ở TP. Vinh, với 1.317 m3/ngày, đêm, chiếm 27%. Riêng nước thải sinh hoạt, với tổng lượng xả khoảng 1.730 m3/ngày, đêm, chiếm 36%. 
Nước thải chưa qua xử lý đổ vào sông Vinh gây ô nhiễm.	Ảnh: Công Sáng
Nước thải chưa qua xử lý đổ vào sông Vinh gây ô nhiễm. Ảnh: Công Sáng
Hiện trên địa bàn thành phố có nhiều doanh nghiệp nằm rải rác, hoạt động nhiều ngành, nghề khác nhau, trong đó loại hình sửa chữa cơ khí, ô tô chiếm tỷ lệ lớn. Hầu hết các cơ sở này chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo quy định trước khi thải ra môi trường. Có trên 40 cơ sở không đạt tiêu chuẩn nước thải ra môi trường theo QCVN 40:2010/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp). Một số cơ sở có nước thải ô nhiễm cần lưu ý là Công ty TNHH Vinh Ford, Công ty TNHH Tuấn Việt, Công ty TNHH Nissan Vinh, Công ty Vận tải ô tô và Công ty TNHH Hồng Minh. Bên cạnh đó, hầu hết hệ thống xử lý của các nhà máy, xí nghiệp ở các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố chỉ đơn thuần là bể chứa, thậm chí 2/3 cụm công nghiệp có bể chứa, nhưng không hoạt động. Riêng đối với KCN Bắc Vinh, là khu công nghiệp có quy mô lớn của tỉnh Nghệ An vẫn chưa có phương án xử lý nước thải tập trung. Như vậy, có thể khẳng định nước thải từ các khu vực công nghiệp tập trung trên địa bàn thành phố chỉ được xử lý sơ bộ trước khi thải ra môi trường ngoài.
Còn ở các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập, mặc dù đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải nhưng đều chưa đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường. Nước thải phát sinh từ các bệnh viện và các đơn vị khám, chữa bệnh có hàm lượng độc tố TSS, BOD5, COD, NH4+, NO3-, PO43-, H2S… cao. Kết quả phân tích chất lượng nước thải tại 22 bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn Thành phố Vinh cho thấy, 20/22 cơ sở có thông số vượt QCVN 14:2008/BTNMT (số liệu của đề tài “Điều tra, đánh giá hiện trạng xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn Thành phố Vinh. Đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường nước lưu vực tiếp nhận” - Sở KHCN).
Hệ thống thoát nước và các dòng sông “quá tải”
Khảo sát điều tra chất lượng nước tại các hồ Trung tâm, hồ Goong, hồ Cửa Nam, hồ Thành, hồ Bảy Mẫu và hồ Vinh Tân cho thấy, các hồ đều đã bị ô nhiễm hữu cơ và dầu mỡ. Trong đó, ô nhiễm nghiêm trọng nhất là hồ Thành, với  6 thông số vượt QCVN 08:2008/BTNMT mức B2 (Quy chuẩn nước mặt dùng cho mục đích giao thông thủy) từ 1,09 lần đến 19,11 lần; bao gồm các thông số COD (lượng oxy cần thiết để oxy hoá các hợp chất hoá học trong nước), BOD5 (lượng oxy cần thiết để oxy hóa hết các chất hữu cơ), NH4+ (hợp chất hidroxit của Nitơ), PO43- (Phốt phát), tổng dầu mỡ và Coliforms. Hồ Vinh Tân có thông số COD, NH4+ vượt QCVN 08:2008/BTNMT mức B2 từ 1,9 lần đến 21,5 lần và nồng độ DO rất thấp. Hồ Bảy Mẫu có thông số NH4+ vượt QCVN 08:2008/BTNMT mức B2 là 27,6 lần và do thấp hơn giới hạn cho phép. Các hồ còn lại gồm hồ Trung tâm, hồ Goong, hồ Cửa Nam đều có các thông số vượt QCVN 08:2008/BTNMT mức B2, tuy nhiên, số lần vượt quy chuẩn không cao (từ 1,2 - 3 lần).
Cùng đó, các sông tiếp nhận nước thải trên địa bàn thành phố, gồm sông Vinh, sông Kẻ Gai và sông Rào Đừng đều có biểu hiện ô nhiễm hữu cơ, dầu mỡ. Trong đó, đáng lo ngại nhất là hiện tượng ô nhiễm nước bởi Amoni trên cả 3 sông, nghiêm trọng nhất là trên sông Rào Đừng; Ô nhiễm dầu mỡ trên cả 3 sông đều ở mức cao, nghiêm trọng nhất là tại hạ nguồn sông Kẻ Gai. Chất lượng nước có sự phân hóa giữa các sông và giữa các đoạn của sông. Theo các nghiên cứu, càng về cuối nguồn, sông Vinh càng ô nhiễm nặng. Trên sông Rào Đừng có sự biến động theo không gian, đầu sông và cuối sông có thể sử dụng cho mục đích sinh hoạt, tuy nhiên cần áp dụng biện pháp xử lý phù hợp, đoạn giữa sông nguồn nước chỉ sử dụng được cho mục đích tưới tiêu. Đoạn cuối sông Rào Đừng còn có biểu hiện nhiễm mặn.
Các kênh mương tiếp nhận thải trên địa bàn Thành phố Vinh hiện đang bị ô nhiễm nặng, bởi nhiều thông số không đáp ứng yêu cầu chất lượng thải vào nguồn nước. Trong đó, đáng lo ngại là Coliforms trong nước thải đầu mương Hồng Bàng vượt Quy chuẩn QCVN 14:2008/BTNMT (mức B) 249 lần, cao nhất trong số các kênh mương tiếp nhận thải trên địa bàn Thành phố Vinh. Sự ô nhiễm còn thể hiện qua mùi hôi thối bốc lên qua các đoạn kênh. Chị Nguyễn Thị Hương  - tiểu thương bán hàng ăn trên đường Hồng Bàng cho biết: “Bình thường mùi hôi dưới cống bốc lên khá khó chịu, đặc biệt những hôm động trời thì không thể chịu nổi. Khi trời mưa, nước dưới cống dềnh lên rất bẩn...”.
Đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của sông Vinh, trên 7 đoạn sông bắt đầu từ thượng nguồn sông Vinh đến bara Bến Thủy. Kết quả tính toán khả năng tiếp nhận của sông cho thấy: sông Vinh không còn khả năng tiếp nhận đối với NH4+, dầu mỡ. Ngoài ra, tại đoạn 3 và đoạn 5 của sông không còn khả năng tiếp nhận đối với PO43- từ 2 nguồn thải là mương thoát nước khu dân cư 6A, phường Cửa Nam và mương thoát nước phía Tây Nam chợ Vinh. Điều này cho thấy mức độ ô nhiễm của các nguồn thải là rất lớn. Đoạn sông Vinh chảy qua đường Lê Hồng Phong dù đã được lát bêtông che kín, nhưng không thể ngăn được mùi hôi bốc lên từ nguồn nước đen ngòm. Ông Trần Văn Hiếu - khối Trường Tiến - phường Hưng Bình cho biết: “Nước ở đầy rất bẩn, đen và đặc quánh chất thải bẩn, nhiều khi không thể chảy nổi. Chúng tôi ở gần nên nhiều lúc rất khó chịu…”.
Sông Kẻ Gai, trên 6 đoạn sông, bắt đầu từ thượng nguồn sông đến cầu Chợ Già không còn khả năng tiếp nhận đối với thông số NH4+ và dầu mỡ. Ngoài ra, tại đoạn 2 sông không còn khả năng tiếp nhận đối với PO43-, từ mương Đông Vĩnh và tại đoạn 4, sông không còn khả năng tiếp nhận đối với BOD từ mương thoát nước của xóm Mai Lộc, xã Hưng Đông. Điều này cho thấy mức độ ô nhiễm của các nguồn thải là rất lớn. Trên sông Rào Đừng, bắt đầu từ thượng nguồn sông Rào Đừng đến bara Rào Đừng không còn khả năng tiếp nhận đối với các thông số NH4+, PO43-, dầu mỡ. Điều này cho thấy các nguồn thải vào sông Rào Đừng đang bị ô nhiễm hữu cơ rất nặng và khả năng tiếp nhận của nguồn nước là rất thấp.
Những tổng hợp trên cho thấy, ô nhiễm nước thải từ các đô thị, khu công nghiệp cũng như khả năng không thể tiếp nhận nguồn nước thải của hệ thống thoát nước, hồ chứa nước và các con sông trên địa bàn TP. Vinh đang ở mức cao. Trong khi mức ô nhiễm ngày càng tăng, thì thành phố và các ngành chức năng vẫn chưa tìm được giải pháp xử lý. Vì thế, vấn đề càng trở nên cấp thiết ở mức đáng báo động.
Lê Văn Hưng

Tin mới