Cần xây dựng đồng bộ hệ thống cảng biển

(Baonghean) - Với 6 cửa dọc theo 82km bờ biển, Nghệ An được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều lợi thế xây dựng đồng bộ hệ thống cảng biển. Tuy nhiên, hiện chỉ có 2 cảng Cửa Lò và Bến Thủy đang hoạt động, được nâng cấp phục vụ yêu cầu phát triển. Vấn đề đặt ra là cần quy hoạch, kết nối hiệu quả hệ thống cảng biển. 
Bốc xếp hàng hóa xuất khẩu tại Cảng Cửa Lò.
Bốc xếp hàng hóa xuất khẩu tại Cảng Cửa Lò.
Cảng Cửa Lò được quy hoạch, xây dựng thành cảng tổng hợp quốc gia đầu mối khu vực, phục vụ trực tiếp cho Khu kinh tế Đông Nam và là một trong những cửa ngõ tiếp chuyển hàng hóa quá cảnh cho nước bạn Lào, Đông Bắc Thái Lan… Bởi vậy, nhu cầu tàu vận tải có trọng tải lớn trên 10.000 tấn ra vào Cảng Cửa Lò ngày càng tăng cao, trong khi đó, luồng lạch ở cảng luôn bị bồi lắng, gây ảnh hưởng rất lớn trong giao thương hàng hóa. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng ngày càng tăng; năm 2012, vận tải hàng hóa đạt 1,85 triệu tấn; năm 2013 đạt 2,4 triệu tấn; 10 tháng đầu năm 2014 là 2,3 triệu tấn và dự kiến trong năm nay sẽ đạt hơn 2,7 triệu tấn. 
Ông Lê Doãn Long - Giám đốc Cảng Nghệ Tĩnh cho biết: “Mặc dù số lượng hàng hóa thông qua cảng hàng năm đều tăng, nhưng Cảng Cửa Lò vẫn chưa tạo được bước nhảy vọt, bởi luồng lạch chưa đáp ứng được yêu cầu cho tàu trọng tải lớn ra, vào cảng. Để khắc phục tình trạng đó, vừa qua, Bộ Giao thông - Vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam đầu tư Dự án nâng cấp luồng cho tàu biển 10.000 DWT đầy tải vào Cảng Cửa Lò. Đây là một trong những thuận lợi để cảng nâng cao năng lực bốc dỡ hàng hóa. Hiện nay đơn vị thi công gói số 8 đang tích cực triển khai việc nạo vét bùn đất với khối lượng lớn". 
Dự án “Đầu tư dự án nâng cấp luồng cho tàu biển 10.000 DWT đầy tải vào Cảng Cửa Lò” có tổng mức đầu tư hơn 375 tỷ đồng, phân kỳ đầu tư của giai đoạn 1 là hơn 179 tỷ đồng. Với mức đầu tư đó, cảng triển khai việc nạo vét luồng tàu đến -7,2m. Trong đó, chiều rộng luồng tại đáy nạo vét 100m; chiều sâu chạy tàu 9,3m; mực nước chạy tàu: +2,5m; cao độ đáy nạo vét -7,2m; đồng thời bổ sung lắp đặt mới 2 bộ phao báo hiệu. Giai đoạn 2 đầu tư hơn 196 tỷ đồng, xây dựng đê Nam dài 250m. Đây là dự án quan trọng, có ý nghĩa động lực, khai thông cho cảng vươn ra hội nhập với các nước trong khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn, nên việc thi công nâng cấp chưa được đẩy nhanh tiến độ.
Còn ở Cảng Bến Thủy lâu nay ít được đầu tư nâng cấp nên hạ tầng xuống cấp, không đáp ứng được tàu trọng tải lớn vào bốc xếp hàng hóa.
Với chủ trương của Nhà nước khuyến khích phát triển vận tải hàng hóa nội địa bằng đường biển, nhằm giảm áp lực trên tuyến đường bộ, hai cảng trên địa tỉnh đứng trước nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng gặp không ít thách thức. Hiện tại, ở cảng Cửa Lò, hệ thống kho kín với diện tích 22.000m2, bãi chứa container là 17.930m2, bồn chứa 6.500m3… nhưng nhiều thời điểm, chưa đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Còn tại Cảng Bến Thủy, có 4 cầu tàu, nhưng độ sâu luồng tàu “khiêm tốn” -4,5m, chiều dài cầu bến là 150m, chỉ phục vụ tàu từ 1.000 – 2.500 tấn. Trên thực tế, lâu nay, cầu Cảng Bến Thủy vẫn đáp ứng cho việc phát triển vận chuyển hàng hóa nội địa, nhưng nhìn vào cơ cấu hàng thông qua cảng cũng chỉ là than đá và một số hàng hóa là vật liệu xây dựng... Chính vì vậy, việc kết nối liên hoàn giữa cảng với hệ thống các cảng biển trong nước còn ở mức cầm chừng. Nguyên nhân của thực trạng này, ngoài yếu tố khách quan là doanh nghiệp chưa chú trọng vận chuyển hàng hóa nội địa bằng đường biển, đường sông thì đơn vị khai thác cảng biển chưa năng động trong nâng cấp bến bốc dỡ, nhà kho và các dịch vụ cảng biển khác. 
Xét về tiềm năng, Nghệ An được đánh giá là 1 trong những địa phương có nhiều lợi thế để phát triển vận tải nội địa bằng đường biển, đường sông. Trên địa bàn tỉnh, dọc 82km bờ biển, có 6 cửa biển (gồm Cửa Hội, Cửa Lò, Cửa Vạn, Lạch Thơi, Lạch Quèn, Lạch Cờn). Vấn đề mấu chốt là cần một bản quy hoạch, đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống cảng biển liên hoàn. Những năm gần đây, có một số dự án đầu tư cảng biển được cấp phép, nhưng hầu hết đang “án binh bất động”. Điển hình như Dự án đầu tư cảng biển thương mại nước sâu do Công ty Vận tải biển Quốc tế ITID làm chủ đầu tư (tổng đầu tư hơn 490,7 triệu USD) đã khởi công từ cuối năm 2010, ở giữa mũi Rồng và mũi Gà thuộc xã Nghi Thiết - Nghi Lộc, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai; Dự án cảng biển chuyên dùng Đông Hồi, phục vụ việc vận chuyển hàng hóa cho các KCN tại Hoàng Mai, Quỳnh Lưu và các nhà máy ở Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp… nhưng chủ đầu tư dự án này cũng chưa tích cực thực hiện. 
Ông Nguyễn Hồng Kỳ - Giám đốc Sở Giao thông & Vận tải cho hay: “Ngành Giao thông & Vận tải đã rà soát, tham mưu cho tỉnh về định hướng đầu tư phát triển vận tải hàng hóa bằng đường biển. Tuy nhiên, để vận tải hàng hóa bằng đường biển phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, góp phần giảm tải trên các tuyến đường bộ thì cần được đầu tư đồng bộ. Hiện nay, cùng với việc thực hiện dự án nạo vét luồng Cửa Lò để các tàu có tải trọng lớn có thể ra vào cảng thuận lợi, an toàn, cần tiếp tục đầu tư bến số 5, số 6 và mua sắm thêm thiết bị bốc xếp, kho bãi tại các bến thuộc Cảng Cửa Lò. Sau năm 2015, ngành đề xuất tỉnh chỉ đạo sớm triển khai xây dựng cảng biển nước sâu phía Bắc Cửa Lò gắn với Khu kinh tế Đông Nam (tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc), với chiều dài bến 3.020m và khu vực hậu cần 110 ha; kêu gọi đầu tư xây dựng Cảng Đông Hồi; khảo sát đề xuất bổ sung các điểm có đủ điều kiện vào quy hoạch cảng vận tải hàng hóa trong thời gian tới. Những định hướng đó, cùng với sự vào cuộc của các nhà đầu tư, hy vọng sẽ kết nối liên hoàn hệ thống cảng biển và là động lực để phát triển về kinh tế biển của tỉnh”.
Lượng hàng hóa thông qua cảng biển của khu vực miền Trung chỉ chiếm khoảng 11% trong tổng lượng hàng hóa thông qua các cảng của cả nước, nhưng tốc độ tăng trưởng hàng năm lại cao, đạt trên 15%, trong khi đó cả nước là 3,2%. Riêng hàng hóa thông qua Cảng Nghệ Tĩnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất, gần 20%. Phát triển vận tải đường biển, đường thủy nội địa là hướng đầu tư được hầu hết các nước chú trọng. Đặc biệt, với những địa phương có nhiều lợi thế về hệ thống cửa biển, nhiều sông ngòi như địa bàn Nghệ An thì việc phát triển nhanh vận tải đường biển, đường sông có giá trị rất lớn thúc đẩy kinh tế phát triển, kéo theo đó là nhiều dịch vụ đi kèm lĩnh vực này có thể tăng trưởng, góp phần giải quyết thêm việc làm, thu nhập cho lao động ở những vùng tiềm năng dọc bờ biển, cửa sông. Cùng đó, việc xây dựng cảng biển liên hoàn sẽ kết nối với các hệ thống giao thông khác như đường sắt, đường bộ, đường sông và các trung tâm kinh tế, vùng nguyên liệu, tạo động lực phát triển cho các vùng, miền trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: Hoàng Vĩnh

Tin mới