Gắn bó với làng nghề hoa, cây cảnh

(Baonghean) - Anh Trần Văn Phú (28 tuổi), ở xóm Kim Chi, xã Nghi Ân (TP. Vinh) thành công với mô hình trồng hoa, cây cảnh thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Mô hình của anh còn tạo sức lan tỏa đối với phong trào sản xuất của làng nghề trên quê hương.

Kim Chi vốn là vùng đất nghèo, vườn hộ chủ yếu là cát pha, xung quanh bao bọc bởi ruộng đồng thấp trũng, cây lúa, cây ngô hiệu quả rất bấp bênh. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, một số hộ dân trong làng đã du nhập nghề trồng hoa, cây cảnh, nhưng không phát triển được diện tích. Học hết phổ thông, nhiều thanh niên đã khăn gói tìm vào các tỉnh phía Nam hoặc chọn con đường xuất khẩu lao động để sinh cơ, lập nghiệp. Song, anh Trần Văn Phú lại chọn con đường mưu sinh tại quê nhà bằng nghề hoa, cây cảnh. Sự khởi nghiệp của anh bắt đầu từ những đam mê nghề mà mẹ cha anh đã từng gắn bó, vất vả nuôi 8 anh em trong nhà ăn học, trưởng thành…
Anh Trần Văn Phú (ngoài cùng) chăm sóc vườn hoa.
Anh Trần Văn Phú (ngoài cùng) chăm sóc vườn hoa.
Bước khởi nghiệp trong nghề trồng hoa, cây cảnh của anh Phú là những khó khăn chồng chất. Để thực hiện ý tưởng, anh vay vốn từ ngân hàng, bạn bè, anh em. Thêm vào đó là sự ủng hộ và từ tổ chức đoàn thể xã Nghi Ân (TP. Vinh). Bắt đầu từ việc cải tạo vườn tạp để mở rộng diện tích trồng hoa, hàng năm, anh Phú mua đất màu về bồi đắp vùng đất thấp trũng, có tỷ lệ cát lớn. Cứ thế, diện tích trồng hoa, cây cảnh của anh dần được tăng lên. Ban đầu chỉ là một khu vườn nhỏ 500m2 với một số giống hoa truyền thống như cúc các loại, dâm bụt. Đến nay, anh đã gây dựng 2 khu vườn trồng hoa, cây cảnh với quy mô 2500m2/vườn, hội đủ cúc các loại, hoa giấy, nguyệt quế, mẫu đơn cùng hàng trăm cây cảnh với những kiểu dáng, thế cây độc đáo. Tất cả đều được đầu tư công phu về kỹ thuật với sự cần mẫn, đam mê của anh Phú.
Sau một thời gian sản xuất, anh Phú tích luỹ được kinh nghiệm, đó là phải nhận định được điều kiện thời tiết, sau 2 ngày ươm hoa xuống đất, phải thắp điện sáng để ổn định nhiệt độ cho cây quang hợp. Riêng cây hoa giấy, cây nguyệt quế, hiện rất có ưu thế trên thị trường nội tỉnh, anh sử dụng phương pháp ghép cành từ cây mẹ ươm nuôi trong vườn nhà từ nhiều năm trước. Các công đoạn kỹ thuật tạo cây hoa khá bài bản từ khâu bấm vỏ, làm bầu, dâm xuống đất đến cho vào khay, chậu để xuất bán. Đối với anh, những yếu tố kỹ thuật trên phải được chuẩn bị công phu trước 3 tháng, để sản phẩm xuất bán đúng dịp Tết, cây có hoa đẹp, tươi lâu. Để nâng cao giá trị cho sản phẩm và tính cạnh tranh cho làng nghề, anh Phú không ngừng nắm bắt thông tin về thị trường, chủ động liên hệ các bạn hàng bán sỷ, bán lẻ ở Hà Tĩnh, TP. Vinh và vùng phụ cận. Nhờ đó, vào mùa hoa Tết, anh Phú luôn chiếm được thị phần lớn, nhất là thị trường nội tỉnh. Theo tính toán của anh, trong 3 tháng kinh doanh hoa Tết, sức mua tăng nhiều, doanh thu hàng năm trên 200 triệu đồng. Anh còn tạo điều kiện giải quyết việc làm 3 lao động nông thôn với mức lương 4 - 6 triệu đồng/người /tháng. 
Với sự nỗ lực của anh Phú và nhiều hộ sản xuất hoa, cây cảnh, năm 2009, làng hoa, cây cảnh Kim Chi được UBND tỉnh công nhận Làng nghề. Hiện nay, cả làng nghề có 152 hộ dân, thì có 133 gia đình làm nghề, thu hút 185 lao động gắn bó với nghề hoa cây cảnh, trong đó trên 60% lực lượng lao động chính là đoàn viên, thanh niên. Anh Phạm Tuân - Bí thư Đoàn xã Nghi Ân cho biết: “Nhờ năng nổ, nhiệt thành và gương mẫu trong hoạt động, anh Trần Văn Phú được tín nhiệm bầu vào BCH Đoàn, Phó Bí thư Đoàn xã Nghi Ân. Mô hình phát triển kinh tế bằng nghề hoa, cây cảnh của anh tạo hiệu ứng tốt trong việc nhân rộng mô hình và huy động sức trẻ vào việc giữ vững và phát triển làng nghề”.
Những ngày này, bà con làng nghề hoa, cây cảnh Kim Chi đang vào mùa trồng hoa, chuẩn bị cung ứng cho thị trường Tết. Từ đầu năm đến nay, các giống hoa được nhập về từ Hà Nội, Hải Phòng muộn hơn các năm trước. Để chủ động sản phẩm hoa cung ứng cho thị trường, năm nay, anh Phú đầu tư gần 1 vạn giống hoa truyền thống, tăng gấp 3 lần năm trước. Chia sẻ về những dự định của mình, anh Trần Văn Phú phấn khởi: “Trong thời gian tới sẽ thuê mượn các vườn đất bỏ hoang, hoặc sản xuất kém hiệu quả của các hộ dân trong xã để du nhập nhiều giống hoa mới, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, đồng thời, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho thanh niên và người dân địa phương…”.
 Bài, ảnh: Lương Mai

Tin mới