Hiệu ứng nào từ việc kiểm soát tiền lẻ, tiền mới dịp Tết?

(Baonghean) - Không in tiền mệnh giá nhỏ, đảm bảo thông suốt ATM là những chủ trương tích cực của Ngân hàng Nhà nước trong dịp Tết Nguyên đán; ngoài vấn đề tiết kiệm ngân sách, tạo uy tín cho ngành Ngân hàng, thì còn thêm những ý nghĩa lớn khác về mặt xã hội...
Kiểm soát tiền mệnh giá nhỏ
Chủ trương không in và phát hành một số loại tiền mới mệnh giá nhỏ ra lưu thông dịp Tết Nguyên đán nhằm hạn chế sử dụng loại tiền này trong hoạt động văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng… đã được Ngân hàng Nhà nước thực hiện từ năm 2013 và trong năm này. Với việc không in thêm loại tiền mệnh giá 500 đồng đã giúp tiết kiệm cho ngân sách hơn 94 tỷ đồng từ việc giảm bớt chi phí in ấn và phát hành. Năm 2014, không in thêm tiền mới loại 1.000 đồng và 2.000 đồng góp phần tiết kiệm thêm hơn 314 tỷ đồng. Trong dịp Tết Nguyên đán 2015, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục dừng in và phát hành tiền mới mệnh giá 5.000 đồng trở xuống; số tiền dự kiến tiết kiệm được khoảng 580 tỷ đồng. Tính chung cho 3 năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước tiết kiệm được hơn 1.084 tỷ đồng từ chủ trương ngừng in thêm các loại tiền mới mệnh giá nhỏ.
Các ki-ốt vẫn công khai dịch vụ đổi tiền lẻ.
Các ki-ốt vẫn công khai dịch vụ đổi tiền lẻ.
Để hạn chế thấp nhất việc sử dụng lượng tiền mệnh giá nhỏ vào các hoạt động tín ngưỡng, nhất là vào dịp lễ hội, Tết, đặc biệt năm nay, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An sẽ phối hợp với các đơn vị Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Chi cục Quản lý thị trường, Công an tỉnh tổ chức việc kiểm tra và xử phạt nghiêm (theo quy định Điểm a, Khoản 5, Điều 30, Nghị định 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ) các trường hợp kinh doanh không có giấy phép việc đổi tiền hưởng chênh lệch tại các khu vực lễ hội, đền, chùa hoặc kinh doanh trên mạng... gây ảnh hưởng đến tình hình lưu thông tiền tệ. Theo Nghị định 96 thì hành vi đổi tiền lẻ “chui” có thể chịu mức phạt từ 20 - 40 triệu đồng. 
Hệ thống monitor theo dõi hoạt động của ATM tại Vietcombank Vinh.
Hệ thống monitor theo dõi hoạt động của ATM tại Vietcombank Vinh.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, năm nay, đơn vị sẽ chủ động xây dựng kế hoạch tiền mặt, theo dõi sát diễn biến thu, chi tiền mặt trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu tiền mặt cả về giá trị và cơ cấu mệnh giá tiền cho các tổ chức tín dụng. Tăng cường chi các loại tiền mệnh giá nhỏ đã qua sử dụng vào lưu thông phục vụ nhu cầu thanh toán của người dân. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An và các tổ chức tín dụng trong tỉnh trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán cũng tuyệt đối không chi các loại tiền mới in (nếu còn  tồn kho) từ 5.000 đồng trở xuống vào lưu thông, mà chỉ chi các loại tiền đã qua lưu thông để đáp ứng nhu cầu người dân. Nghiêm cấm cán bộ Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng lợi dụng, tiếp tay và cung cấp các loại tiền mới cho các đối tượng kinh doanh đổi tiền để trục lợi (kể cả việc lựa chọn những đồng tiền đã qua lưu thông nhưng còn mới để tập hợp thành thếp, bó…). 
Thời điểm này, tại chùa Cần Linh (TP. Vinh), đền Ông Hoàng Mười (xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên) và 1 số điểm đền, chùa trong tỉnh đang có dịch vụ đổi tiền lẻ, song khá dè dặt, không công khai như trước. Qua khảo sát, tỷ lệ đổi tiền cũ lấy tiền mới cũng đa dạng, nhưng mức chủ yếu được đưa ra vẫn là 1.000 ăn 800, có nghĩa là đổi 100 nghìn tiền cũ chỉ được 80 nghìn tiền mới. 
Trao đổi với ông Nguyễn Kim Khánh - Phó ban Quản lý đền ông Hoàng Mười, ông cho biết, mỗi năm đền đón hàng chục nghìn lượt khách trong và ngoài tỉnh. Ông khẳng định tình trạng sử dụng tiền lẻ trong việc cúng, hầu đồng ở đền vẫn còn nhiều mặc dù nhà đền đã tích cực tuyên truyền, chủ yếu là tiền mới mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng và 5.000 đồng. Hiện tượng bỏ tiền lẻ trên các ban thờ, dắt tay tượng, trên mâm lễ, linh vật khắp sân đền của khách vẫn chưa giảm được nhiều qua các năm. Những ngày cao điểm của mùa lễ hội, nhà đền phải cắt cử một bộ phận chuyên thu gom tiền lẻ để đảm bảo mỹ quan và văn minh tại đền… 
Việc thực hiện nghiêm hay không chủ trương của Ngân hàng Nhà nước để hạn chế sử dụng loại tiền mệnh giá nhỏ trong hoạt động văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, ngoài đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt kiểm tra, xử phạt của ngân hàng và các đơn vị liên quan như Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Chi cục Quản lý thị trường, lực lượng công an, thì sự hạn chế hữu hiệu nhất là chính là ý thức từ mỗi người nhằm giữ gìn văn hóa tại các điểm lễ hội, đền, chùa và hơn thế là văn minh của cộng đồng.
Đảm bảo nhu cầu tiền mặt
Với con số 25 máy ATM, Vietcombank Vinh là ngân hàng có số lượng máy ATM nhiều nhất trên địa bàn tỉnh, trong đó, tại TP. Vinh có 19 máy ATM, TX. Cửa Lò 4 máy ATM và Diễn Châu có 2 máy ATM. Thực tế qua nhiều mùa Tết cho thấy, không chỉ Vietcombank, các ngân hàng đã nỗ lực trong việc lắp đặt và kết nối ATM, song do thói quen sử dụng tiền mặt của người dân còn phổ biến, nên các giao dịch qua ATM chủ yếu vẫn là giao dịch rút tiền mặt. Đặc biệt, vào dịp lễ, Tết, nhu cầu rút tiền mặt qua ATM thường gia tăng mạnh so với ngày thường, gây áp lực lớn và dẫn đến tình trạng quá tải dịch vụ này. 
Ông Nguyễn Văn Thắng - Trưởng phòng thẻ Vietcombank Vinh cho biết: Để đảm bảo hoạt động của hệ thống ATM thông suốt, đáp ứng nhu cầu khách hàng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi năm nay, ngân hàng đã phối hợp với FPT rà soát và xử lý kỹ thuật của hệ thống cột. Ngày thường chỉ có 2 tổ tiếp với 6 người, nhưng những ngày Tết, ngân hàng sẽ bổ sung 1 tổ, nâng tổng số cán bộ lên 9 người cho nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và tiếp tiền cho các cột ATM. Theo kế hoạch, từ ngày 20 tháng Chạp Âm lịch cho đến 30 Tết, 1 đầu máy ATM sẽ được tiếp tiền 3 lần/ngày, với khoảng 3 tỷ đồng/cây, có những cây nằm ở vị trí cao điểm sẽ được tiếp từ 3 đến 5 tỷ đồng. Vietcombank Vinh cũng thực hiện kiểm soát các cột ATM qua monitor theo dõi tại chi nhánh, với việc bố trí người trực từ 7h30 đến 22h. Ngoài ra, Trung tâm dịch vụ khách hàng tại Hà Nội sẽ trực thường xuyên để tiếp nhận phản ánh về các tình trạng hết tiền, giao dịch bị lỗi qua hệ thống đường dây nóng có ghi rõ tại các cột. “Lãnh đạo Vietcombank cũng đã chỉ đạo cho bộ phận quỹ chuẩn bị cơ cấu tiền để phục vụ khách hàng với các mệnh giá 500.000, 100.000, 50.000 và 20.000” - ông Thắng cho biết thêm.
Nói về các giải pháp đảm bảo hoạt động của hệ thống ATM trong dịp Tết năm nay của Ngân hàng Quốc tế VIB Chi nhánh Vinh, bà Hồ Thị Thanh Nga - Giám đốc Ngân hàng bán lẻ VIB cho biết: Để đảm bảo nhu cầu tăng đột biến về tiền mặt trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán, theo kế hoạch, ngay trước ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Tết, đồng loạt 9 cây ATM trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó có 8 cây ở TP. Vinh và 1 cây ở Diễn Châu sẽ được tiếp đầy tiền từ 1,8 đến 2 tỷ đồng. Trong những ngày nghỉ Tết, bộ phận hỗ trợ mạng lưới sẽ theo dõi sát sao hoạt động của các cây ATM từ lượng tiền, lỗi, hết hay còn tiền qua email tự động. Và nếu cây ATM có lỗi hay hết tiền sẽ được nạp tiền nhanh chóng. Bộ phận theo dõi hệ thống ATM được tăng cường trực dày trong các ngày nghỉ Tết, đảm bảo nhu cầu rút tiền mặt cho người dân...
An Nhân

Tin mới