Lộc biển đầu Xuân

(Baonghean) - Sau mấy ngày nghỉ, sáng mùng 2, mùng 4 Tết, rất nhiều ngư dân ở vùng biển Quỳnh Lưu, Diễn Châu bắt đầu ra khơi đánh bắt đầu năm với mong ước mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang...

Chuẩn bị cho chuyến vươn khơi.	Ảnh: Mai Giang
Chuẩn bị cho chuyến vươn khơi. Ảnh: Mai Giang
Có mặt tại Cảng Lạch Quèn, xã Tiến Thủy - Quỳnh Lưu, ngày đầu năm mới, chúng tôi chứng kiến rất đông ngư dân đang nhộn nhịp vận chuyển các vật dụng cần thiết lên tàu cá để bắt đầu cho chuyến hành trình ra khơi đầu năm. Tại bến cảng, nhiều phương tiện đi lại tấp nập, vận chuyển các ngư yếu cụ gồm đá lạnh, xăng dầu, máy móc đến tập kết tại cảng.
Thuyền trưởng Nguyễn Văn Chính ở thôn Phúc Thành, xã Tiến Thủy đang hì hục vận chuyển từng khoang đá lạnh lên tàu, cho biết: Năm nào cũng vậy, cứ mùng 4 Tết, anh và các thuyền viên đều làm lễ và bắt đầu xuất quân đầu năm. Năm nay, anh em chúng tôi chọn ngày mùng 4 Tết là ngày ra quân đánh bắt hải sản, bởi theo quan niệm thì đây là ngày tốt nên chúng tôi tranh thủ sắm lễ vật để tế thần cầu mong việc vươn khơi làm ăn trong năm mới được thuận buồm xuôi gió, tàu về tôm cá đầy khoang''.
Còn ngư dân Bùi Văn Thăng ở thôn Sơn Hải bộc bạch: ''Những tháng cuối năm vừa qua thời tiết biển động dài nên việc vươn khơi làm ăn gặp nhiều khó khăn. Ra Tết, biển êm nên sau những ngày vui Tết cùng bạn bè, vợ con, nay phải tranh thủ ra khơi. Mùa biển mới giá nhiên liệu, ngư cụ ổn định, cầu mong thần linh phù trợ để việc làm ăn thuận lợi là mừng rồi”. Để bắt đầu cho chuyến ra khơi đầu năm, trước khi về nghỉ Tết, anh Thăng đã chuẩn bị 3.000 lít dầu, sửa chữa, bảo dưỡng tàu cá cẩn thận. Đến sáng mùng 4 Tết, tàu của anh chỉ chờ vận chuyển hơn 500 cây đá lạnh xuống khoang tàu là có thể ra khơi đánh bắt hải sản. 
Cũng như ngư dân Chính và Thăng, hiện phần lớn tàu cá đang cập ở Cảng Lạch Quèn đã tiếp xong nhiên liệu, đá lạnh để khẩn trương ra khơi bám biển, bám ngư trường trong mùa biển mới này. Ông Nguyễn Văn Kế - Chủ tịch Hội Nghề cá An xã Tiến Thủy cho biết: ''Theo kinh nghiệm đánh bắt hải sản có từ lâu đời, trong thời gian nghỉ Tết, tôm cá rất nhiều. Do đó, nhiều ngư dân không bỏ lỡ cơ hội đầu năm để mong chuyến ra khơi gặp thắng lợi. Hiện đã có trên 50 tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân xã Tiến Thủy chuẩn bị ra khơi đầu năm. Một số phương tiện còn lại sẽ tiếp tục ra khơi trong tháng Giêng này''.
Tiến Thủy là một trong những xã có nghề đánh bắt cá trên biển lâu đời của huyện Quỳnh Lưu, cuộc sống người dân ở đây chủ yếu dựa vào biển cả. Toàn xã có 320 tàu, thuyền, tổng công suất gần 80 nghìn CV và là một trong những xã có số lượng phương tiện đánh bắt nhiều nhất huyện Quỳnh Lưu. Cùng với khí thế ra khơi đánh bắt đầu năm, các dịch vụ hậu cần nghề cá cũng đã bắt tay sản xuất đầu năm. Nhiều cửa hàng xăng dầu, cơ sở sản xuất đá lạnh đã mở cửa, hoạt động liên tục để phục vụ nhiên liệu cho tàu cá.
Tại Cảng Lạch Thơi, xã Sơn Hải, bà con ngư dân cũng đang bắt đầu chuyến ra khơi đầu năm. Năm 2014, ngư dân xã Sơn Hải được mùa hơn so với các xã vùng biển khác. Chỉ tính riêng tháng cuối năm, cả xã thu về khoảng 20 tỷ đồng từ nghề đánh bắt hải sản. Với nghề đánh bắt truyền thống là câu mực và câu cá hố nên trong những năm qua, ngư dân ở vùng biển Sơn Hải luôn mang về nguồn thu nhập cao từ nghề biển. Với khí thế đó, ngay sau khi đón Tết xong, nhiều ngư dân đã nhanh chóng ra Cảng Lạch Thơi làm lễ cúng thần linh, chuẩn bị ngư yếu cụ để xuất quân đầu năm.
Ông Hoàng Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hải cho biết: Hiện toàn xã có 269 tàu, trong đó có 19 tàu đóng mới với tổng công suất 51.000 CV. Theo phong tục của địa phương, ngày mùng 2 Tết, xã tổ chức lễ cúng tế thần sông, thần biển để cầu năm mới ngư dân gặp may mắn, mưa thuận gió hòa.  Cùng với đó, một số phương tiện tàu thuyền sẽ nổ máy để đi lấy ngày. Sáng mùng 4 Tết, sẽ có khoảng 20 phương tiện tàu thuyền sẽ xuất quân lấy lộc biển đầu năm”.
Còn tại Diễn Châu, ngay từ ngày mùng 2 Tết, sau khi làm lễ cúng đầu năm trên tàu, ngư dân Vũ Sơn Hải ở xóm Đông Lộc, xã Diễn Ngọc đã dong cờ ra khơi. Đầu năm thời tiết thuận lợi, nên sau một ngày đánh bắt, chiếc tàu 90 CV của anh về cập Cảng Lạch Vạn với hơn 50 kg cá cháo, 2 tạ cá trích và vài một ít cá sóc, cá mú... Trừ hết mọi chi phí cũng mang về cho anh Hải 7 triệu đồng. Đây thực sự là món quà ý nghĩa đầu năm mới mà biển cả ban tặng cho anh. Nó không chỉ có ý nghĩa vật chất, mà còn báo hiệu may mắn cho cả năm đi biển.
Anh Hải cho biết: Tháng cuối năm thời tiết biển động dài nên việc vươn khơi làm ăn gặp nhiều khó khăn, thời điểm đầu năm biển êm nên phải tranh thủ ra khơi. Mình làm nghề biển thì không kể chi Tết nhất, biển lặng là anh em vươn khơi ngay. Như vậy là thuyền mình đã đi được 3 chuyến biển rồi, chuyến nào biển cũng cho “lộc”, 7-10 triệu đồng. Đầu năm ra khơi cũng thuận lợi, rồi giá nhiên liệu, ngư cụ ổn định là tín hiệu vui đầu năm đối với ngư dân chúng tôi.
Niềm vui cũng hiện rõ trên khuôn mặt của chủ tàu Phạm Hải ở xóm Ngọc Minh, xã Diễn Ngọc khi đang nhanh tay vận chuyển cá lên cảng. Những chuyến biển đầu năm, tàu của anh chủ yếu đánh được cá trích, cá cháo. Toàn bộ cá đều được tư thương thu mua tận tàu với giá cao hơn những tháng bình thường từ 30 - 50%. Ra khơi lấy may đầu năm nhưng lại có lại thu nhập cao cho anh em bạn nghề nên các chủ tàu đều tranh thủ tiếp thêm nhiên liệu để ra khơi. Anh Phạm Hải chia sẻ: Khác với mọi năm, năm nay chúng tôi ra khơi sớm hơn các năm trước, thứ nhất là cầu may, thứ nữa kiếm con cá, con tôm. Đầu năm mình cần cù chăm chỉ thì chắc biển cũng không phụ mình mà cho mình no ấm.
Nếu như tại các Diễn Ngọc, thuyền giã đi về trong ngày, bà con trúng ngay từ chuyến biển đầu tiên của năm, thì tại xã Diễn Bích phần lớn là tàu công suất lớn từ 90CV trở lên cũng đã mở màn cho mùa đánh bắt mới từ ngày mùng 3 Tết và sẽ trở về trước Rằm tháng Giêng. Ngư dân Hoàng Văn Liêm ở xã Diễn Bích cho biết: Mọi năm anh em phải ra Rằm mới ra khơi, nhưng năm nay thời tiết đẹp nên mình phải tận dụng “xông biển” luôn. Ở đây 200 tàu thì đi tới 150 tàu rồi, bà con ai cũng hăm hở xuất hành vừa để lấy may, vừa có thu nhập.
Toàn huyện Diễn Châu có trên 1.400 tàu thuyền, với khoảng 5.000 lao động bám biển thường xuyên, chủ yếu tập trung ở 2 xã Diễn Bích và Diễn Ngọc. Thời gian gần đây, chính quyền huyện Diễn Châu đã có các chính sách thiết thực đối với nghề biển như hỗ trợ 20 triệu đồng cho một tàu xa bờ đóng mới, kịp thời tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho ngư dân, nên năm 2014, Diễn Châu đã phát triển tàu đánh bắt xa bờ từ 102 chiếc lên 122 chiếc, sản lượng hải sản các loại đánh bắt đạt trên 32.000 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 2.000 tấn. Qua đó đã tạo động lực lớn để ngư dân bước vào mùa biển mới với nhiều thuận lợi.
Đầu năm thời tiết tốt, biển lặng nên dễ đánh bắt, các tàu cập bến đều mang về nhiều loại hải sản có giá trị... Do ngày Tết nhu cầu thực phẩm tăng cao, đặc biệt là các loại hải sản nên mỗi chuyến biển, mỗi tàu cũng thu nhập từ 5 - 10 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Điều này đã tạo sự phẩn khởi lớn cho ngư dân, bởi đây được coi là “lộc biển”, báo hiệu may mắn cho cả năm đi biển. Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc trao đổi. Cùng với việc tổ chức nhiều hoạt động vui Xuân cho bà con vùng biển, chúng tôi cũng động viên ngư dân tận dụng thời tiết tốt tích cực ra khơi sớm. Chúng tôi cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ ngư dân, tăng mối đoàn kết để ngư dân ý thức được trách nhiệm vừa làm kinh tế, nhưng cũng đề cao tinh thần bảo vệ chủ quyền trên biển của Tổ quốc. 
Việt Hùng - Mai Giang

Tin mới