Nuôi lợn rừng phục vụ Tết

(Baonghean) - Theo quan niệm của nhiều người, có thịt lợn rừng để ăn trong ngày Tết là may mắn cho năm mới. Vì vậy, ở nhiều vùng quê xuất hiện một số mô hình chăn nuôi lợn rừng phục vụ tết. Trang trại của anh Hồ Khắc Hiệp ở xóm 1 Đồng Tâm, xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu là một điển hình như vậy. 

Dịp Tết là mùa thu hoạch trang trại của anh Hồ Khắc Hiệp ở Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu), với 380 con lợn rừng được các nhà hàng, các đơn vị đặt mua. Để có nguồn hàng này, gần cả năm qua, anh Hiệp đầu tư nhiều công sức, kỹ thuật để gây giống, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật cho đàn lợn có chất lượng thịt tốt.
Anh Hiệp chăm sóc đàn lợn rừng.
Anh Hiệp chăm sóc đàn lợn rừng.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, anh Hồ Khắc Hiệp tham gia công tác ở xóm, đảm nhận chức trách Xóm trưởng và Xã đội trưởng. Anh đã trăn trở phát triển kinh tế gia đình và kiên trì với việc đi khai thác tiềm năng đất đồi rừng của xã miền núi Quỳnh Thắng.
Trước đây, anh từng chăn nuôi hàng trăm con trâu, bò, nhưng rồi do không đủ nhân lực và thức ăn dự trữ, cùng với dịch bệnh đe dọa… cuối cùng đành phải bán dần. Nhận thấy Quỳnh Thắng là vùng “vệ tinh” cung cấp thực phẩm sạch cho vùng Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳnh Lưu, TX. Hoàng Mai, nhiều năm qua, anh quyết tâm chọn hướng nuôi lợn rừng để đặc sản cho các nhà hàng vào dịp Tết và anh đã thành công. 
Từ năm 2009, anh Hiệp đầu tư gần 200 triệu đồng để mua lợn giống và xây dựng chuồng trại. Hệ thống chuồng trại được đặt giữa vườn của gia đình với diện tích 3,5 ha, xung quanh có cây bóng mát, có chỗ cho lợn dạo chơi. Lợn rừng là loài động vật hoang dã, tính thích nghi với môi trường cao nên rất ít bệnh, thức ăn đơn giản. Cùng với tạo không gian gần gũi thiên nhiên, quá trình nuôi, anh Hiệp cho lợn ăn theo theo “đúng kiểu”. Mỗi con khoảng 8 kg, mỗi ngày chỉ cho ăn một vốc ngô hạt và cỏ, lá cây. Những thứ này, gia đình anh gieo trồng ngay trong trang trại, vừa đảm bảo sạch và đủ nguồn thức ăn cho lợn. 
Trang trại của gia đình anh Hiệp hiện có trên 400 con lợn rừng, trong đó có 27 con lợn sinh sản. Do nuôi lợn rừng không cần cho nhiều thức ăn nên trang trại của anh không cần nhiều lạo động, cả khu vực rộng và hàng trăm con lợn, nhưng chỉ cần 2 người trông nom, chăm sóc. Anh Hiệp cho biết, phải cho lợn ăn thật ít từ bé thì lợn mới quen, ăn ít sẽ làm thịt chắc, không có mỡ, bởi vậy, khách hàng khi mổ lợn thấy thịt lợn săn, ít mỡ nên càng nhiều người tìm mua. 
 Từ đầu năm, anh Hiệp đã tất bật với khâu lợn giống, sau khi mua được lợn mạ đạt chất lượng từ Bình Dương về, sau đó cho lợn sinh sản để có đủ đàn lợn con nuôi đến cuối năm bán vào dịp Tết. Sau 12 tháng nuôi, anh Hiệp xuất bán lợn thịt với trọng lượng 20 - 25 kg/con. Thịt lợn hơi hiện bán tại trang trại giá khoảng 140 ngàn đồng/kg, khách có nhu cầu được trang trại vận chuyển tới nơi. Từ chỗ sản phẩm chất lượng, uy tín, anh Hiệp hiện mở rộng mạng lưới tiêu thụ tới nhiều huyện lân cận và cả thị trường Hà Nội. Bên cạnh chăn nuôi lợn thịt, anh Hiệp cũng tạo nguồn lợn giống bán cho nhiều hộ chăn nuôi có nhu cầu với giá 200 ngàn đồng/kg giống. Lợn giống được anh chăm lớn 7 - 8kg mới xuất bán cho khách để đảm bảo tỷ lệ thành công cao. Nguồn thu từ nuôi lợn rừng mỗi năm đạt gần 500 triệu đồng, trong đó, tiền lãi được khoảng 150 triệu đồng. 
Ngoài lợn rừng, anh Hồ Khắc Hiệp còn trồng 30 ha keo bạch đàn, gần 10 ha cây ăn quả các loại. Đến nay giá trị trang trại của anh lên tới hơn 1 tỷ đồng, được xem là mô hình phát triển kinh tế bền vững ở địa phương. Ông Bùi Văn Tiến - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thắng nhận xét: “Anh Hiệp là một trong những cựu chiến binh cần cù, gương mẫu, chịu khó làm ăn và nhạy bén trong phát triển kinh tế. Anh cũng thường giúp đỡ người nghèo và các hội viên khác khi họ đến học hỏi kinh nghiệm làm ăn”. 
Châu Lan

Tin mới