Tiếp tục gỡ khó cho "đội tàu 67"

(Baonghean) - 66 chủ tàu đã được UBND tỉnh quyết định phê duyệt hồ sơ đủ điều kiện vay vốn đóng mới tàu thuyền đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ. Những khó khăn, vướng mắc cuối cùng đang dần được tháo gỡ để ngư dân sớm sở hữu những con tàu hiện đại vươn khơi, làm chủ vùng biển của Tổ quốc.
Ngư dân xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) đóng tàu vỏ gỗ.
Ngư dân xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) đóng tàu vỏ gỗ.
Khát vọng vươn khơi
Nhiều ngư dân khi nghe tin về Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó có chính sách hỗ trợ về tín dụng đối với ngư dân khi vay vốn đóng mới tàu, thuyền đánh bắt xa bờ đã vỡ òa vui sướng bởi bao hoài bão về con tàu lớn vươn khơi nay đã có lối mở. Hàng trăm ngư dân ở nhiều địa phương ồ ạt đăng ký với mong muốn mình được là người có tên trong danh sách đủ điều kiện vay vốn. Ông Phạm Văn Mạnh, xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) cho biết: “Khi nghe xã phổ biến nội dung của Nghị định 67, tôi nói với vợ con và anh em rằng nhất quyết lần này phải đóng được con tàu to để ra khơi. Chứ lâu ni quanh quẩn ở vùng lộng, nghề cũ nên tài nguyên cũng dần cạn kiệt, giá trị sản phẩm thì thấp nên đời sống của mình và anh em thuyền viên cũng chẳng đáng bao nhiêu. Bây giờ, dù có vay mượn nhiều nhưng chắc chắn khi đưa tàu đánh bắt ở những ngư trường xa hơn, giàu tài nguyên hơn thì thu nhập anh em cũng tăng lên. Rồi tích lũy dần cũng sẽ trả hết được nợ”.
Với những quyết tâm như ông Mạnh, đến nay, 66 chủ tàu được UBND tỉnh phê duyệt hồ sơ đủ điều kiện vay vốn đóng mới tàu vươn khơi đánh bắt xa bờ. Trong đó, có 32 tàu vỏ gỗ, 1 vỏ composite, 33 tàu vỏ sắt. Việc ngư dân lựa chọn tàu vỏ sắt để đóng mới cho thấy tín hiệu tích cực trong tư duy sản xuất. Tuy tàu vỏ gỗ vốn quen thuộc với tập quán đánh bắt của ngư dân nhưng Chính phủ khuyến khích ngư dân đăng ký đóng tàu vỏ sắt. Bởi sau sự kiện Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan HD981 trong vùng biển của nước ta, đồng thời nhiều lần cản trở, tấn công tàu cá của ngư dân ta thì việc khuyến khích đóng tàu vỏ sắt nhằm mục đích vừa đảm bảo an toàn trước thiên tai, vừa đối phó được với địch họa trên biển.
Ngư dân Phùng Bá Thu, phường Nghi Thủy (Thị xã Cửa Lò), một trong những người đăng ký đóng tàu vỏ sắt cho biết: “Đối với tàu vỏ gỗ, khi biển động, gió cấp 5, cấp 6 đã gặp nguy hiểm, nếu có tàu vỏ sắt, ngư dân sẽ an toàn và yên tâm vươn khơi xa. Bên cạnh đó, tàu vỏ sắt còn có những ưu điểm như khả năng đi biển dài ngày, có tính năng vận hành ổn định và an toàn nhờ được trang bị các thiết bị hàng hải hiện đại. Mặc dù, để đóng mới một chiếc tàu vỏ sắt thì chi phí vốn đội lên gần gấp đôi nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm thực hiện. Nói thật là nếu như đi tàu vỏ sắt thì anh em ngủ trên tàu cũng được yên giấc hơn”.
Tàu thuyền của ngư dân Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai).
Tàu thuyền của ngư dân Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai).
Mặc dù vậy, nhiều ngư dân vẫn đang băn khoăn so sánh tính hiệu quả giữa tàu vỏ sắt và tàu vỏ gỗ. Chi phí một tàu sắt cao gấp đôi tàu gỗ với cùng công suất tương đương, cho dù được vay hỗ trợ thì ngư dân vẫn phải bỏ thêm phần vốn của mình không ít. Xét về bài toán kinh tế, ngoài việc tàu sắt tốn nhiều tiền đầu tư hơn, chi phí bảo dưỡng hằng năm có thể là một con số làm cho nhiều ngư dân nghi ngại. Chi phí xăng dầu cũng không thể không tính đến khi tàu vỏ sắt nặng hơn, tốn nhiều nhiên liệu hơn tàu vỏ gỗ. Ngư dân sẽ rất lúng túng trong khâu sử dụng, quản lý, bảo dưỡng, cách tổ chức sản xuất, chưa kể đến việc khó khăn về dịch vụ hậu cần, sửa chữa tàu vỏ sắt. Ông Nguyễn Việt Trí, Phó phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở NN&PTNT) cho biết: Hiện đa số tàu gỗ của địa phương quá cũ kỹ, lạc hậu, nhiều tàu có tuổi thọ từ 20 - 30 năm, nếu tiếp tục được sử dụng trong vài năm nữa thì khó đảm bảo an toàn trong khi diễn biến trên biển ngày càng phức tạp và khó lường. Tàu vỏ sắt là “cứu cánh” giúp cho địa phương nhanh chóng hiện đại hóa đội tàu đánh cá, bảo vệ an toàn cho ngư dân cũng như nâng cao khả năng bảo vệ, giữ vững an ninh trên biển. Việc lựa chọn đóng tàu vỏ gỗ hay vỏ sắt là quyền của người dân, nhưng với những lợi ích lâu dài thì Nhà nước vẫn khuyến khích ngư dân lựa chọn tàu vỏ sắt.
Sớm tháo gỡ vướng mắc
Đến nay, Bộ NN&PTNT đã công bố sơ bộ thiết kế kỹ thuật 21 mẫu tàu cá vỏ thép khai thác hải sản, tàu dịch vụ hậu cần để ngư dân có thể lựa chọn đóng. Theo đó, đây là mẫu tàu được thiết kế cho các nghề lưới rê, lưới vây mạn, lưới vây đuôi, lưới chụp, nghề câu, tàu dịch vụ hậu cần. Tàu có chiều dài từ 24m đến hơn 30m, công suất máy chính 400 CV trở lên, tốc độ 9 hải lý/giờ trở lên, có thể đáp ứng cho hơn 9 thuyền viên, tùy từng nghề. Ngư dân được quyền lựa chọn một trong các mẫu tàu cá phù hợp với nghề, vùng biển khai thác, tự lựa chọn cơ sở đóng tàu để đóng. Sau khi Bộ NN&PTNT công bố các mẫu thiết kế kỹ thuật tàu vỏ sắt, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành công bố cho ngư dân và hiện nay, nhiều gia đình đã đăng ký mẫu tàu theo nhu cầu cũng như nghề sản xuất của mình lựa chọn. Tuy nhiên, sau khi các ngư dân đi tham quan, khảo sát kinh phí đóng tàu tại Nhà máy đóng tàu Sông Đào (Nam Định) thì nhận thấy rằng, chi phí đóng tàu quá lớn, tầm khoảng 13 - 15 tỷ đồng nên nhiều người đang còn băn khoăn. Vì thế mà cho đến thời điểm hiện tại, ngư dân vẫn chưa ký thêm được hợp đồng nào với các nhà máy đóng tàu.
Còn đối với tàu vỏ gỗ, vướng mắc hiện nay là Bộ NN&PTNT chưa ban hành mẫu tàu thiết kế cũng như dự toán kinh phí tàu vỏ gỗ để ngư dân lựa chọn, đăng ký. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã giao cho Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản lập dự toán kinh phí cần thiết cho hoạt động triển khai Nghị định 67. Trên cơ sở đó, Chi cục đã làm việc với Trường Đại học Thủy sản Nha Trang và thống nhất 7 mẫu thiết kế và dự toán giá thành với 4 nghề khai thác gồm: chụp 4 sào, vây rút chì, rê và dịch vụ hậu cần. Dự toán giá thành của các mẫu tàu này từ 7,3 đến 15 tỷ đồng/chiếc. Tuy nhiên, kinh phí để thẩm định mẫu thiết kế, dự toán giá thành đóng tàu vỏ gỗ không được Chính phủ hỗ trợ.
Để giải quyết vấn đề trên, Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 đã tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ nguồn kinh phí hơn 972 triệu đồng để thẩm định mẫu thiết kế tàu và thẩm định dự toán giá thành tàu. Ngay sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã có ý kiến đồng ý về mặt chủ trương và giao cho Sở Tài chính tham mưu trình UBND tỉnh xem xét, giải quyết. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Ngân sách tỉnh (Sở Tài chính) cho biết: Đến nay, Chính phủ và các bộ ngành chưa ban hành văn bản hướng dẫn việc cấp kinh phí thẩm định mẫu tàu thiết kế và dự toán cho tàu vỏ gỗ nên chưa thể bố trí nguồn vốn. Sau khi có ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở đã tính toán lại nguồn dự toán và trình văn bản tham mưu tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp làm việc với Bộ Nông nghiệp để phê duyệt mẫu tàu thiết kế, sau đó mới có thể cấp kinh phí.
So với các địa phương khác trên cả nước thì tiến độ triển khai Nghị định 67 của tỉnh là khá nhanh và được đánh giá cao. Song, đây là một nghị định mới, văn bản hướng dẫn chưa hoàn thiện nên gây không ít khó khăn trong việc triển khai thực hiện. Đến nay, những vướng mắc cơ bản đã có hướng tháo gỡ và hy vọng rằng trong thời gian tới việc cấp kinh phí trình Bộ Nông nghiệp thẩm định mẫu thiết kế và dự toán giá đối với tàu vỏ gỗ sẽ được giải quyết nhanh; ngư dân cũng mong muốn có những cơ sở đóng tàu vỏ sắt giá thành “vừa phải” để tạo điều kiện cho họ sớm hoàn thành giấc mơ nhân lên đội tàu hiện đại, vững vàng vươn khơi. 
Phạm Bằng

Tin mới