Hiệu ứng tăng tỷ giá USD

(Baonghean) - Tỷ giá USD có xu hướng tăng, qua phân tích cho thấy chủ yếu do yếu tố tâm lý và kỳ vọng của thị trường, đồng thời tác động của giá đồng USD trên thế giới đang lên. Rất nhiều người quan tâm về hiệu ứng trước việc tỷ giá đồng Việt Nam và đô la Mỹ tăng (mức điều chỉnh 1%) vào ngày hôm qua?
Ngày 7/5/2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) công bố điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ từ mức 21.458 VND/USD lên 21.673 VND/USD (mức điều chỉnh 1%). Với biên độ tỷ giá +/-1% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng, tỷ giá trần là 21.890 VND/USD, tỷ giá sàn 21.456 VND/USD. Đây cũng là lần tăng tỷ giá USD thứ 2 trong năm nay và tổng cộng đã tăng 2% so với đầu năm, đồng thời hết mức tăng dự kiến của NHNN trong cả năm 2015. Điều này dự báo sự điều hành tỷ giá sẽ hết sức căng thẳng trong những tháng còn lại của năm 2015. 
Buổi sáng 7/5, tỷ giá USD của các ngân hàng thương mại đồng loạt tăng mạnh, cụ thể tại Chi nhánh Vietcombank Vinh niêm yết giá USD mua vào 21.670 - bán ra 21.740 VND/USD, tăng 70 đồng/USD chiều bán ra so với ngày 6/5; Ngân hàng Công thương Bến Thủy mua vào 21.670 - bán ra 21.730 VND/USD, tăng 50 đồng/USD bán ra so với ngày 6/5; Techcombank mua vào 21.660 - bán ra 21.760 VND/USD; Sacombank mua vào 21.640 - bán ra 21.720 VND/USD, tăng 47 đồng/USD so với ngày 6/5,… Tuy vậy, qua tìm hiểu tại một số chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn và doanh nghiệp xuất, nhập khẩu cho thấy hoạt động mua bán ngoại tệ diễn ra bình thường, không có gì biến động, một phần do Nghệ An là thị trường nhỏ hoạt động xuất, nhập khẩu không nhiều nên cả ngân hàng và doanh nghiệp đều chủ động được nguồn USD đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
 
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Trưởng phòng Thanh toán quốc tế và kinh doanh dịch vụ Vietcombank Vinh cho biết: Chi nhánh luôn đảm bảo nguồn cung ngoại tệ dồi dào, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu cho vay và mua ngoại tệ của khách hàng, tuy nhiên, khách hàng vay USD phải chắc chắn có nguồn USD từ xuất khẩu về thì mới được vay. Hiện chi nhánh có 50 khách hàng doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, với dư nợ USD đến thời điểm hiện nay 19.474.000 USD. Các khách hàng được vay USD đều có năng lực tài chính tốt và có nguồn thu ngoại tệ tốt, đảm bảo khả năng thanh toán nợ. Doanh số mua USD 4 tháng đầu năm đạt 49.889.000 USD, doanh số bán đạt 49.912.000 USD. Doanh số thanh toán hàng xuất khẩu đạt 40.552.000 USD, doanh số thanh toán hàng nhập khẩu 15.060.000 USD. Nhu cầu thanh toán hàng nhập khẩu không nhiều, trong khi doanh số thanh toán hàng xuất khẩu tương đối khá, đây là tín hiệu tốt, phù hợp với chủ trương khuyến khích xuất khẩu của Nhà nước.
Tại Chi nhánh Ngân hàng Công thương Bến Thủy hoạt động giao dịch USD diễn ra bình thường, không biến động. Chị Đặng Hồ An - Phó phòng khách hàng doanh nghiệp chia sẻ: Tỷ giá tăng so với thời điểm trước chứng tỏ nhu cầu về ngoại tệ tăng, song tại chi nhánh hoạt động ổn định, trung bình một ngày mua bán hơn 100.000 USD, doanh số mua bán ngoại tệ 4 tháng đầu năm gần 13,1 triệu USD. Dư nợ USD đến hết tháng 4/2015 đạt 19,2 triệu USD, giảm 2,1 triệu USD so với đầu năm, dư nợ giảm do khách hàng vay đầu tư trung hạn trả nợ theo định kỳ. Nhìn chung các khách hàng đều chủ động được nguồn USD nên không có gì biến động.
Anh Hoàng Chí Hưng - Phó Giám đốc Sacombank chi nhánh Nghệ An cho biết: Nhu cầu ngoại tệ của khách hàng chi nhánh không nhiều, khách hàng xuất nhập khẩu của chi nhánh khoảng 30 - 40 doanh nghiệp, nhưng thực tế chỉ 3 - 4 doanh nghiệp có nhu cầu mua bán ngoại tệ thật, còn lại chỉ có tài khoản tại ngân hàng nên không có gì biến động.
Giá USD tăng, doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi, qua đó cũng tác động tích cực đến xuất khẩu, đem nguồn ngoại tệ về cho đất nước. Ông Lê Văn Hoài - Giám đốc Công ty TNHH thương mại Phú Hoài An chia sẻ: Doanh nghiệp chúng tôi chuyên xuất khẩu xi măng và thép sang thị trường Lào, từ tháng 3/2014 đến nay đã xuất được khoảng 70.000 tấn, thu về 4,2 triệu USD. Nay tỷ giá tăng doanh nghiệp hưởng lợi từ chênh lệch giữa USD và VND tạo thêm nguồn lực để tái đầu tư phục vụ xuất khẩu tốt hơn và đem lại nguồn thu khá hơn cho đơn vị.
Còn với doanh nghiệp nhập khẩu thì ngược lại, chị Trần Thị Hồng Thái - Kế toán trưởng Công ty CP nhựa bao bì Vinh bộc bạch: Chúng tôi chuyên nhập nguyên liệu hạt nhựa từ thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc… bình quân mỗi tháng nhập hàng 1 triệu USD, nay tỷ giá tăng mạnh rất bất lợi cho doanh nghiệp vì đẩy chi phí đầu vào tăng cao. Tháng 1/2015, sau lần điều chỉnh tỷ giá đầu tiên, giá USD giao dịch quanh mức 21.400 đồng/USD, nay lên 21.740 đồng/USD. Như vậy mỗi tháng doanh nghiệp phải mất thêm 340 triệu đồng do chênh lệch tỷ giá gữa VND và USD. Chúng tôi phải chấp nhận giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đồng thời tiết kiệm tối đa các chi phí sản xuất để đảm bảo thu nhập cho người lao động.
Thông tin từ NHNN cho biết, trong thời gian tới NHNN tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp và công cụ chính sách để tiếp tục ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ trên mặt bằng giá mới, theo dõi sát thị trường trong nước và quốc tế, các dự báo kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành chính sách một cách phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển nền kinh tế quốc gia.
Quỳnh Lan

Tin mới