Lạc L14 - năng suất cao gấp đôi giống cũ

(Baonghean) - Huyện Nghi Lộc là địa phương có diện tích lạc lớn nhất tỉnh. Đặc biệt, sau khi phục tráng giống lạc L14 nguyên chủng, trồng đại trà ở 3 xã Nghi Văn, Nghi Long và Nghi Hợp, bước đầu cho thấy năng suất, chất lượng lạc cao gấp đôi giống cũ.

Từ năm 2010 đến nay, năng suất lạc trên địa bàn huyện Nghi Lộc có chiều hướng giảm (khoảng 3 - 4 tạ/ha). Ngoài các nguyên nhân khách quan có nguyên nhân chủ quan, bởi sau hơn 10 năm thực hiện chương  trình cải tạo giống lạc L14 đến nay, việc chọn lọc, phục tráng lại giống đầu dòng chưa được triển khai đúng quy trình, chủ yếu là giống lạc nông dân sản xuất truyền thống nên độ thuần không cao, có biểu hiện thoái hóa, năng suất giảm. 
Bà con xã Nghi Long (Nghi Lộc) chăm sóc lạc L14.
Bà con xã Nghi Long (Nghi Lộc) chăm sóc lạc L14.
Trước tình hình đó, UBND huyện đã xây dựng chương trình, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ giống lạc, nhất là việc phối hợp có hiệu quả với Công ty CP Giống cây trồng Nghệ An, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam thực hiện chương trình cải tạo bộ giống lạc trên địa bàn, đặc biệt chú trọng đưa nhanh giống lạc L14 vào thay thế các giống lạc cũ nên hiệu quả kinh tế, năng suất lạc tăng rõ nét. Vụ đông 2014, huyện có chủ trương nhân rộng giống lạc đã qua phục tráng và mua giống lạc L14 nguyên chủng tại Trung tâm đậu đỗ của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam về cấp cho 3 xã Nghi Văn, Nghi Long và Nghi Hợp, với tổng diện tích gieo trồng thí điểm là 13 ha.
Quá trình sản xuất tại 3 xã này cho thấy cây lạc sinh trưởng tốt, củ to đồng đều, năng suất vượt trội đạt 22 tạ/ha (vụ đông). Toàn bộ sản lượng thu hoạch trên để làm giống bán cho bà con trong xã, vùng nhân giống lạc L14. Bên cạnh đó, người dân một số xã ra Trung tâm đậu đỗ mua thêm giống về trồng. Sang vụ xuân 2015 này, toàn huyện Nghi Lộc đã nhân rộng được khoảng 140 ha giống lạc L14 nguyên chủng đã qua phục tráng, đến thời điểm này gần cho thu hoạch, cây lạc xanh tốt, củ nhiều, đồng đều 30 – 40 củ/bụi.
Gia đình chị Hà ở xóm 13, xã Nghi Long đang làm cỏ lạc. Thông thường trồng cây gần đến ngày thu hoạch mấy ai quan tâm đến việc làm cỏ, thế nhưng với cây lạc ở đồng đất Nghi Long lại được bà con chăm sóc cẩn trọng đến cận ngày thu hoạch. Theo chị Hà: “Lâu lắm rồi mới có giống lạc tốt như vậy nên nhà nào cũng yêu thích bộ giống này và ra sức chăm sóc cẩn thận để có kết quả thu hoạch tối đa nhất. Vụ đông 2014, gia đình tôi trồng 4 sào giống L14 nguyên chủng thu hoạch được hơn 4 tạ, để làm giống 1 tạ, còn lại bán được 4,2 triệu đồng cho bà con trong xã nhân giống”. Như vậy, vụ xuân này chị Hà tiết kiệm được 2 triệu đồng tiền mua giống nhờ có nguồn từ vụ trước để lại, lạc tốt đều, cây khỏe, củ to, dự kiến năng suất khoảng hơn 1 tạ/sào, với giá bán hiện nay 2,5 triệu đồng/tạ, với 4 sào lạc xuân đem lại nguồn thu 10 triệu đồng.
Tại xã miền núi Nghi Văn, ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Văn chia sẻ: Vụ đông 2014, huyện có chủ trương hỗ trợ 100% lạc giống L14 nguyên chủng trồng thí điểm 50 ha tại xã Nghi Văn. Xã chọn xóm 21 để triển khai làm liền vùng, liền thửa, người dân được tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ. Quá trình trồng thử nghiệm cho thấy giống siêu nguyên chủng độ nảy mầm cao, củ nhiều so với giống lạc thuần, thời gian sinh trưởng ngắn hơn 10 - 15 ngày, đến thời điểm này lạc xuân gần cho thu hoạch, ít sâu bệnh. Sang vụ đông tới, Nghi Văn sẽ mở rộng diện tích khoảng 75 ha giống  lạc L14 nguyên chủng đã qua phục tráng, vừa sản xuất vừa rút kinh nghiệm, nếu thực sự tốt địa phương sẽ nhân rộng phủ kín diện tích 315 ha lạc của toàn xã, vì đây là cây trồng đem lại thu nhập khá trên đồng đất Nghi Văn.
Theo bà Hồ Thị Bích Lam, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Nghi Lộc: Nhân rộng giống lạc đã qua phục tráng năng suất cao hơn hẳn so với các giống lạc khác, củ to đồng đều, thuần giống L14, được nhân dân tin cậy, khi hội thảo đầu bờ nhiều xã trong huyện đến mua giống. Các xã trồng lạc L14 cháy hàng không có để bán. Vụ xuân 2015, toàn huyện nhân rộng được khoảng 140 ha lạc L14 nguyên chủng đã qua phục tráng.
Với diện tích trồng lạc trên 4.000 ha/năm, sản lượng đạt trên 10.000  tấn/năm, Nghi Lộc là một trong những đơn vị dẫn đầu cả tỉnh về diện tích, năng suất, sản lượng lạc hàng năm. Đồng thời là đơn vị dẫn đầu trong việc thực hiện nhiều  giải pháp kỹ thuật về sản xuất lạc như giống mới, kỹ thuật che phủ ni lông, kỹ thuật thâm canh… Nhờ vậy hiệu quả  trong sản xuất lạc được nâng lên rõ rệt, năng suất bình quân từ 20 tạ/ha năm 2014, đến thời điểm hiện nay đạt trên 25 tạ/ha, năm được mùa nhất đạt trên 27 tạ/ha, một số vùng thâm canh cao tại các xã Nghi Long, Nghi Hợp, Nghi Khánh… đạt trên 30 tạ/ha. Một số xã  như Nghi Văn, Nghi Tiến, Nghi Hợp, Nghi Long… đã sản xuất thành vùng tập trung theo quy mô hàng hóa, các xã này đã chủ động được nguồn lạc giống vụ đông, nhờ đó giải quyết được vấn đề khó khăn của nông dân trong việc cất giữ bảo quản lạc giống theo phương thức truyền thống trước đây. Song điều người dân băn khoăn nhất là việc bao tiêu sản phẩm, liên doanh, liên kết trong sản xuất lạc còn bất cập.
Để khuyến khích nhân rộng giống lạc L14 nhằm năng cao giá trị sản xuất nông nghiệp cho người dân, huyện Nghi Lộc ban hành cơ chế hỗ trợ hàng năm. Mỗi năm UBND huyện hỗ trợ 15 ha nhân giống lạc trong vụ đông tại 5 xã (yêu cầu liền vùng, liền thửa), mức hỗ trợ 100% giá giống lạc siêu nguyên chủng và nguyên chủng, định mức 240 kg lạc giống/ha (dự kiến kinh phí hỗ trợ 12 triệu đồng/ha). Đồng thời hỗ trợ kinh phí quản lý chỉ đạo, tập huấn chuyển giao KHKT cho đơn vị trực tiếp triển khai mô hình (Trạm Khuyến nông huyện) 30 triệu đồng...
Bài, ảnh: Quỳnh Lan

Tin mới